Chiếc vali của nhà cách mạng Hồ Chí Minh và tấm hộ chiếu Pháp

© Flickr / jo.sauMột cô gái ở tp. Hồ Chí Minh
Một cô gái ở tp. Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đài "Sputnik" tiếp nối chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua” nói về lịch sử liên hệ và hợp tác Nga-Việt.

Hiện nay, các chuyên viên Nga vẫn chiếm vị trí dẫn đầu thế giới về ngành Việt Nam học. Tiếng Việt được giảng dạy tại các trường đại học Matxcơva, Saint-Peterburg và Vladivostok. Các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và kinh tế Việt Nam được xúc tiến trong các trung tâm khoa học lớn của nước Nga. Tại các thành phố Nga hàng năm đều tổ chức nhiều hội nghị khoa học về chuyên đề Việt Nam, xuất bản hàng chục tập kỷ yếu và chuyên khảo. Còn thời điểm khai sinh chuyên ngành Việt Nam học là hồi giữa những năm 30 của thế kỷ trước. Mời các bạn cùng chúng tôi nhớ lại những nhân vật đã hiện diện ở đầu nguồn của chuyên ngành này. 

Một người trong số đó là Anna Razumova. Năm 1919, khi vừa 20 tuổi, Anna Razumova được phái đến công tác trong Ban thư ký Phương Đông thuộc Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Trong vai trò đại diện của Quốc tế Cộng sản, bà đã bí mật đến nhiều quốc gia. Vào cuối những năm 20 Anna Razumova đã công tác tại Trung Quốc, làm việc trực tiếp với Mao Trạch Đông, lo tổ chức chuyển từ Matxcơva sang Trung Quốc những tài liệu và kinh phí dành cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Nửa đầu những năm 30, Anna Razumova làm việc ở Pháp, giữ  liên hệ mật thiết với các đại diện Việt Nam có mặt tại đó.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev đến Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng Medvedev: chuyến thăm tp. Hồ Chí Minh có giá trị mang tính biểu tượng

Năm 1935, Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản phái Anna Razumova đến Macau, nơi bà tham gia vào khâu chuẩn bị cho Đại hội lần I của đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi kết thúc Đại hội cũng chính bà với vỏ bọc là nữ công dân Pháp đã đảm nhận việc chuyển các văn kiện của Đại hội này về Sài Gòn, rồi từ đó các tài liệu Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương được đưa sang Matxcơva nộp cho Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Như vậy, Anna Razumova là người đầu tiên từ Liên Xô đã đến thăm Việt Nam dù theo con đường không chính thức hợp pháp.

Trở về Matxcơva, Anna Razumova bắt đầu làm việc trong hệ thống đào tạo của Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, tham gia nghiên cứu và giảng dạy về những vấn đề bức thiết của Việt Nam. Nhưng thời kỳ thú vị như vậy chẳng kéo dài. Năm 1939 Anna Razumova là một trong hàng triệu nạn nhân của chính sách thanh trừng đàn áp thời Stalin. Chỉ đến giữa những năm 50, Anna Razumova mới được minh oan. Bà được BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mời sang thăm đất nước, lần này là tuyệt đối chính thức và hợp pháp, thế nhưng tình trạng sức khỏe không cho phép bà thực hiện hành trình xa xôi như vậy. Anna Razumova từ trần trước khi có sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam và thành phố Sài Gòn mà bà từng ghé thăm vào năm 1935.

Chúng ta cũng nhớ lại một nhân vật khác là bà Vera Vasilyeva, cán sự của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, chuyên về Đông Dương. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, bà là Trưởng ban Đông Dương trong Đại học Tổng hợp dành cho vô sản phương Đông ở Matxcơva. Do tính chất công tác, bà thường xuyên tiếp xúc với những người Việt Nam đến Matxcơva hồi đó. Với tất cả những nhà cách mạng phương Đông này,  bà Vera Vasilyeva đã không chỉ có mối quan hệ đồng chí, mà còn duy trì tình bằng hữu thân thiết, — chuyên gia Việt Nam học Matxcơva TS Anatoly Sokolov cho biết.

"Chân thành nhất là quan hệ của bà Vera Vasilyeva với ông Hồ Chí Minh. Nhà cách mạng người Việt Nam thường đến làm khách trong gia đình Vasilyeva, quen thân với chồng và các con của bà. Nhân đây xin  kể thêm, người chồng của bà Vera Vasilyeva đã hy sinh hồi cuối năm 1941, trong thời gian cuộc phản công của Hồng quân chống phát-xít Hitler  ở ngoại ô Matxcơva, cũng là khi có một số chiến sĩ tình nguyện Hồng quân người Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô Nga".

Suốt nhiều năm, trong nhà bà Vera Vasilyeva lưu giữ một chiếc vali da của người bạn Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh xếp vào chiếc vali da những vật dụng thiết yếu của mình phòng khi rời khỏi nước Nga. Thế nhưng, tháng Chín năm 1938, người chiến sĩ cách mạng Việt Nam này đã phải lên đường rất gấp, không kịp rẽ qua lấy vali mang theo.

Khi những người đồng chí gặp lại nhau lần tiếp đó, đã là vào năm 1958, khi ông Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Matxcơva với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, còn bà Vera Vasilyeva là Tiến sĩ Khoa học, tác giả 90 công trình nghiên cứu, trong đó có tập chuyên khảo nhan đề "Đông Dương". Bà chia sẻ với Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự định viết một cuốn sách mới nhân 15 năm nước Việt Nam DCCH tuyên bố độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hoan nghênh kế họach đó của bà Vera Vasilyeva. Vị lãnh đạo Việt Nam cũng đã mời người bạn Nga lâu năm này sang Việt Nam, trực tiếp tìm hiểu những vấn đề của đất nước mà bà đã dành 40 năm của cuộc đời mình để nghiên cứu mà chưa từng có dịp tới thăm bao giờ.

Đáng tiếc là cuốn sách mà TSKH Vera Vasilyeva ấp ủ lên kế hoạch đã không được viết xong. Cả cuộc làm quen gần hơn trực tiếp hơn của bà với đất nước Việt Nam cũng không thành. Bà Vera Vasilyeva lâm bệnh nặng và qua đời vào tháng Năm 1959.

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала