Vị Đại sứ và màn hỏi đáp gây sốt màn ảnh nhỏ vì “cách hành xử” của khán giả Việt (Video)

© Ảnh : youtube/ screenshotVị Đại sứ và màn hỏi đáp gây sốt màn ảnh nhỏ vì “cách hành xử” của khán giả Việt
Vị Đại sứ và màn hỏi đáp gây sốt màn ảnh nhỏ vì “cách hành xử” của khán giả Việt - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Vị Đại sứ vượt qua 12 câu hỏi của chương trình Ai là triệu phú, trong đó một câu ông nhờ sự trợ giúp từ khán giả, nhưng cách hỗ trợ khiến ông nghĩ "có lẽ mình đang được thử thách vốn tiếng Việt".

Trong chương trình Ai là triệu phú phát sóng tối 31/1 (mùng 4 Tết), Đại sứ Palestine ở Việt Nam Saadi Salama đã có màn thi gây sốt cộng đồng. Với câu hỏi "Bu là gì", ông phân vân giữa 4 đáp án "A: Một loại khóa, B: Mẹ, C: Một điệu hát và D: Một loại gia vị" nên đã dùng quyền trợ giúp hỏi ý kiến khán giả trong trường quay.

Kết quả, khán giả chọn các đáp án với tỷ lệ tương đương nhau khiến vị đại sứ bối rối. Cuối cùng, ông quyết định không nghe theo trợ giúp của số đông mà chọn đáp án B và cũng là lựa chọn đúng. Nghe tiếng vỗ tay của khán giả lúc chọn phương án B, ông cười lớn và nói rằng "Tại sao lại vỗ tay, chứng tỏ tất cả đều biết là mẹ" và "đánh lạc hướng" mình.

Đại sứ Saadi Salama cho rằng đó là câu hỏi vừa khó vừa dễ. Khi nghe đáp án, ông lập tức loại bỏ hai phương án không logic là "Một điệu hát" và "Một loại gia vị", còn lại phân vân giữa "Một loại khóa" và "Mẹ". Saadi đã "cố đi theo cảm giác" và dựa vào những am hiểu lẫn vốn tiếng Việt mà ông biết để tìm ra đáp án. Trong trí nhớ, ông biết mình từng nghe từ này đâu đó trong một chuyến đi về miền quê Việt Nam. Cuối cùng không chắc chắn nên ông nhờ đến trợ giúp của khán giả.

Hơn 40% khán giả chương trình Ai muốn trở thành triệu phú ở Việt Nam không biết Nga nằm ở đâu (Video) - Sputnik Việt Nam
Khán giả chương trình "Ai muốn trở thành triệu phú" ở Việt Nam không biết Nga nằm ở đâu

"Khi thấy khán giả trả lời 4 phương án với tỷ lệ tương đương nhau, tôi đã rất bối rối và nghĩ rằng, có lẽ họ muốn thử thách tôi xem vốn tiếng Việt và sự am hiểu về văn hóa, con người Việt Nam đến đâu", vị đại sứ cười lớn và nói, cuối cùng ông quyết định đi theo cảm giác của bản thân và chọn B là đáp án cuối cùng.

Dù không nhận được trợ giúp hiệu quả, đại sứ Palestine vẫn vui vẻ vì màn hỏi đáp đã gây sốt từ màn ảnh nhỏ, đem lại niềm vui cho nhiều khán giả và người tham dự ngày đầu năm.

Ông nghĩ, phần lớn khán giả biết nhưng có thể một số người không biết vì từ "bu" ít dùng trong cuộc sống hàng ngày. Ông đã tìm hiểu và biết một số vùng ở miền Bắc dùng từ này để chỉ mẹ, đi với "bu" là "thầy" để chỉ người bố. Hoặc cùng nói về người mẹ nhưng miền Bắc hay gọi mẹ, miền Trung gọi mạ và miền Nam lại dùng má. Người miền Bắc gọi cốc, miền Nam lại gọi là cái ly. Thậm chí khi đến thăm Tiền Giang, ông đã thấy người dân viết chữ "nhất" thành chữ "nhứt", thay "a" bằng "ư".

"Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ cực kỳ phức tạp", nhà ngoại giao chia sẻ.

Đại sứ Saadi Salama kể, khi nhận được lời mời tham dự Ai là triệu phú ngày đầu năm mới, ông đã rất dè dặt. Bởi trên cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, việc tham gia chương trình có thể để lại ấn tượng khác nhau, tốt hoặc không tốt. Cuối cùng, ông quyết định tham dự bởi hai lý do, trước là truyền bá cho hình ảnh đất nước, con người Palestine. Sau là để bạn bè Việt Nam thấy rằng "đất nước các bạn là nơi thu hút sự quan tâm của nhiều người nước ngoài, xuất phát từ lịch sử xa xưa và vị thế ngày nay".

"Tôi cũng muốn cho nhiều người Việt Nam biết có một người nước ngoài nhưng am hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử đất nước các bạn. Điều đó chứng minh Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong tâm hồn và suy nghĩ của nhiều người nước ngoài, trong đó có tôi", ông nói.

Trước khi dự cuộc chơi, ông không chuẩn bị gì bởi biết chương trình có phổ kiến thức rộng với các câu hỏi khó lường. Nhờ vốn hiểu biết dày, dùng hết cả ba sự trợ giúp, cuối cùng Đại sứ Palestine dừng cuộc chơi ở câu hỏi số 13 với phần thưởng 40 triệu.

Ông tự nhận là người có duyên với đất nước hình chữ S khi nhiều năm học tập, sinh sống, làm việc rồi làm con rể Việt Nam. Sự chú ý về Việt Nam đã bắt đầu từ khi Saadi còn là cậu bé 12 tuổi. Năm 1980, chàng thanh niên Palestine lần đầu đặt chân đến Việt Nam du học, trở thành sinh viên Đại học tổng hợp Hà Nội.

Rời Việt Nam và nhận công tác ở các nước khác sau 4 năm học ở Hà Nội, Saadi Salama lần thứ hai quay lại đất nước ông yêu mến năm 1989 và làm Phó đại sứ cho đến năm 1992. Sau khi làm nhiệm vụ ngoại giao tại một số quốc gia châu Á và châu Phi, năm 2009, ông một lần nữa trở về Việt Nam trên cương vị Đại sứ và công tác cho đến ngày nay.

"Tôi đã gắn bó với Việt Nam 37 năm. Những kiến thức nền và hiểu biết của tôi chủ yếu được hình thành ở đây. Tình yêu và sự am hiểu ấy có lẽ ngang với sự hiểu biết về đất nước, con người Palestine", Đại sứ Saadi Salama nói.

 

Nguồn: Vnexpress

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала