“Chiếc lồng vàng” của công chúa Sophia

Đăng ký
Các đại diện phái đẹp phóng khoáng và tự do của thế kỷ XXI hẳn khó tưởng tượng nổi cuộc sống thật tẻ nhạt và đơn điệu của giới phụ nữ quý tộc Nga thế kỷ XVII.

 Quanh quẩn bận tâm về những công việc gia đình, đến nhà thời làm lễ và cầu nguyện, đọc những tác phẩm văn học tinh thần – và tất cả thế là đủ. Phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới, ý kiến ​​của phái yếu không hề được ai tính đến. Ngay cả các công chúa con vua  cũng phải chịu sự hạn chế nghiêm ngặt: họ hiếm khi được ra khỏi hoàng cung. Các công chúa sống trong cảnh giầu sang, hoàn toàn chẳng có  ý niệm gì về mức giá váy áo hay đồ trang sức lộng lẫy, nhưng cung điện đối với họ chẳng khác gì chiếc “lồng vàng”. Người phụ nữ đầu tiên cố vươn tới tự do là công chúa Sophia.

Năm 1676 Sa hoàng trẻ Fedor lên ngôi trị vì xứ. Vị hoàng đế này nhu nhược và đau ốm, không thể nào theo dõi chặt cả sáu chị em công chúa. Các cô gái vương giả đã lợi dụng điều này và vui chơi thỏa thích: một số mặc những bộ áo quần thời trang châu  u vốn bị cấm đoán, những người khác sa vào chuyện tình ái lăng nhăng. Không lãng phí thời gian cho  những chuyện vặt vãnh như vậy chỉ có nàng công chúa Sophia thông minh và kiên nghị: lần đầu tiên trong lịch sử xứ Nga có người phụ nữ dám thách thức cánh trượng phu trong cuộc tranh đấu giành quyền lực.

Sophia bắt đầu giúp đỡ vị Sa hoàng ốm yếu trong các công việc quốc gia, dần dần tập cho các quần thần xung quanh quen với hiện diện của người phụ nữ này trong việc cai trị đất nước. Nhưng chẳng bao lâu sau Fedor băng hà mà không để lại Thái tử kế vị. Ai sẽ lãnh đạo xứ Nga? Theo luật, hai ứng viên là những em trai của vị vua quá cố — các hoàng tử Ivan và Pyotr.  Nhưng Ivan là người khờ dại thiểu năng trí tuệ còn Pyotr chỉ mới lên 10. Các quý tộc có thế lực quyết định công bố nhân vật lên ngôi Hoàng đế là Pyotr, nhưng Sophia âm thầm nuôi kế hoạch khác. Nàng công chúa mua chuộc những người lính ngự lâm trong đội Cận vệ hoàng gia,. Binh sĩ nổi loạn và tấn công thành Kremlin Matxcơva, trừ diệt những người ủng hộ Pyotr, dọn đường cho công chúa bước lên đỉnh cao quyền lực. Nhưng Sophia cũng tự hiểu rằng cả giới quý tộc lẫn bình dân sẽ không bao giờ thừa nhận tính hợp pháp của một phụ nữ  trên ngai vàng. Do đó nàng công chúa láu cá đã sắp đặt để cả hai hoàng tử Ivan và Pyotr cùng lên ngôi hợp pháp. Hai hoàng tử chỉ cai trị đất nước trên giấy tờ, còn quyền bính thực sự  với đất nước Nga rộng lớn  nằm trong tay Sophia. Trong bảy năm liền, mỗi lời từ miệng người phụ nữ này thốt ra đều là luật pháp đối với xứ Nga.

Năm 1689 Pyotr  tròn 17 tuổi và cứng rắn quyết định tự mình cai quản quốc gia. Sophia lo lắng theo dõi người em trai đang lớn lên của mình: Pyotr ưa  trò chơi chiến tranh, tập hợp đội quân riêng từ số các bạn hữu, dạy cho họ bắn súng và đại bác. Vị Sa hoàng trẻ tuổi đã trở nên nguy hiểm. Sophia quyết định phân xử cậu em trai của mình, phái cung thủ tới ám hại, nhưng các thủ hạ trung thành đã kịp cảnh báo và Ptotr khẩn cấp trốn khỏi Matxcơva.  Dân chúng, quân đội và các quí tộc đứng về phía nhà vua hợp pháp. Ngay sau đó Sa hoàng trở về kinh đô, giam người chị mưu mô vào tu viện, còn những bộ hạ của bà này bị hành hình. Công chúa thất sủng Sophia không thể ra khỏi tu viện, nhưng vẫn được sống theo đẳng cấp hoàng gia với đủ người hầu hạ và bảo vệ an toàn. Thậm chí những món ẩm thực chuyển tới bàn ăn dành cho công chúa cũng là đồ ngự thiện từ cung điện. Tuy nhiên, nàng công chúa khát khao quyền lực vẫn không cam chịu chấp nhận số phận như vậy: một lần nữa Sophia lại thấy mình trong “lồng vàng”  và cố tìm cách thoát ra.

Thời gian trôi qua. Những cải cách của Sa hoàng Pyotr và mong muốn của nhà vua biến đổi nước Nga theo tầm vóc châu  u đã khơi lên sự bất mãn. Càng ngày phe đối lập càng hay nhớ tới Sophia. Công chúa kêu gọi những người ủng hộ nổi dậy chống lại em trai. Năm 1698, trong thời gian chuyến công du nước ngoài của Sa hoàng, đám cung thủ bất tuân lại nổi loạn. Họ tiến về Matxcơva hòng giải thoát Sophia và đưa công chúa lên ngai vàng, nhưng đội quân trung thành với Sa hoàng đã đánh tan lực lượng bạo loạn. Bắt đầu hành hình các cung thủ. Người báo thù Pyotr ra lệnh treo cổ những đối tượng phản loạn ở ngay phía trước cửa sổ tu viện nơi người chị nương náu. 
 
Việc canh giữ công chúa được siết chặt: Sophia bị tước mọi sự ưu đãi, buộc phải xuống tóc làm nữ tu và bị cách ly trong tòa tu viện thâm nghiêm. Nàng công chúa mưu phản đã mòn mỏi trong nhà tu cho đến tận lúc chết. Đó là cái giá mà người phụ nữ khác thường này đã phải trả khi phấn đấu thoát ra khỏi "cái lồng vàng" mong tìm tự do cùng quyền lực vô biên.  Công chúa Sophia  lìa trần năm 1704 khi vừa 47 tuổi.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала