Chuyên gia Nga: Obama đang có cơ hội lặp lại “thành công Iran" với Bắc Triều Tiên

© AP Photo / Jon Chol JinCờ Bắc Triều Tiên đang bay trong cuộc tập trận quân sự ở Bắc Triều Tiên
Cờ Bắc Triều Tiên đang bay trong cuộc tập trận quân sự ở Bắc Triều Tiên - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sau những cuộc đàm phán kéo dài, Tehran đồng ý giảm mạnh hoạt động làm giàu uranium, đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Thực tế này đang dấy lên những hy vọng về việc đạt được đột phá tương tự về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Theo ông Alexander Vorontsov, trưởng Ban Hàn Quốc và Mông Cổ của Viện phương Đông, đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên có những điểm tương đồng. Cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên được tiến hành từ năm 2003, nhưng đến năm 2009, Bình Nhưỡng ra khỏi cuộc đàm phán này vì cho rằng từ chỗ sáu thành viên bình đẳng, hoạt động đã biến thành sự kiện gồm năm công tố viên và một bị cáo. Nhưng kể từ đó, nhờ các nỗ lực ngoại giao, chủ yếu là từ phía Nga và Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã thay đổi quan điểm của mình và sẵn sàng quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ không phải là ở chỗ đó. Ông Alexander Vorontsov nói:

"Nếu như trước đây Bắc Triều Tiên phản đối việc nối lại cuộc đàm phán, thì bây giờ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu gắn việc nối lại cuộc đàm phán với một số điều kiện tiên quyết. Họ đòi Bắc Triều Tiên phải thực hiện các bước đơn phương xác nhận mức độ nghiêm túc trong ý định của mình. Một số chuyên gia cho rằng bằng cách như vậy, Washington, Tokyo và Seoul đơn giản là chỉ tạo ra nguyên cớ để không nối lại đàm phán, để tiếp tục chính sách cấm vận và cô lập Bắc Triều Tiên. Họ hy vọng rằng chế độ Bình Nhưỡng sẽ suy yếu và sớm thất bại, và chính sách gây áp lực sẽ thúc đẩy điều đó. Rõ ràng, ở phương Tây đang diễn ra một cuộc đấu tranh giữa những người thực sự ủng hộ trở lại đàm phán, với những người ngoài miệng thì đòi nối lại, nhưng trong thực tế lại không vội vàng để làm như vậy. Có hy vọng rằng sự thành công của đàm phán với Iran sẽ tăng cường vị thế của những người ủng hộ nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên."

Phóng viên đài "Sputnik": Một số chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đi tới thỏa hiệp với Iran để xúi giục nước này quay lưng lại với Nga và lôi kéo về phía mình, và bây giờ Mỹ cũng sẽ cố gắng để làm như vậy với Bình Nhưỡng. Điều đó có thể xảy ra hay không?

Ông Vorontsov: "Trong khuôn khổ cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề Iran, ngoài mục đích chung, tất cả các thành viên, bao gồm cả Mỹ, đều có động cơ riêng của họ. Người Mỹ hy vọng thay đổi đường lối của Iran và thay đổi ban lãnh đạo của nước này. Tại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, một số thành viên cũng theo đuổi những mục tiêu riêng của họ, nhưng không phải lúc nào cũng mang tính xây dựng. Cần lưu ý rằng Nhật Bản đã cố gắng đưa vào cuộc đàm phán hạt nhân một vấn đề rất quan trọng đối với nước này: đó là số phận những công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Người Nhật thậm chí gắn sự thành công trong vấn đề này với các động thái của họ về vấn đề hạt nhân. Theo nhiều chuyên gia, điều đó là một trong những lý do khiến cho cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề CHDCND Triều Tiên bị thất bại. Mặt khác, cũng có những ví dụ về điều ngược lại, khi người Mỹ thay đổi thái độ tiêu cực của họ đối với Bắc Triều Tiên và chuyển sang đàm phán mang tính xây dựng với nước này."

Theo ông Vorontsov, đối với CHDCND Triều Tiên, việc nối lại đối thoại với Washington sẽ là chuyện đáng hoan nghênh. Bình Nhưỡng không bao giờ che giấu thực tế rằng vấn đề ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của họ là bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng trong vấn đề này, trái ngược với tình hình Iran, chính quyền Mỹ ít được tự do hơn. Mỹ phải ngó chừng Tokyo và Seoul —  các đồng minh của Mỹ luôn luôn theo dõi chặt chẽ mối liên hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Hơn nữa, Washington cũng cần phải lưu ý đến tinh thần chống Bắc Triều Tiên mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, có nhiều điều phụ thuộc vào chính quyền tổng thống, ông Vorontsov nói. Tổng thống Clinton bắt đầu từ việc chuẩn bị chiến tranh với Bắc Triều Tiên, nhưng kết thúc bằng đàm phán mang tính xây dựng và gần như sẵn sàng chấp nhận Bắc Triều Tiên về mặt ngoại giao. Tổng thống Bush ban đầu đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách "trục ma quỷ" và cũng không loại trừ lựa chọn quân sự, nhưng sau đó chuyển sang đối thoại. Và bây giờ chúng ta không thể loại trừ rằng vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Barack Obama sẽ muốn lập một thành công mới trong chính sách đối ngoại, ngoài Iran, ông Vorontsov nhận định.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала