VKS: Đinh La Thăng bỏ qua quy định pháp luật, ưu ái PVC làm tổng thầu

© AFP 2023 / Vietnam News AgencyHai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa
Hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sáng nay, theo quan điểm của cơ quan công tố, PVC không đáp ứng kinh nghiệm, tài chính... làm tổng thầu. Mối quan hệ giữa một số bị cáo trong vụ án mang tính lợi ích nhóm.

Sáng 15/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng cùng 21 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục diễn ra. Hôm nay là ngày thứ 8 diễn ra phiên xử với phần đối đáp của VKS.

Có lợi ích nhóm trong vụ án

Đại diện cơ quan công tố cho biết do vụ án có nhiều bị cáo, một số bị cáo có nhiều luật sư bào chữa bày tỏ quan điểm nên để tiết kiệm thời gian, VKS sẽ trả lời theo nhóm vấn đề, sau đó đối tụng với từng câu hỏi cụ thể.

Về vấn đề PVN chỉ định PVC làm tổng thầu có đủ năng lực hay không? Tại tòa, ông Đinh La Thăng nói việc chỉ định PVC dựa theo văn bản của cơ quan cấp trên. Tuy nhiên theo VKS, văn bản của Nhà nước không đưa ra quan điểm cụ thể về dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 hay cho phép PVC làm tổng thầu. Chính phủ không có văn bản cho PVC làm tổng thầu mà yêu cầu chọn đơn vị đủ năng lực thực hiện. Do mất cân đối tài chính, PVC sử dụng nguồn tiền tạm ứng để trả nợ.

Dẫn số liệu báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh, đại diện VKS nói trong 2010, PVC đã gặp khó khăn về vốn (tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn) và có báo cáo gửi PVN để thực hiện kế hoạch cân đối lại vốn. Đại diện cơ quan công tố nói Chủ tịch HĐTV PVC biết tình trạng đơn vị, lãnh đạo PVN cũng biết thực lực tài chính PVC không lành mạnh. Tuy nhiên, trong các báo cáo của PVN gửi Chính phủ không nêu vấn đề này.

Ngoài ra, theo quan điểm của VKS, PVC không đáp ứng kinh nghiệm làm tổng thầu. Hai dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và Nhơn Trạch 2, PVC chỉ tham gia xây dựng, không thiết kế.

Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng thừa nhận PVC không đủ kinh nghiệm, thời điểm đó chỉ Lilama mới đủ năng lực. Do chỉ định thầu sai quy định, dự án thi công kéo dài gấp đôi thời gian dự kiến, phát sinh hàng trăm tỷ đồng.

© Ảnh : zingĐại diện cơ quan công tố tại phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 người khác.
Đại diện cơ quan công tố tại phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 người khác. - Sputnik Việt Nam
Đại diện cơ quan công tố tại phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 người khác.

Căn cứ xác định hậu quả thiệt hại cũng là một trong những vấn đề được nhiều luận sư quan tâm. Theo cơ quan giữ quyền công tố, cáo trạng và lời khai các bị cáo cho thấy việc tạm ứng, sử dụng tiền là sai quy định. Thiệt hại xác định là thiệt hại đã xảy ra với PVN. Cơ sở tính bằng lãi tiền gửi ngân hàng với mức lãi suất kỳ hạn đối với tiền tạm ứng và sử dụng sai mục đích theo quy định về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản.

"Người liên quan có trách nhiệm bồi thường", đại diện KVS nói và cho biết số tiền thiệt hại được xác định là có lợi cho bị cáo. Quan điểm luật sư và bị cáo nói việc tạm ứng, chi tiền trái mục đích không tạo ra thiệt hại hoặc thiệt hại không đáng kể là không có cơ sở.

Theo nội dung đối tụng, ông Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận về PVC và cất nhắc giữ các vị trí quan trọng. Biết PVC không đủ năng lực kinh nghiệm nhưng ông Thăng vẫn ưu ái, bỏ qua các quy định chỉ định làm tổng thầu. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo các bị cáo ở PVN và người liên quan ở PVPower ký hợp đồng EPC số 33 để tạm ứng tiền cho PVC trái quy định để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước. "Qua đó cho thấy mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ này", đại diện VKS nói.

VKS: Bị cáo Đinh La Thăng đã cố ý làm trái

Cũng trong sáng nay, đối đáp các quan điểm bào chữa của luật sư cho bị cáo Đinh La Thăng, đại diện VKS đã nêu các luận cứ, chứng cứ chứng minh việc bị cáo bị truy tố như VKSND Tối cao nêu là có căn cứ, chính xác.

Theo kiểm sát viên, Tập đoàn PVN do Nhà nước quản lý. Nhà nước giao cho PVN mục tiêu là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn tại PVN và vốn PVN đầu tư tại các dự án khác… Nhà nước giao cho Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV của PVN. Toàn bộ tài sản dù là nhỏ nhất của PVN được nhân dân giao phó, ủy thác cho bị cáo Đinh La Thăng để phát huy giá trị, lợi ích. Nhân dân và Nhà nước yêu cầu với các bị cáo phải tuân thủ pháp luật.

"Trong vụ án này bị cáo có tuân thủ pháp luật không, có trái, có sai không?" — đại diện VKS đặt câu hỏi. Theo kiểm sát viên, trong cáo trạng của VKSND Tối cao đã phân tích rõ nhưng các luật sư đưa ra một số luận cứ cho rằng bị cáo Thăng không có hành vi Cố ý làm trái.

"Trên cơ sở tài liệu chứng chứ có trong hồ sơ, một lần nữa tôi khẳng định có căn cứ pháp luật chứng minh hành vi Cố ý làm trái của Đinh La Thăng" — kiểm sát viên nêu trong phần đối đáp.

Cũng trong phần đối cáo của mình, kiểm sát viên dẫn chứng 7 đầu tài liệu để chứng minh hành vi Cố ý làm trái của bị cáo Đinh La Thăng, trong đó tập trung vào hành vi chỉ đạo, lựa chọn tổng thầu PVC sai nguyên tắc của bị cáo từng là chủ tịch HĐTV của PVN. Kiểm sát viên cũng trích nhiều lời khai của các bị cáo Vũ Đức Thuận, Vũ Hồng Chương, trong đó thừa nhận PVC chưa bao giờ làm tổng thầu dự án nhiệt điện nào có quy mô lớn, độ khó, phức tạp như dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, chưa có kinh nghiệm điều hành, việc PVN chỉ định PVC là tổng thầu là trái luật, trái chỉ đạo của Thủ tướng… "Với các tài liệu này thì có phải bàn gì nữa về hành vi cố ý hay không cố ý, trái hay không trái", kiểm sát viên nhấn mạnh.

Nói về việc bị cáo Đinh La Thăng đã ép tiền độ, chỉ đạo các đơn vị ký hợp đồng EPC, kiểm sát viên chia sẻ: Tôi rất buồn trong những ngày xét xử vừa qua, chứng kiến việc cấp dưới thì thừa nhận sai phạm, vi phạm, mong hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật nhưng các bị cáo là cấp trên không nhận sai phạm. Kiểm sát viên cũng trích nhiều lời khai của bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh… cho thấy dù dự án chưa đủ điều kiện triển khai nhưng 2 bị cáo vẫn đôn đốc PVC ký hợp đồng 33 theo chỉ đạo thúc ép, bắt buộc khởi công dự án của bị cáo Đinh La Thăng.

"Mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc là ở đây chứ còn đâu nữa", kiểm sát viên nói. Vị đại diện cơ quan công tố cũng nêu bản thân bị cáo Thăng cũng trình bày với Cơ quan An ninh điều tra sau khi bị bắt rằng: Do sức ép đảm bảo tiến độ khởi công dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tôi đã đôn đốc, ép buộc với tất cả các đơn vị trong đó có PVPower.

"Quá rõ rồi, đây là làm sai, cố ý", kiểm sát viên đánh giá rồi công bố thêm một số tài liệu khác chứng minh việc bị cáo Thăng biết không thể ký hợp đồng EPC 33 nhưng vẫn ký.

Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.

Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.

Sau gần một tuần xét xử, VKS đề nghị án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị là chung thân về 2 tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 20 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.

© Ảnh : zinginfographic
infographic - Sputnik Việt Nam
infographic

Nguồn: zing

 

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала