SEVEN.am cắt mác Trung Quốc vì ‘khách kêu ngứa’: Có thể bị truy tố?

© Ảnh : Cổng thông tin điện tử Bộ Công ThươngKiểm tra điểm kinh doanh Seven.am
Kiểm tra điểm kinh doanh Seven.am - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
SEVEN.am dính nghi vấn gian lận xuất xứ khi sản phẩm quần áo thời trang, túi xách phụ kiện nhãn hiệu do ông Nguyễn Vũ Hải Anh làm chủ có hành vi cắt mác hàng Trung Quốc và dán đè nhãn Made in Vietnam.

Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc tăng cường kiểm tra, đồng thời nhiều chuyên gia khẳng định SEVEN.am có thể bị truy tố nếu làm giả số lượng lớn.

Nghi vấn SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc rồi thay nhãn mác

Hôm nay, 11.11, sau những thông tin phản ánh của báo chí về việc thương hiệu thời trang SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Made in China sang thành Made in Vietnam trên một số sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang và đồ lót, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành khảo sát địa bàn, nắm thông tin về dấu hiệu làm giả xuất xứ của nhãn hiệu thời trang này

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo cùng công nhân - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo làm rõ vụ Asanzo nhập hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Theo cổng thông tin của Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 14 với 5 tổ kiểm tra tại năm địa điểm kinh doanh của SEVEN.am tại thủ đô Hà Nội. Cụ thể, 5 cửa hiệu này nằm tại 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ.

Qua quá trình kiểm tra, làm việc, Đội Quản lý thị trường số 14 Hà Nội ghi nhận tại các cửa hàng bày bán sản phẩm của SEVEN.am đều có đầy đủ tem ghi xuất xứ “Made in Vietnam”, gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ cơ sở sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối là “Công ty Cổ phần MHA thời trang SEVEN.am”.

“Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho Đoàn kiểm tra Đăng ký nhãn hiệu Seven.Am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064. Toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin sẽ xuất trình sau”, Bộ Công thương cho hay.

Theo thông tin từ ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Seven.Am không có xưởng may mặc riêng, tuy nhiên có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Toàn bộ sản phẩm được Seven.Am thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.

Trong 5 cửa hàng được kiểm tra trong sáng ngày 11.11, lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm.

Ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần MHA khẳng định “toàn bộ sản phẩm của Seven.Am đều được sản xuất trong nước”. Đội Quản lý thị trường số 14 đang tiến hành kiểm tra, yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến hàng hoá và kiểm đếm các sản phẩm tại cửa hàng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thông về kết quả quá trình kiểm tra, kiểm soát tại chuỗi Thương hiệu Thời trang Seven.Am trong thời gian sớm nhất”, Bộ Công thương khẳng định.

Ông Nguyễn Vũ Hải Anh: cắt mác Trung Quốc vì khách kêu ngứa?

Đó là lời giải thích khó có thể chấp nhận được từ ông chủ nhãn hiệu SEVEN.am, diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh.

Liên quan đến thông tin mà báo chí phản ánh rằng, hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu SEVEN.am nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng giám đốc chuỗi thời trang này xác nhận “có nhập hàng Trung Quốc” nhưng đều có hoá đơn và những sản phẩm nào nhập ngoài sẽ không gắn mác SEVEN.am.

“Những sản phẩm nào do chúng tôi sản xuất mới gắn mác thương hiệu, còn những mặt hàng của Trung Quốc chúng tôi không gắn mác. Khi bán hàng chúng tôi có nói rõ với khách hàng: Đây là hàng Trung Quốc, không phải của thương hiệu SEVEN.am” – Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Hải Anh lý giải.

Còn vì sao phải cắt bỏ nhãn mác hàng Trung Quốc và thay thế bằng xuất xứ Việt Nam, ông Anh cho hay:

“Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn”, ông Hải Anh khẳng định.

Trước đó, phóng sự điều tra của Báo Tuổi trẻ thủ đô phản ánh rằng, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA (nhãn hiệu thời trang SEVEN.am), trước khi xuất đi hàng chục showroom, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tại Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. - Sputnik Việt Nam
Ngân hàng thế giới bày cách giúp Việt Nam chống lại gian lận thương mại từ doanh nghiệp Trung Quốc

Theo phản ánh tại một showroom SEVEN.am trên địa bàn quận Hà Đông, một số khăn được bày bán tại đây bị bung chỉ, phóng viên hỏi nhân viên thì người này lúng túng trả lời: “Do quá trình gắn chíp và mác nên có thể chỉ bị tuột”.

Tại một showroom SEVEN.am khác ở Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), tình trạng cũng tương tự. Những chiếc khăn có giá gần 200.000 đồng được gắn tem Charning, ngoài dòng chữ “Phân phối bởi Công ty Cổ phần MHA” và một số thông tin khác nhưng phần quan trọng nhất là giới thiệu nguồn gốc xuất xứ lại không có.

Đáng chú ý, tại nhà kho công ty này ở tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội), đóng giả làm nhân viên kho của SEVEN.am, phóng viên được giao ghi chép, đếm số lượng sản phẩm nhập về kho, sau đó thực hiện một số công việc, trong đó có yêu cầu kiểm tra trên sản nhập về như quần áo, túi xách, khăn, đồ lót có chữ Trung Quốc hay không? Nếu có phải ngay lập tức cắt hoặc xé bỏ.

Một công nhân làm ở đây cho biết:

“Ở chân nhãn mác vẫn còn chữ Trung Quốc nên phải rạch ra, cắt chỉ để xé cái chân mác ấy đi. Nói chung làm ở đây cứ thấy chữ Trung Quốc trên sản phẩm là phải bỏ hết”.

Điều này có thể thấy, SEVEN.am đã thực hiện “tẩy gốc” xuất xứ hàng hóa. Liệu đây có phải sự lừa dối đối với người tiêu dùng Việt Nam?

SEVEN.am có thể bị truy tố?

Trước nghi án SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc về rồi sau đó cắt bỏ và dán mác hàng Việt, chia sẻ với Kinh tế Đô thị, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ:

“Đây không không phải là lần đầu tiên DN Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc, mà đã trở thành “vấn nạn” chung bởi trước đó ông chủ thương hiệu Khaisilk cũng thừa nhận Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam. Có như vậy là bởi hàng Việt Nam và thương hiệu Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi quản lý nhà nước như lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế phải đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, ngăn chặn từ gốc là khu vực biên giới, không nên để hàng lậu, hàng giả lọt tới thị trường nội địa mới ngăn chặn thì quá muộn”.

Thiếu tướng Lương Tam Quang. - Sputnik Việt Nam
Bộ Công an đang điều tra những nghi vấn liên quan đến việc Asanzo bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, vấn đề ở đây là cơ quan nhà nước có chịu làm hay không bởi có không ít trường hợp chính cán bộ Nhà nước “bảo kê” cho buôn lậu, sản xuất hàng giả như đã bị phản ánh trước đây.

Liên quan đến nghi án gian lận xuất xứ của SEVEN.am, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cũng cho rằng:

“Việc SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác “made in Vietnam” là cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn”.

Về giải pháp chống gian lận xuất xứ, ngăn chặn tận gốc, không để xảy ra những sai phạm tượng tự bên cạnh lực lượng chức năng, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu của thành phố Hà Nội cho rằng, chính cơ quan quản lý phải vào cuộc và quyết liệt ngăn chặn vấn nạn này. Ngoài ra, cơ quan xây dựng pháp luật cần đẩy nhanh việc sửa đổi pháp lý theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt, bởi mức xử phạt hành vi sản xuất hàng giả hiện quá nhẹ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

“Đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả. Điều này khiến tội phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và vi phạm ngày càng gia tăng”-  ông Phạm Bá Dục chỉ rõ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала