Thoát tầm ngắm của Mỹ: Việt Nam cam kết chống gian lận xuất xứ

© Ảnh : VGP NewsSản xuất gỗ
Sản xuất gỗ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trước nguy cơ hàng hóa nước ngoài đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước đối tác trong FTA để hướng thuế suất ưu đãi, Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt thể hiện cam kết mạnh mẽ, đảm bảo uy tín của Chính phủ cũng như giá trị thương hiệu “Made in Vietnam”.

Chính phủ Việt Nam quyết liệt chỉ đạo chống gian lận xuất xứ

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đã diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11 do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) phối hợp tổ chức.

 Hàng Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Việt Nam quyết chặn hàng Trung Quốc và cuộc chiến chống phòng vệ thương mại

Tham dự và phát biểu thảo luận tại Hội thảo lần này có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, ông Michael Greene, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Hội đồng kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, các Bộ ngành có liên quan của Việt Nam trong việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và sự có mặt của hơn 30 đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam.

Mục đích của Hội thảo lần này nhằm hỗ trợ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan của Việt Nam với các chuyên gia xuất xứ và phòng vệ thương mại đến từ các cơ quan và tổ chức quốc tế, hải quan các nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ, xác định, điều tra chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thể hiện mạnh mẽ cam kết đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác thương mại về hành động của Việt Nam trong công tác chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Về cuộc chiến chống bảo hộ thương mại và gian lận xuất xứ, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước nguy cơ hàng hóa nước ngoài mượn đường lợi dụng những kẽ hở luật pháp và quy định để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hướng thuế suất ưu đãi.

Nắm được những vấn đề còn tồn tại và hiểu rõ vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đồng thời quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể để chống lại vấn nạn về giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Những giải pháp chủ động, cụ thể và hiệu quả được Bộ Tài chính -Tổng cục Hải quan đưa ra như sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa như Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC, sửa Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa cũng như ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị cục hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ông Jerry Cook, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanesbrands (Hoa Kỳ).  - Sputnik Việt Nam
Doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam

Trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp Tổng cục, cục và chi cục; phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu; ban hành các kế hoạch kiểm tra cụ thể; tăng cường phối hợp với các bộ ngành và hợp tác quốc tế với các tổ chức và hải quan nước ngoài đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông về xu hướng, hình thức gian lận, các giải pháp của cơ quan Hải quan và khuyến nghị đối với doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Thực tế kết quả thực hiện đã phát hiện, xử lý các doanh nghiệp vi phạm.

Phát biểu tại sự kiện lần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chia sẻ, trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam, một nền kinh tế mở với 12 Hiệp định tự do thương mại đã có hiệu lực, 1 Hiệp định tự do thương mại đã ký và 3 Hiệp định tự do thương mại đang đàm phán.

“Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này, cụ thể là ngày 4.7.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”- báo Hải quan dẫn lời Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai bày tỏ mong muốn, các đại biểu tham gia hội thảo sẽ nhận thức được tác động tiêu cực của gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với nền kinh tế Việt Nam để cùng nhau quyết tâm thực hiện các giải pháp mà Chính phủ, của Ngành, của đơn vị để góp phần tích cực, hiệu quả vào cuộc chiến chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Được biết, trong thời gian triển khai, Dự án “Tạo thuận lợi Thương mại” sẽ hợp tác với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên liên quan nhằm giải quyết tình trạng gian lận xuất xứ chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Gian lận xuất xứ: Đặt hàng Made in Vietnam ngay ở bên nước ngoài

Made in Vietnam - Sputnik Việt Nam
Bộ Công Thương ra dự thảo thông tư “Made in Vietnam”
Trao đổi về vấn đề kiện toàn bộ máy, không để xảy ra xáo trộn, đặc biệt là ngăn chặn hành vi làm giả xuất xứ, tránh gian lận thương mại, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh thông tin với các cơ quan báo chí về một hình thức gian lận mới, đó chính là đặt hàng Made in Vietnam ngay ở bên nước ngoài.

Theo thống kê, lực lượng quản lý thị trường trong thời gian từ 12.10.2018-12.10.2019 đã kiểm tra trên 141.000 vụ, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Các vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, từ đầu năm 2019, hành vi gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

“Từ đầu năm tới giờ, do ảnh hưởng của nhiều chính sách khác trên thế giới, tỷ lệ gian lận thương mại, xâm phạm trí tuệ càng ngày gia tăng, trong đó có hành vi gian lận thương mại mới. Gần đây là gian lận thương mại trên môi trường mua sắm online, thương mại điện tử, đặc biệt gian lận phổ biến về xuất xứ hàng hóa. Đứng trước tình hình đó, Tổng cục đã nhận thức và có sự chỉ đạo và có yêu cầu trong các đơn vị trong Bộ, các lực lượng bên ngoài, có kế hoạch triển khai ở một số địa bàn, mặt hàng cụ thể”, ông Linh khẳng định.

Asanzo xác nhận 70% linh kiện sản xuất tivi được nhập từ Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Bộ Công Thương: Chưa có quy định thế nào là hàng 'made in Vietnam'
Theo chia sẻ của Tổng cục trưởng, hiện nay phổ biến liên quan đến giả xuất xứ, có hai hình thức, một doanh nghiệp có thể đặt hàng Made in Vietnam ngay ở bên ngoài nước ngoài, sau đó thẩm lậu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hoặc tổ chức gia công sản xuất, cắt nhãn, gắn mác Made in Vietnam, gần như các hàng hóa đó không phải sản xuất ở Việt Nam, để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trên thị trường nội địa.

“Có thể nói, gian lận xuất xứ rất tinh vi, khó phát hiện, bắt được quả tang về hành vi giả nhãn mác, thì mới xử lý được. Để làm việc này, mặc dù đã có sự nỗ lực, đội QLTT cũng phải phối hợp với các lực lượng khác như hải quan, để kiểm soát ngay từ khâu nhập khẩu, các lực lượng công an, kinh tế trong thị trường nội địa để theo dõi các đối tượng, lần ra các ổ nhóm. Việc kiểm tra công khai ở ngoài đường không hiệu quả bằng việc tập trung các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, cơ sở sản xuất thì mới tấn công, xử lý một cách triệt để”, Tổng cục trưởng khẳng định.

Ông Trần Hữu Linh cũng cho hay, từ đầu năm tới giờ, gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng, lực lượng QLTT đã xử lý vi phạm hành chính cũng như chuyển cho công an xử lý rất nhiều vụ việc, từ các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thiết bị, điện tử, hoa quả.

“Tổng cục xác định đây là hình thức gian lận thương mại mới. Trong năm tới, lên kế hoạch chuyên đề để tập trung đấu tranh để làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại, xuất xứ”, Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường khẳng định.

Việt Nam tạm ngưng nhập gỗ dán vào Việt Nam để tránh bị Mỹ trừng phạt

Ngày 13.11 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số số 22/2019/TT-BCT do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký, quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ.

Theo đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Donald Trump - Sputnik Việt Nam
Chờ đợi những gì từ thỏa thuận thương mại “giai đoạn đầu tiên” giữa Mỹ và Trung Quốc?

Theo lý giải của cơ quan này, Đề án trên nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa (trong đó các mặt hàng có nguy cơ cao như gỗ dán).

Quy định này được ban hành và áp dụng đối với: thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu,  kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27-12-2019 đến hết ngày 31 -12-2024.

Lý giải về quyết định này, Bộ Công thương khẳng định: “Nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Hoa Kỳ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính”.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, thị trường Mỹ sẽ tăng nhập khẩu gỗ từ Việt Nam và các quốc gia khác để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc.

Sự dịch chuyển đơn hàng giúp ngành gỗ Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt tại Bình Dương và Đồng Nai, nhưng tốc độ dịch chuyển mạnh hơn khi cuộc thương chiến diễn biến phức tạp.

© Ảnh : Chuyện Tạo MẫuNgành gỗ
Thoát tầm ngắm của Mỹ: Việt Nam cam kết chống gian lận xuất xứ  - Sputnik Việt Nam
Ngành gỗ

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam trước những rủi ro đối với mặt hành, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành gỗ trước các cáo buộc gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc, Đài Loan được xuất khẩu vào thị trường Mỹ qua con đường khác nhằm né thuế, nhất là với các sản phẩm gỗ dán.

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đạt 53 triệu USD thì đến năm năm 2018 đạt 632 triệu USD. Tính đến hết 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đã lên tới 368 triệu USD.

TV - Sputnik Việt Nam
Sharp tuyên bố chuyển nhà máy sản xuất LCD từ Trung Quốc sang Việt Nam

Đây chính là “điểm bất thường” khiến Bộ Thương mại Hoa Kỳ tỏ ra vô cùng quan ngại và xem xét ban hành những áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ dán của Việt Nam cũng như nguy cơ Trung Quốc, Đài Loan “mượn” nguồn gốc xuất xứ Made in Vietnam để xuất khẩu sang Mỹ.

Đáng chú ý, trong danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế được Bộ Công Thương gửi đến các tỉnh, thành phố cũng chỉ ra gỗ dán là mặt hàng có nguy cơ cao “đội lốt” Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với độ cảnh báo là mức 4 – mức cao nhất.

Nhận định về vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khiến sản phẩm gỗ “Made in Vietnam” vào “tầm ngắm” của Mỹ.

“Thương chiến Mỹ - Trung chưa chắc đem lại lợi ích lâu dài cho ngành gỗ Việt Nam, ngược lại, có thể gây rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, biến Việt Nam thành quốc gia trung chuyển nhằm tránh thuế từ Mỹ. Hơn nữa, rất có thể, ngành gỗ Việt Nam sẽ phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, kéo theo đó là mức thuế nhập khẩu cao và rủi ro hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian tới”, ông Phúc chia sẻ với báo Đầu Tư khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала