Việt Nam: Tranh cãi lớn quanh việc quét vôi mới Văn Miếu - Quốc Tử Giám

© Flickr / Yuko HondaVăn Miếu
Văn Miếu - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Những ngày gần đây, du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hết sức ngỡ ngàng khi một số hạng mục trong khu di tích này được quét vôi mới. Bên cạnh đó, những hạng mục được quét vôi mới không đồng đều, tạo nên một hình ảnh mất cân đối và hài hoà trong tổng thể di tích.

Mất đi nét cổ kính vốn có?

Nhiều người cho rằng, việc quét vôi mới này đã làm mất đi nét cổ kính vốn có của trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc làm này đã xâm phạm nghiêm trọng đến Di tích quốc gia đặc biệt này.

GS.TSKH Trần Lâm Biền cho rằng: "Bài học về Tháp Rùa Hồ Gươm và Ô Quan Chưởng bị dư luận lên án mạnh mẽ khi tiến hành trùng tu phản khoa học và những người tu bổ hai di tích này đã phải nhận lỗi với nhân dân vẫn còn đó. Tôi cho rằng, những người làm công tác quản lý di sản không thể lười biếng đối với di tích được mà luôn luôn phải quan sát, phải tránh cho việc xuống cấp rồi mới trùng tu. Vì lẽ đó mà việc quét vôi mới ở Văn Miếu — Quốc Tử Giám mới đây đã bị cho là phản cảm.

Vậy tôi đặt ra câu hỏi: "Khi quản lý khu di tích Văn Miếu — Quốc Tử Giám tiến hành tu bổ lại di tích kiểu như thế này đã hỏi ai chưa? Đã hỏi những nhà nghiên cứu thực sự yêu quý di sản văn hóa chưa?. Tôi cho rằng, nhà nghiên cứu "quái" nào cũng được thì không ổn, phải là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về di sản văn hoá".

Chia sẻ về chuyện quét vôi mới ở một số hạng mục của di tích Văn Miếu — Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu — Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu — Quốc Tử Giám cho biết, việc quét vôi mới một số hạng mục là hoạt động nghiệp vụ mang tính định kỳ của đơn vị quản lý di tích. Việc này được tiến hành dựa trên thực tế là có một số hạng mục bị bong tróc, nấm mốc bao phủ… làm cho mỹ quan di tích bị xuống cấp. Ngoài ra, việc bong trong này cũng làm nguy hại và xuống cấp đến lõi tường.

"Chúng tôi đã lắng nghe những phản hồi của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế trong việc vệ sinh các hạng mục. Xuất phát từ thực trạng đó mà chúng tôi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và được sự đồng ý về mặt chủ trương nên mới tiến hành mời Trung tâm Kỹ thuật — Công nghệ của Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ VHTTDL về thực hiện.

Chúng tôi khẳng định, vật liệu mà đơn vị thi công sử dụng là vôi sữa truyền thống và các cụ xưa trùng tu di tích cũng sử dụng vật liệu này. So với những hạng mục cũ thì những hạng mục mới được quét vôi có màu sắc không khác xa là mấy. Trong một thời gian tới, vôi sẽ ngả màu, trở lại đúng như xưa. Như vậy đây là công việc định kỳ thường xuyên, một nghiệp vụ trong bảo tồn di tích chứ không phải bất thường gì cả", ông Kiêu nói.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, trước đó Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu — Quốc Tử Giám cũng đã mời Viện Bảo tồn di tích đến để khảo sát và đánh giá thực trạng di tích từ tháng 4/2016. Trong một quá trình nghiên cứu rất dài, Viện Bảo tồn di tích đã tư vấn cho Trung tâm chỉ nên quét vôi với những hạng mục là những bức tường ngăn và những hàng rào trát hồ. Những hạng mục quan trọng của Văn Miếu như: Cổng chính, Khuê Văn Các, Bái đường, Thái Miếu… do tính chất phức tạp nên cần phải có khảo sát, đánh giá ở những dự án lớn hơn.

Nếu không quét vôi, tường sẽ bị hư hỏng

Ông Trương Minh Tiến — Phó Giám đốc Sở VH — TT Hà Nội chia sẻ, di tích thì cũng phải có tu sửa nhỏ hàng năm và việc quét vôi một số hạng mục ở Văn Miếu — Quốc Tử Giám là nằm trong kế hoạch nghiệp vụ của ban quản lí di tích. Riêng về việc này, Sở VH-TT cũng đã đồng ý về mặt chủ trương và cũng đã báo cáo với UBND TP.Hà Nội. UBND TP. Hà Nội cũng đồng ý về mặt chủ trương và cho phép chi tiền thực hiện.

"Việc quét vôi để bảo vệ tường là việc đương nhiên phải làm vì một số tường gạch đã bị bong tróc, rất phản cảm… Chỗ nào phản cảm, xuống cấp quá… mới làm chứ không chủ trương quét lại tổng thể toàn bộ di tích. Cái này do Viện Bảo tồn di tích tư vấn. Về mặt lâu dài, sau đợt này sẽ có tu bổ, chỗ nào xuống cấp quá sẽ làm báo cáo Bộ, xin phép tu bổ lại", ông Tiến nói.

GS.TS Đặng Văn Bài — Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, chúng ta phải xác định là quét ở đâu. Nếu quét ở những bức tường ngăn, những tường xây gạch, trát truyền thống và quét bằng vôi truyền thống… thì đó là một biện pháp duy tu, bảo dưỡng để làm cho những bức tường trát vữa ấy không bị hư hỏng. Làm như thế là theo đúng nguyên tắc khoa học duy tu, bảo dưỡng di tích định kỳ. Thứ nữa, việc dùng vôi ta là có màu sắc rất phù hợp với tính chất của khu di tích Văn Miếu — Quốc Tử Giám.

"Việc Văn Miếu — Quốc Tử Giám làm vào dịp trước Tết Nguyên Đán tức là tạo một sắc thái mới cho khu di tích trong mùa xuân. Chúng ta phải đặt quan niệm này trong quan niệm của các nhà khoa học. Nếu chúng ta quan niệm đây là hoạt động bảo dưỡng, duy tu thường xuyên thì chúng ta phải khích lệ. Ngoài ra, du khách đến đây có hài lòng không. Tôi tin là hỏi du khách nào cũng sẽ nhận được câu trả lời hài lòng. Và tôi đến đây cũng có chút ngỡ ngàng vì di tích thay đổi theo chiều hướng khoa học nên chúng ta phải khích lệ chứ không nên ngăn cản hoặc phản đối".

Theo GS.TS Đặng Văn Bài, những người làm công tác quản lý Văn Miếu — Quốc Tử Giám cần xây dựng một quy trình để làm thường xuyên thực hiện việc này mà không phải xin ý kiến ai nữa. Đúng kiểu, nhiều năm vôi bị phai mầu thì phải quét lại.

GS Bài cho rằng, nếu nói việc quét vôi lại làm mất đi vẻ cổ kính, xâm hại di tích thì đó là quan niệm sai lầm về mặt khoa học. Vì các nơi quét vôi sau mấy năm sẽ trở lại như cũ. Theo GS Bài, để như thế mới là hủy hoại lớp vữa bên ngoài và không bảo vệ tốt bộ phận cấu thành nên di tích.

 

Nguồn: dantri.com.vn

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала