Smartphone made in Việt Nam: Người ở đỉnh cao, kẻ về vực sâu

© Ảnh : Duy Tín/ZingBphone 2017
Bphone 2017 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đã qua rồi cái thời dùng niềm tự hào dân tộc để bán sản phẩm, nhưng điện thoại thương hiệu Việt vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhiều ồn ào hơn những đối thủ ngoại.

Bphone 2017 chụp ảnh đẹp hơn iPhone 7 Plus - Sputnik Việt Nam
Điện thoại made in Vietnam chụp ảnh đẹp hơn iPhone 7 Plus?
Kết thúc sự kiện ra mắt Bphone 2017, người ta không còn thấy nhiều ảnh chế những phát ngôn gây sốc của CEO Nguyễn Tử Quảng như năm 2015. "Nhất thế giới", "thật không thể tin nổi" được thay bằng "chất".  Cách tiếp cận phân khúc dưới 10 triệu cho thấy hình ảnh một Bkav tự lượng sức mình hơn, hạn chế trở thành con mồi của báo chí, bớt "gạch đá" từ dư luận.

Đường chạy ồn ào, nhiều gạch đá 

Ít tháng trước, tại một sự kiện khiêm tốn ở TP.HCM, ông Ngô Nguyên Kha, CEO của Mobiistar, mang đôi giày Biti's và khoe nó trên sân khấu để chứng minh mình là người ủng hộ hàng Việt. "Nếu có một thương hiệu điện thoại Việt khác cùng cạnh tranh với Mobiistar, thì đó là điều đáng mừng", ông Kha nói với báo chí khi đề cập đến cảnh "cô đơn" của công ty này trên thương trường toàn các đối thủ ngoại.

"Giống như một người đang đi trên con đường vắng ban đêm, nếu có ai đi cùng thì vui, đỡ sợ", ông Kha ví von. Đúng như mong đợi của ông Kha, Bphone đã trở lại. Nhưng liệu hai tên tuổi này có đi chung đường để "đỡ sợ" hay không?

© Ảnh : Hoàng Hà/ZingKhông ồn ào bằng sự kiện 2015, Bkav vẫn nhận nhiều khen chê với Bphone 2017.
Không ồn ào bằng sự kiện 2015, Bkav vẫn nhận nhiều khen chê với Bphone 2017. - Sputnik Việt Nam
Không ồn ào bằng sự kiện 2015, Bkav vẫn nhận nhiều khen chê với Bphone 2017.

Nếu ví cuộc chiến di động ở Việt Nam như đường chạy marathon, thì Mobiistar đang là vận động viên bền bỉ nhất, xuất phát từ 2009 đến nay, nhận vô số khen chê nhưng vẫn cần mẫn… chạy tiếp. Bphone của Bkav xuất phát sau nhưng bị trễ mất 2 vòng sân, cõng trên lưng đống "gạch đá" và tiếng la ó xen lẫn cổ vũ của người xem.

Trong khi đó, những tên tuổi khác đã rời khỏi đường pitch vì không chịu nổi nhiệt. Q-Mobile (sau này là Q) đã im hơi lặng tiếng từ 2016. HKPhone ngừng kinh doanh và chuyển sang đầu tư vào chuỗi dịch vụ làm tóc. Đâu đó từ hàng ghế khán giả, thương hiệu Asanzo chuẩn bị xỏ giày đòi nhập cuộc chơi. 

Không dám 'nổ' nếu sản phẩm chưa đủ tốt

Trả lời Zing về việc vì sao vẫn chọn cách làm truyền thông ít ồn ào, ông Ngô Nguyên Kha cho rằng có lý do để Mobiistar chưa làm rầm rộ. Người từng làm cho Sony Ericsson, đứng sau các chiến dịch thành công như "Nữ hoàng nhạc số", "Quý tộc nhạc số"… cho rằng để làm truyền thông "ồn ào" cho một sản phẩm bom tấn dễ hơn làm cho một sản phẩm vừa tầm.

"Walkman là một tài sản khủng của Sony. Điện thoại Walkman (đời đầu là W800) là tinh tuý của Walkman cộng với điện thoại Ericsson. Khủng cộng khủng mà truyền thông không bùng nổ là một cái tội chứ chả chơi. Việc của mình lúc đó đơn giản lắm: vét hết tiền, kiếm mấy ông chuyên gia quảng cáo truyền thông ngồi chém cùng để ra một concept đủ tốt, kiếm celeb đủ tốt và có câu chuyện phù hợp với concept là Hồ Ngọc Hà. Và cứ thế mà diễn", ông Kha kể lại. 

Nhưng, làm cho Ericsson khác với làm cho Mobiistar. "Trong tay mình không có tài sản thương hiệu như Walkman, và sản phẩm của mình cũng không đạt được tầm của Walkman hay điện thoại Walkman. Tất cả những gì mình có được là khao khát muốn phục vụ cho những người dùng của mình với những hiểu biết về mong muốn của họ, ví dụ là một chiếc camera phone hay selfie phone thật đỉnh. Nếu 'bùng nổ' cho một sản phẩm chỉ chạm nhẹ vào những mong muốn và nhu cầu cháy bỏng của người dùng, cũng là một cái tội chứ chả chơi", ông Kha nói. 

"Quay trở lại chuyện điện thoại, ông Kha đang ngày càng làm tốt hơn việc truyền thông về sản phẩm, giả dụ 'điện thoại selfie dưới 4 triệu đồng' tất nhiên là Mobiistar rồi, nhưng tôi lại thấy ông Kha rất ẹ trong khâu làm truyền thông thương hiệu, để đến nỗi giờ này người ta vẫn nghĩ Mobiistar là đồ Tàu dán mác Việt Nam", Cường Nghiêm — phóng viên công nghệ của tờ Forbes Việt Nam viết trên Facebook. 

"Trong khi chính xác ông Kha sở hữu thiết kế sản phẩm, làm chủ công nghệ máy ảnh, và vẫn đang miệt mài nâng cấp trải nghiệm người dùng hàng ngày (UX — User Experience), tức là những phần tạo ra giá trị và hàm lượng chất xám cao nhất của sản phẩm thì ông chả chịu làm truyền thông về việc đó, để đến nỗi mỗi lần họp báo, ông Kha nói về nỗi thống khổ này mùi mẫn đến độ, lần nào tôi cũng phát khóc nấc lên", ông Nghiêm hài hước thêm. 

Đỉnh cao, vực sâu: Ở đâu mới quan trọng?

Xét về tính giải trí và khả năng tạo nhiệt truyền thông, Bkav hơn hẳn Mobiistar. Đối nghịch với vẻ khiêm nhường của CEO Ngô Nguyên Kha là hình ảnh ông Nguyễn Tử Quảng. Từng cú "chém tay" khi trả lời phỏng vấn, hay mỗi lời nói gây sốc của ông Quảng đều trở thành đối tượng cho báo chí, cho ảnh chế và video mix nhạc lan truyền trên mạng xã hội.

Ở thái cực còn lại, Mobiistar chẳng mấy tiếng tăm trên truyền thông, nhưng là thương hiệu Việt sống sót đến giờ phút này. Có một slogan từng của HTC, là "Quietly Brilliant" (toả sáng thầm lặng), và nó có vẻ hợp với hình ảnh của Mobiistar lúc này: truyền thông một cách khiêm tốn, đẩy mạnh kênh bán hàng và hỗ trợ người dùng, vẫn có doanh số nằm trong bảng xếp hạng của GfK tại Việt Nam. Thậm chí, có lúc Mobiistar nhỉnh hơn Apple nếu chỉ tính hàng bán ra ở các kênh chính thức.

"Ở khía cạnh kinh doanh, Bkav có thể phải thèm khát cái đỉnh mà Mobiistar đang đứng. Đỉnh này chưa cao bằng Samsung hay Oppo, nhưng vẫn hơn nhiều tên tuổi 'ngoại' khác như HTC, Sony, Lenovo, Xiaomi… Được truyền thông quan tâm là tốt nhưng kết quả bán hàng vẫn là thứ quyết định sự thành bại của một thương hiệu", đại diện một nhà bán lẻ ở TP.HCM nhận định.

Nguồn: Zing

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала