Covid-19: Số ca nghi nhiễm nCoV tăng cao, Việt Nam ngừng miễn thị thực cho công dân Italy

© Ảnh : Xuân Triệu - TTXVNĐo thân nhiệt cho học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) trước khi vào trường.
Đo thân nhiệt cho học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) trước khi vào trường. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cập nhật dịch bệnh do chủng mới virus corona (Covid-19), theo Bộ Y tế, số ca nghi nhiễm nCoV (SARS-CoV-2) ở Việt Nam cao nhất trong một tháng qua. Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng miễn thị thực cho công dân Italy.

Trước tình hình dịch SARS-CoV-2 phức tạp, Hà Nội họp bàn giải pháp mới. Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)

Việt Nam có 115 trường hợp nghi nhiễm Covid-19

Theo Bộ Y tế, tính đến 8h30 ngày 2.3, Việt Nam có 115 người nghi nhiễm virus corona (hay còn gọi là nCoV, Covid-19, SARS-CoV-2) đang được cách ly theo dõi tại các bệnh viện, nhiều nhất trong suốt một tháng qua. 18 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm nCoV mới, 16 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới đều đã được chữa khỏi và công bố xuất viện.

Cụ thể, Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam công bố số liệu cập nhật tổng hợp từ tất cả các tỉnh thành. Theo đó, trong một ngày, theo làn sóng người nhập cảnh từ các vùng có dịch, số người nghi nhiễm đã tăng lên thành 34 trường hợp so với con số 81 ca ngày hôm qua. Tháng hai vừa qua, ngày có nhiều người nghi nhiễm nhất là 28.2 với 105 trường hợp. Tuy nhiên, đến ngày 2.3, Việt Nam đã ghi nhận 115 trường hợp có dấu hiệu ho, sổ mũi, có tiền sử đi từ vùng có dịch đang tiếp tục được cách ly, theo dõi để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, còn có 10.089 trường hợp có tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch vẫn đang được cách ly theo dõi sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã cách ly toàn bộ Khoa Truyền nhiễm có sức chứa 200 bệnh nhân thành một khu vực riêng để ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona - Sputnik Việt Nam
Bộ Ngoại giao thông tin về việc người Việt nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc

Theo Bộ Y tế, các đối tượng nghi nhiễm là người có tiền sử đi về từ/qua vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người dương tính với virus corona, có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Người thuộc diện nghi nhiễm phải cách ly bắt buộc tại bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Nếu kết quả âm tính, họ sẽ được ra khỏi diện nghi nhiễm, song sẽ được giám sát y tế ở khu tập trung hoặc theo dõi tại nhà, tùy tình hình.

Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran) phải thực hiện việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế. Những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được chuyển ngay tới các cơ sở y tế để cách ly và thực hiện xét nghiệm.

Tính đến ngày 2.3, Hà Nội đã tiến hành tiếp nhận 1.764 người đi về từ Hàn Quốc và được cách ly tập trung tại khu vực do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý. Trong số 1.764 trường hợp trở về từ Hàn Quốc này đang có 12 người bị ho, đã nhanh chóng được chuyển vào cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2.

Tại TP.HCM, ghi nhận 272 trường hợp ở tại khu cách ly tập trung của thành phố, gồm 218 ca tại khu cách ly tập trung huyện Củ Chi, 43 ở khu cách ly tập trung huyện Nhà Bè, 11 người tại khu cách ly tập trung quận 7. Có 118 người tiếp tục theo dõi tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện và 290 trường hợp đang được theo dõi cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú.

Thành phố Đà Nẵng hiện vẫn tiếp tục giám sát tại cộng đồng 19 trường hợp, tất cả sức khỏe bình thường. Ngoài ra còn có 783 người cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199 - Bộ Công An, Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ, Trường quân sự Bộ chỉ huy Quân sự Thành phố, trường quân sự Quân khu 5.

Tại Cần Thơ, trong ngày hôm qua, 1.3, ba chuyến bay từ các thành phố có dịch Covid-19 tại Hàn Quốc đưa 600 hành khách về sân bay quốc tế Cần Thơ. Theo Sở Y tế Cần Thơ, 289 người đang cách ly tập trung tại Trường Quân sự thành phố. Trong đó có 75 người từ thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang và 214 người đến từ các tỉnh khác của Hàn Quốc.

Hai du khách Nga say sưa chụp ảnh tại di tích Tháp Bà Ponagar. - Sputnik Việt Nam
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 giảm mạnh do COVID-19
Trong ngày 2.3, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cũng sẽ đón tiếp 3 chuyến bay về từ Incheon và Busan, Hàn Quốc. Theo đó, một chuyến bay của VietJet và 2 chuyến củaVietnam Airlines sẽ vận chuyển khoảng 550 người từ Hàn Quốc về Việt Nam. Trao đổi với báo giới, Giám đốc sân bay Cần Thơ nhấn mạnh, hành khách đến từ Hàn Quốc được đặc biệt lưu ý. Những ai về từ các thành phố không phải vùng dịch sẽ được vào nhà ga quốc tế để làm thủ tục. Những chuyến bay đến từ vùng tâm dịch, hành khách sẽ khai báo y tế và làm thủ tục nhập cảnh ngay trên máy bay. Đồng thời, tại sân bay Cần Thơ, hành khách được kiểm tra thân nhiệt và làm tờ khai y tế. Sau khi nhận lại hộ chiếu từ công an cửa khẩu, hành khách sẽ lên xe về nơi cách ly. Cục Hậu cần- Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đảm nhiệm việc vận chuyển. Hành khách bị sốt, nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được đưa lên xe cứu thương chuẩn bị sẵn để đưa về Bệnh viện Lao phổi Cần Thơ hoặc bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ nếu là trẻ em.

Tại tỉnh Thái Nguyên, có 1.065 người đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, có 150 người về từ vùng tâm dịch, gồm 86 công dân Hàn Quốc, được theo dõi sức khỏe 14 ngày. Hiện tại, tất cả đều bình thường. 181 người về Việt Nam qua biên giới tỉnh Cao Bằng cũng có hiện trạng tốt. Tuy nhiên, hiện nay ở Thái Nguyên có khoảng 60 ngàn lao động với 428 người Hàn Quốc, 122 người Trung Quốc. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đo thân nhiệt cho nhân viên công ty. Những trường hợp về từ Hàn Quốc đều được khai báo y tế, hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

Lo dịch coronavirus: Việt Nam tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Italy

Nhằm ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch Covid-19, vốn đang trong giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực tạm dừng chế độ đơn phương miễn thị thực đối với công dân Italy. Quyết định sẽ chính thức bắt đầu có hiệu lực từ 12h00 ngày 2.3.2020.

Cán bộ y tế mặc áo bảo hộ, khẩu trang trước khi vào chăm sóc sức khỏe cho các công dân được cách ly tại trung tâm.  - Sputnik Việt Nam
Người đàn ông đột tử không rõ nguyên nhân tại Hà Nội: Đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Theo những số liệu ghi nhận mà Bộ Y tế Italy công bố trong tối ngày 1.3, tốc độ lây lan mỗi ngày của virus corona chủng mới tại quốc gia này đã ở mức ngang ngửa với 2 ổ dịch lớn nhất tại châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ Y tế Italy thống kê, tổng cộng có đến gần 550 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 1.3, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 1.688 ca. Ngoài ra, đã có thêm 5 bệnh nhân nữa tử vong, nâng số người chết vì dịch tại nước này lên 34 người.

Đứng trước việc tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, nhà chức trách Italy đã đưa ra một số biện pháp mới. Trong số đó, có quy định tại các vùng dịch, người dân được yêu cầu đứng cách xa nhau ít nhất 1m.

Trước làn sóng tức giận của người dân đang bị phong toả ở 11 địa phương thuộc vùng Lombardy và Veneto, chính quyền các vùng này dự kiến sẽ cho mở cửa lại một số địa điểm công cộng như bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát. Tuy nhiên, số người đến đây sẽ bị hạn chế và yêu cầu tuân thủ chặt chẽ việc giữ khoảng cách. Đồng thời, trường học ở các vùng này sẽ tiếp tục bị đình chỉ hoạt động ít nhất là cho đến ngày 8.3.

Gần 2.500 người từ Hàn Quốc đến Hà Nội trong 14 ngày, có thể cách ly cả một quận?

Ngày 2.3, trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, nghe Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây nên. Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi họp và lắng nghe báo báo tình hình. Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố.

Seoul, Hàn Quốc. - Sputnik Việt Nam
Hàn Quốc miễn phí điều trị cho công dân Việt Nam nhiễm COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vương Đình Huệ đánh giá, ngay từ khi có dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã vào cuộc kịp thời, quyết liệt. Cùng với cả nước, Ban Chỉ đạo đã hành động quyết liệt góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Thường trực Thành ủy thường xuyên nghe báo cáo, chỉ đạo trực tiếp và ban hành 1 công văn, 5 thông báo chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường mà thủ đô Hà Nội lại là cửa ngõ giao lưu trong nước, quốc tế nên nguy cơ và rủi ro sẽ cao hơn những nơi khác. Bí Thư thành ủy nêu rõ, trước tình hình chuyển biến mới, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp mới, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho nhân dân, khách du lịch, công dân nước ngoài ở Hà Nội.

Do vậy theo Bí thư Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy quyết định làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo nhằm đưa ra giải pháp.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền báo cáo tại phiên họp, cho biết, đến nay, thế giới đã ghi nhận 88.366 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.995 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. Tại Việt Nam, đã 18 ngày không ghi nhận người nhiễm virus corona.

“Hiện có 2.115 người thực hiện giám sát tại cộng đồng; 2.240 người đang cách ly tập trung tại các điểm do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý; Bệnh viện Công an Thành phố đang quản lý 124 người, đã hết thời hạn cách ly 56 người, còn 68 người đang phải cách ly”, ông Nguyễn Khắc Hiền cho hay.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thủ đô đã thành lập 65 đội cơ động phòng chống dịch. Tất cả các ca bệnh nghi ngờ đều được xử lý triệt để đúng hướng dẫn của Bộ Y tế ngay từ khi phát hiện.

© Ảnh : ZingMáy bay của Vietnam Airlines bay chặng Incheon - Tân Sơn Nhất chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ.
Covid-19: Số ca nghi nhiễm nCoV tăng cao, Việt Nam ngừng miễn thị thực cho công dân Italy - Sputnik Việt Nam
Máy bay của Vietnam Airlines bay chặng Incheon - Tân Sơn Nhất chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ.

Sở Y tế đã giám sát chặt chẽ các hành khách nhập qua Cảng hàng không Sân bay Quốc tế Nội Bài và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Áp dụng khai báo y tế đối với tất cả các khách nhập cảnh đến hoặc đi qua các quốc gia và vùng có dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Các quận huyện, thị xã, báo cáo cho biết, hiện nay số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong vòng 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.497 người, trong đó từ khu vực Daegu là 38 người, từ khu vực Bắc Gyeongsang là 19 người.

“Hiện tại, các đơn vị Y tế trên địa bàn Hà Nội có khả năng triển khai được 5.000 giường bệnh điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19. Cụ thể, 300 giường bệnh của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Bắc Thăng Long 400 giường, 5 bệnh viện Thanh Nhàn, Đống Đa, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn thực hiện thu dung 600 giường bệnh, 31 bệnh viện công lập 3.00 giường, bệnh viện ngoài công lập 300 giường, bệnh viện Bộ, ngành 400 giường”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh là rất lớn, thành phố không được chủ quan, lơ là, phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ hơn giai đoạn trước đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu cho biết, nếu dịch xảy ra trên diện rộng thì sự tham gia của toàn thể người dân là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống dịch thành công. Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, công tác thông tin truyền thông phải cụ thể hơn, trên nguyên tắc minh bạch, tập trung vào tuyên truyền nguy cơ của dịch và ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh đến mỗi người dân.

“Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của thành phố phải tham khảo, nghiên cứu thêm kinh nghiệm chống dịch Covid-19 từ các nước, từ các tỉnh, thành phố có dịch trong nước. Đến nay, kinh nghiệm từ Trung Quốc và tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy cách ly tại cộng đồng vẫn là biện pháp quan trọng nhất”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Về các giải pháp cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay 2.3, tất cả những người bắt buộc đưa vào cách ly tập trung hay những trường hợp cách ly tại cộng đồng đều phải được xét nghiệm Covid-19 trước khi đưa vào cách ly. Đồng thời, tất cả trường hợp đến bệnh viện có triệu chứng nghi ngờ cũng phải lấy mẫu xét nghiệm. Công dân các nước nhập cảnh qua sân bay Nội Bài mà qua kiểm dịch y tế thấy có nghi ngờ thì cũng phải chủ động lấy mẫu xét nghiệm.

Trước báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố hiện thực hiện được khoảng 250 mẫu bệnh phẩm một ngày, chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị thành phố phải tăng cường năng lực xét nghiệm hơn để có thể đẩy nhanh công tác xét nghiệm, giải tỏa được số trường hợp đang bị cách ly tập trung, giảm nguy cơ lây chéo.

Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu thông tin, quận Thanh Xuân có hệ thống chung cư rất lớn với 109 tòa nhà chung cư, gần 600 thang máy, trong đó có những chung cư có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Vì thế, cần tiếp tục làm mạnh hơn việc cách ly, sát khuẩn, đo thân nhiệt ở những cơ sở, cuộc họp có nhiều người.

Đối với việc này, ông Nguyễn Đức Chung cho hay khi phát hiện ra trường hợp mắc Covid-19 trong  khách sạn hay các tòa nhà chung cư, tinh thần là phải cách ly cả tòa nhà đó để phòng tránh lây nhiễm.

Ông Chung nhắc lại chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, theo đó nếu cần thiết thì có thể cách ly cả một khu dân phố, một phường, thậm chí một quận để phòng chống dịch.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. - Sputnik Việt Nam
Thế giới khen tinh thần chống dịch Covid-19 như chống giặc của Việt Nam

Về vấn đề khi nào cho học sinh trở lại trường học, ông Nguyễn Đức Chung nhận định, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung thời gian năm học điều chỉnh. Theo khung này, nếu như học sinh cấp 3 (khối THPT) đi học trở lại từ ngày 9. 3 thì sau khi kết thúc năm học vẫn còn 3 tuần trước kỳ thi đại học, hoàn toàn đáp ứng được chương trình đề ra. Thậm chí, trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp thì hạn ngạch của học sinh cấp THPT vẫn có thể nghỉ kịch khung đến hết tuần thứ 3 của tháng 3, mà không ảnh hưởng tới lịch học và lịch thi, trừ trường hợp học sinh đi du học sẽ bị ảnh hưởng. Còn học sinh mẫu giáo, Tiểu học, THCS nếu dịch diễn biến xấu vẫn có thể được nghỉ đến hết tháng ba.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình như hiện nay, cộng thêm yếu tố thời tiết thuận lợi thì hoàn toàn có thể yên tâm cho học sinh cấp 3 (THPT) đi học trở lại từ 9.3, còn các cấp học còn lại thì từ 16.3 đi học trở lại”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, mặc dù thực hiện cách ly tập trung số lượng lớn nhưng các điều kiện ăn, ở đều đang được bảo đảm.

Bên cạnh suất ăn theo quy định là 57.000 đồng/người/ngày, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tăng gia, sản xuất thêm để bổ sung, nâng cao chất lượng bữa ăn cho người dân. Đặc biệt, trong số công dân đến từ Hàn Quốc được đón và cách ly có cả hai trẻ nhỏ hơn 5 tháng tuổi không có mẹ đi cùng, mặc dù thêm nhiệm vụ "làm mẹ", nhưng bộ đội vẫn đảm đương tốt.

Bộ Quốc phòng quán triệt, triển khai nhiệm vụ diễn tập phòng, chống dịch Covid-19

Sáng ngày 2.3, Ban chỉ đạo Diễn tập Covid-19 Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt, triển khai nhiệm vụ diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 tại Sở chỉ huy và các điểm cầu trong toàn quân.

Kĩ thuật viên chuẩn bị chụp X quang cho bệnh nhân tại khu vực cách ly đặc biệt. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam chữa khỏi Covid-19 cho 16 bệnh nhân như thế nào?
Chủ trì hội nghị là đồng chí Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo diễn tập.Cùng tham dự còn có các đồng chí: Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng Ban chỉ đạo diễn tập; các thành viên Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Đề mục của diễn tập được xác định là “Bộ Quốc phòng tổ chức phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)”. Ban chỉ đạo cho biết, cuộc diễn tập lần này là nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp phòng, chống khi có tình huống dịch Covid-19 ở các cấp độ; nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng, chống dịch Covid-19.

Thông qua việc diễn tập, Bộ Quốc phòng đánh giá khả năng các nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình, sẵn sàng đối phó với một số tình huống phi truyền thống xảy ra.

Bộ Quốc phòng cho hay, diễn tập sẽ bao gồm 5 vấn đề huấn luyện, tương đương với 5 cấp độ: “Cấp độ 1 (có trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta), cấp độ 2 (dịch Covid-19 có lây nhiễm thứ phát trong nước), cấp độ 3 (dịch lây lan trên 20 người đến 1.000 người mắc), cấp độ 4 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc), cấp độ 5 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc, lây lan vào một số đơn vị quân đội). Về thực hành, huấn luyện sẽ được triển khai ở 2 cấp, Cấp BQP và cấp các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường.

Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam đã đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu trong công tác diễn tập như: Khả năng dịch Covid-19 có thể lây lan, phát triển và những tình huống, tác động liên quan khác ở trong nước cũng như trên thế giới thời gian tới, những yếu tố có thể lây lan dịch trong các đơn vị, hoạt động của bộ đội và trong cộng đồng; hoàn thiện các quy trình chuyên môn và biện pháp phòng, chống dịch trong quân đội và trong cộng đồng.

Tại bãi tắm biển Hòn Chồng, phần lớn là du khách Nga.  - Sputnik Việt Nam
Bất chấp COVID-19, khách du lịch Nga vẫn tiếp tục tới Việt Nam

Trong tình hình dịch diễn biến còn nhiều phức tạp, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tích cực, khẩn trương chuẩn bị, thực hành diễn tập sát thực tế, phù hợp với điều kiện và tình hình diễn biến của dịch. Trong quá trình diễn tập, các đơn vị vẫn phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch, cũng như đảm bảo sẵn sàng xử trí hiệu quả tình huống dịch ở cấp độ cao hơn. Cần hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia, bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt, không để diễn tập làm ảnh hưởng đến tâm lý của bộ đội và nhân dân.

Nhằm bảo đảm cuộc diễn tập thành công, đồng chí Nguyễn Phương Nam cũng yêu cầu Binh chủng Thông tin Liên lạc chuẩn bị tốt phương tiện, trang bị thông tin phục vụ diễn tập, đảm bảo thông suốt, chất lượng, nhất là trong quá trình truyền hình ảnh thực hành diễn tập. Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội phối hợp với Binh chủng Thông tin Liên lạc tổ chức sản xuất các clip làm tư liệu phục vụ tuyên truyền, rút kinh nghiệm và nghiên cứu sau này.

Theo kế hoạch, từ chiều 2 đến 3 tháng 3, diễn tập vận hành cơ chế sẽ được tổ chức tại các sở chỉ huy. Sáng 4.3, diễn tập thực binh được tổ chức tại một số đơn vị. Chiều 4.3, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến và kết thúc diễn tập.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала