Việt Nam trên đường chế tạo vệ tinh radar

© Sputnik / Sergey Pyatakov / Chuyển đến kho ảnhradar
radar - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam sẽ phóng vệ tinh rađar LOTUSat-1 vào năm 2019. Sau đó, năm 2022 sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-2.

Vừa giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hai vệ tinh là minh chứng rằng Việt Nam đang vững vàng làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.

Giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm

Vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 là hợp phần quan trọng trong dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia. Đây là dự án khoa học và công nghệ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với số tiền đầu tư là 600 triệu USD.

LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có khối lượng 600kg, tuổi thọ hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm. Hai vệ tinh này sử dụng công nghệ rađa, một công nghệ rất tiên tiến hiện nay.

So với công nghệ quang học được sử dụng trong vệ tinh VNRED Sat-1 (được phóng năm 2013, là vệ tinh quan sát Trái đất), công nghệ rađa cho phép chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết.

LOTUSat-1 và LOTUSat-2 còn có khả năng chụp ảnh các vật thể nhỏ. Nếu VNRED Sat-1 có thể phát hiện và chụp ảnh các vật thể có kích thước nhỏ nhất là 2,5m trên Trái đất, thì LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có thể chụp ảnh được các vật thể có kích thước từ 1m trở lên.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia, cho biết ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại từ 1,5 — 2% GDP do thiên tai gây ra; tính theo GDP hiện nay, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 3 tỉ USD vì thiên tai. Việc đưa vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các chuyên gia của JICA Nhật Bản từng đánh giá hai vệ tinh này sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam nhờ giảm thiệt hại do thiên tai.

Cũng theo ông Tuấn, Việt Nam có bước tiến nhanh về ngành công nghệ vũ trụ. Từ năm 2006, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020", Việt Nam đã liên tục đạt được một số thành tựu quan trọng. Chúng ta đã phóng vệ tinh địa tĩnh Vinasat-1 và Vinasat-2. Năm 2013, phóng vệ tinh quan sát Trái đất VNRED Sat-1. Các kỹ sư Việt Nam cũng chế tạo được vệ tinh Pico Dragon "made in Viet Nam".

 

Truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ

Bên cạnh việc từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ, dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia hướng đến truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ bằng dự án Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam và hai đài thiên văn ở Hà Nội, Khánh Hòa.

Dự án Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nằm trong tổ hợp Trung tâm Vệ tinh quốc gia. Dự án đã xây xong, đang trong quá trình thiết kế nội dung cho bảo tàng, dự kiến mở cửa vào giữa năm 2018.

Hai nhà vòm chiếu hình vũ trụ và đài thiên văn cũng đang được xây dựng ở Khánh Hòa, Hà Nội với vốn đầu tư 120 tỉ đồng.

Đài thiên văn ở Hà Nội sẽ được khánh thành cùng với Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam; trong khi đài thiên văn đặt tại Hòn Chồng, Nha Trang, Khánh Hòa sẽ được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 3-2017.

Nguồn: tuoitre.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала