Máy bay Mỹ-Trung Quốc chạm trán trên biển: Chỉ mới bắt đầu?

Đăng ký
Với những căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, việc máy bay 2 quốc gia này chạm trán trên biển Đông dường như chỉ mới bắt đầu.

Ông Robert Shuford, Người phát ngôn Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ngày 10/2 cho biết, một chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc và máy bay tuần tra P-3C của Hải quân Mỹ đã có cuộc chạm trán "không an toàn" tại không phận gần bãi cạn Scarborough trên biển Đông trong hôm 8/2.

Theo ông Shuford, vụ va chạm xảy ra trên không phận quốc tế. Vào thời điểm trên chiếc máy bay của Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra như thường lệ và hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong thông báo phát đi, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao và quân sự phù hợp.

Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cũng lên tiếng xác nhận cuộc chạm trán trên. Theo ông Davis, 2 máy bay bay cách nhau khoảng 300 mét ở gần khu vực bãi cạn Scarborough.

"Về cơ bản máy bay của Trung Quốc đã tạt qua mũi máy bay Mỹ khiến nó phải lập tức đổi hướng", ông Davis nhấn mạnh.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng cho biết, chưa thấy chứng cứ nào cho thấy cuộc chạm trán giữa máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc và máy bay tuần tra P-3C của Hải quân Mỹ là sự cố tình.

"Đúng là chúng tôi có những bất đồng với Trung Quốc về quá trình quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng các tương tác giữa tàu và máy bay phần lớn vẫn chuyên nghiệp và an toàn. Đây dường như chỉ là một việc hy hữu", ông Davis chia sẻ.

Một vị quan chức giấu tên đã tiết lộ với hãng tin Reuters, những vụ việc như vậy giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc hiếm khi xảy ra. Đặc biệt trong năm 2016, chỉ ghi nhận 2 trường hợp như vậy.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. Tuy nhiên trang web của tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ này nói rằng phi công Trung Quốc đã phản ứng "một cách hợp pháp và chuyên nghiệp".

Chỉ mới bắt đầu?

Cuộc chạm trán giữa máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc và máy bay tuần tra P-3C của Hải quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang tiếp tục gia tăng xung quanh việc Bắc Kinh xây dựng các công trình trái phép tại Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng, những cuộc chạm trán như trên sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu kịch liệt với nhau trong vấn đề biển Đông. Đặc biệt, quan điểm của chính quyền tổng thống Donald Trump đối với chính quyền Bắc Kinh những ngày qua cũng hết sức rõ ràng.

Còn nhớ hôm 23/1, Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn đến cùng mưu đồ chiếm đóng phi pháp các đảo và bãi đá ở biển Đông của Trung Quốc.

"Mỹ muốn đảm bảo rằng, chúng tôi có thể bảo vệ được lợi ích của mình tại đây", ông Spicer nhấn mạnh.

Trước đó, ông Rex Tillerson, người được ông Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng Mỹ trong phiên điều trần ngày 11/1 cũng khẳng định, Trung Quốc không được phép tiếp cận với các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở biển Đông.

"Trên thực tế, các bãi đá đó nằm trong khu vực hải phận quốc tế chứ không phải là "tài sản" của Trung Quốc. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ bảo vệ được khu vực hải phận quốc tế khỏi bị một quốc gia chiếm đóng", ông Tillerson nói.

Đồng thời ông Tillerson nhấn mạnh, Washington sẽ gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng, đầu tiên, họ cần dừng ngay việc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo và thứ hai, họ không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo đó.

 

Theo: baodatviet.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала