Chỉ những nước có nền kinh tế vững mạnh mới có thể quảng bá văn hóa ra thế giới

© SputnikÔng Igor Britov và chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh
Ông Igor Britov và chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ông Igor Britov, Chủ nhiệm Ban biên tập phát thanh châu Á của đài Sputnik, hãng truyền thông quốc tế Nước Nga ngày nay vừa có chuyến đi Việt Nam tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam. Sau đây là bài viết của ông về chuyến đi thú vị đó:

Chuyến đi Việt Nam hai tuần của tôi đã kết thúc. Những sự kiện xẩy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy có lẽ phải đủ cho cuộc sống Moskva của tôi trong vòng hai tháng, thậm chí có khi còn lâu hơn thế nữa. Trong các sự kiện ấy, điều quan trọng nhất, hữu ích và thú vị nhất đối với tôi là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương và Ngày thơ Việt Nam. Đó là những sự kiện thực sự hoành tráng. Trong cơ sở thành công của các sự kiện văn học to lớn ấy có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Như trong bất kỳ công việc nào cũng vậy, thông thường có rất nhiều điều phụ thuộc vào một con người cụ thể nào đó, có thể dời non bạt núi trên con đường tới mục tiêu định đến. Người ấy phải có cá tính rực rỡ và mạnh mẽ. Đó chính là tính cách của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Rõ ràng là nếu không có vai trò trụ cột của ông thì sẽ không thể tổ chức và tiến hành cuộc hội nghị và lễ hội quy mô như vậy. Ngoài vốn sáng tạo to lớn, người đàn ông này có nguồn năng lượng vô biên, có sức hút tình cảm, uy tín lớn trong xã hội và ảnh hưởng chính trị, bằng chứng là mối quan hệ của ông với Chủ tịch nước.

Diễn đàn quốc tế về văn học ở Hà Nội, với sự tham gia của hơn 150 đại diện đến từ 43 quốc gia, đòi hỏi nguồn chi phí tài chính khá lớn. Tình hình kinh tế thuận lợi hiện nay ở Việt Nam có thể cho phép dành tiền cho những diễn đàn như vậy. Nhờ tốc độ phát triển kinh tế gia tăng, chính phủ Việt Nam ngày càng hỗ trợ các hoạt động trong các lĩnh vực tinh thần, trong đó có văn học. Hiện nay, nhiều quốc gia mạnh mẽ về kinh tế ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan tâm đến văn hóa và xúc tiến quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Mỗi quốc gia trong số họ thực hiện điều đó theo cách riêng của mình, và mỗi quốc gia có những mục tiêu riêng trong lĩnh vực này. Là một nước đang phát triển, song song với sự gia tăng sức mạnh kinh tế, Trung Quốc có xu hướng tăng cường vị thế chính trị và văn hóa của mình trên thế giới. Một loạt Viện Khổng Tử được khai trương trên toàn thế giới, chỉ riêng ở Nga đã có khoảng 20 viện như vậy. Trung Quốc không chỉ mở rộng ảnh hưởng văn hóa của mình, mà còn hướng tới sự tác động văn hóa và tư tưởng trên thế giới. Hàn Quốc quảng bá văn hóa của mình bằng cách nhằm vào giới thanh niên, bởi vì lớp trẻ vốn có phản ứng nhanh nhạy trước tất cả những gì mới mẻ, tiên tiến và hiện đại. Thông qua làn sóng văn hóa, thế hệ trẻ có thể dễ dàng quan tâm đến đất nước một cách toàn diện, quan tâm đến sản phẩm công nghệ và thương hiệu Hàn Quốc, trong tương lai gần điều đó mang lại lợi ích kinh tế cho Seoul. Nhật Bản tăng cường ảnh hưởng vững chắc của mình ở Nga trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, kể cả trong văn học. Một phần không nhỏ, nhờ điều đó mà thái độ của người Nga đối với Nhật Bản tương đối tích cực, bất chấp sự tranh chấp lãnh thổ về quần đảo Kuril. Trong trường hợp này, văn hóa đóng vai trò quan trọng như một yếu tố  chính trị.

Chỉ có các cường quốc kinh tế  mạnh mẽ mới có khả năng quảng bá ảnh hưởng văn hóa của mình tới các nước khác. Việt Nam đang ngày càng tỏ rõ tiềm năng kinh tế của mình, tạo cơ sở để tin rằng việc thúc đẩy văn hóa Việt Nam ra thế giới sẽ được mở rộng. Tiền ngân sách bỏ ra như vậy sẽ thu được kết quả thiết thực. Sự đầu tư tài chính cho chính sách hợp tác văn hoá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam và tạo khí hậu thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sự thành công về kinh tế của đất nước thúc đẩy các hoạt động phát triển văn học, xuất bản sách, kích thích đời sống văn học và mối liên hệ với các nhà văn quốc tế. Nhưng ở Nga nhiều người cho rằng sự giàu có vật chất có hại cho các nghệ sĩ, cuộc sống no đủ khiến cho tài năng mai một. Có vẻ như nhà văn phải đói khổ, phải sống trong thiếu thốn thì ngòi bút của ông ta mới sản sinh ra kiệt tác. Thế kỷ XIX thời hoàng kim của văn học Nga cho thấy những quan sát này là có lý. Nhưng chúng ta hãy hy vọng rằng đây không phải là quy luật phổ quát của văn học, và cách tiếp cận như vậy sẽ không phù hợp cho Việt Nam!

Tôi từng biết rằng ở Việt Nam có rất nhiều nhà thơ, nhưng cả một đất nước làm thơ như vậy thì thậm chí không thể tưởng tượng! Thiên nhiên Việt Nam truyền cảm hứng cho người ta phải làm thơ. Có lẽ bất kỳ người nào đứng trước cảnh quan điểm tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long cũng nổi hứng sáng tạo! Nhưng vẻ đẹp thiên nhiên cũng có ở nhiều quốc gia. Vậy thì bản chất vấn đề là ở chỗ khác? Phải chăng, trong con người Việt Nam có một thứ gen làm thơ nào đó, là đặc thù của người Việt! Thái độ đặc biệt của nhân dân Việt Nam đối với thơ ca được thể hiện ở chỗ trong diễn đàn văn học lần này khách mời quốc tế hầu hết là các nhà thơ, còn số các dịch giả thì ít hơn nhiều. Và, như về sau tôi nhận ra, không phải vì ban tổ chức quên mời, mà bởi số lượng các dịch giả dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng khác trên thế giới là rất ít.

Ở Nga hiện giờ không có dịch giả nào dành tất cả thì giờ của mình để chỉ làm công việc dịch văn học Việt Nam, coi đó là công việc chính yếu và duy nhất trong cuộc sống của mình. Bản thân tôi cũng chỉ có thể dành thời gian cho công việc dịch sách sau khi đã làm xong công việc chính ở đài phát thanh. Rất đáng tiếc là tôi không thể dành thời gian cho công việc dịch sách một cách có hệ thống, theo lịch trình thường xuyên, mà chỉ có thể làm khi có được khoảng thời gian rỗi ngắn ngủi. Trong cuộc chuyện trò thân tình, đề cập đến các nhà văn Việt Nam trẻ tuổi, nhà văn lão thành Đỗ Chu nói với tôi rằng đối với đa số các tác giả trẻ, viết văn chỉ là công việc thứ yếu. Họ viết báo hoặc tham gia công việc khác để nuôi sống bản thân và gia đình. Và tất nhiên, điều này tác động tiêu cực đối với công việc sáng tác của họ. Ở một mức độ nhất định, có thể áp dụng nhận xét này cho những người đang dịch văn học Việt Nam. Ở Nga hiện nay gần như không thể sống nổi nếu chỉ dịch văn học.

Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, một dịch giả cự phách của trường phái dịch thuật Việt Nam cho rằng trong công việc chuyển ngữ tác phẩm văn học có ba vấn đề chính: tìm được dịch giả chuyên nghiệp, lựa chọn tác phẩm có giá trị để dịch và xuất bản quyển sách đó. Theo chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về văn học Nga Phạm Vĩnh Cư, vấn đề thứ ba không phải là vấn đề chính và có thể giải quyết được. Thế nhưng ở Nga vấn đề đó lại không hề dễ dàng. Không phải dịch giả nào cũng có thể đứng ra làm công việc quản lý và đề xuất bản dịch của mình với nhà xuất bản. Vì vậy, cần phải có người hoặc tổ chức nào đó tham gia giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến việc chuyển ngữ và in ấn, phát hành tác phẩm văn học. Hiện nay Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và Việt Nam đang hoạt động, do nhà văn-dịch giả Hoàng Thúy Toàn phụ trách. Quỹ này được thành lập cho các dự án cụ thể. Vậy thì những sáng kiến ​​và kế hoạch khác không nằm trong phạm vi quỹ này thì sao, phải giải quyết như thế nào?

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan quốc tế thơ châu Á Thái Bình Dương tại Hà Nội chắc chắn sẽ thúc đẩy phổ biến văn học Việt Nam ra nước ngoài. Đối với tôi, chuyến đi này có ý nghĩa rất quan trọng. Việc làm quen với các nhà văn Việt Nam, trực tiếp đối thoại với họ sẽ kích thích làm việc nhiều hơn nữa. Giờ đây tôi quan tâm nhiều hơn đến văn học Việt Nam và công việc dịch tác phẩm của các nhà văn Việt Nam để giới thiệu với bạn đọc Nga. Những diễn đàn văn chương và liên hệ với các nhà văn quốc tế là rất cần thiết. Theo hướng Nga-Việt bây giờ, có lẽ chỉ có Thúy Toàn đóng vai trò cầu nối giữa các nhà văn Nga và Việt Nam.Vậy mà trước đây, liên hệ văn học giữa Việt Nam và Liên Xô đã từng rộng lớn nhường nào! Nhiều nhà văn, nhà thơ Liên Xô nổi tiếng đã đến thăm Việt Nam. Thơ Việt Nam từng được những đấng, những bậc trên đỉnh Olympus thơ ca như Konstantin Simonov chuyển ngữ. Hiện giờ, đôi khi công việc đó được đảm nhiệm bởi những người rất xa rời Việt Nam. Trong khi đó, vai trò của dịch giả lại vô cùng quan trọng, vì dịch văn học đồng thời cũng là sứ mệnh văn hóa và giáo dục, là giúp người đọc hiểu được đất nước và yêu mến người dân của đất nước nói tiếng nói cuốn sách được dịch. Đối với bản thân, tôi thực hiện lời khuyên của dịch giả người Nga nổi tiếng Mariana Tkachev là làm nhiều chú giải về đặc tính đời sống, phong tục và văn hóa của người Việt Nam.

Tiền bạc, thời gian, lựa chọn tác phẩm đáng dịch — tất cả những điều này là rất quan trọng trong công việc của người dịch văn học. Nhưng có một thành phần thiết yếu của bất kỳ quá trình sáng tạo nào là nguồn cảm hứng. "Chúng ta được sinh ra cho cảm hứng" – thi hào Nga Alexander Pushkin từng viết như vậy trong "Nhà thơ và đám đông." Những lời này không chỉ dành cho các thi sỹ, mà còn có thể nói về bất kỳ người nào tham gia công việc sáng tạo, kể cả các dịch giả. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Xô đã từng lập ra rất nhiều trại sáng tác tại những nơi đẹp nhất trong nước như Sochi, Picunda, Jurmala… Ở Việt Nam, như tôi đã đề cập, rất nhiều nơi có thể truyền cảm hứng sang tạo như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Sapa…. Khi đến Nha Trang, tôi bất chợt mong muốn rằng: "Giá mà được sống lâu hơn ở đây trong một ngôi nhà nhìn ra biển! Có lẽ ở đây sẽ làm việc rất dễ dàng!" Biết đâu, tôi sẽ có dịp dịch một cuốn sách Việt Nam nào đó trên bờ Biển Đông xinh đẹp…
I.B.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала