Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hôm qua là anh hùng nhưng biết đâu hôm nay là tội phạm”

© AFP 2023 / Pool/ Minh HoangTổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn trả lời những câu hỏi lớn nhất đối với tình hình đất nước.

Thời gian thấm thoắt trôi, nhưng những điều mà Tổng Bí Thư Việt Nam chia sẻ trước nhân dân về những trăn trở tìm giải đáp cho những câu hỏi lớn của đất nước thì vẫn còn nguyên giá trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH trúng cử tại đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ khoảng một năm trước đây. Tại cuộc gặp gỡ này, cử tri nêu nhiều vấn đề nóng như tham nhũng, bổ nhiệm người nhà, ô nhiễm môi trường do Formosa…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Trịnh Thăng Mạnh cử tri phường Quảng An hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, chống lợi ích nhóm với tinh thần không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vào thời điểm đó cử tri Mạnh đã nêu nhiều vấn đề đang gây xôn xao dư luận, bức xúc trong nhân dân như vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

"Chỉ cần dẫn ra vài trường hợp điển hình để thấy rất nhiều lỗ hổng trong công tác cán bộ. Cần mổ xẻ, làm rõ để quy trách nhiệm, ai đứng trong nhóm lợi ích trên. Cử tri rất hoan nghênh Tổng Bí thư yêu cầu hàng loạt các cơ quan vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm, trong đó nhấn mạnh việc không chịu bất kỳ sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Chúng tôi mong muốn Tổng Bí thư tiếp tục chỉ đạo, xử lý nghiêm minh", ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cũng nêu vấn đề về nạn tham nhũng. Theo ông, cứ chặn vụ này thì xảy ra vụ khác, có hiện tượng kéo bè kéo cánh, bảo vệ che chắn cho nhau. Có tình trạng tham nhũng tập thể, bên trong và bên ngoài cùng tham gia. Hơn nữa, những vụ tham nhũng lớn thường là người có quyền chức, có hiểu biết pháp luật nên khôn ngoan và rất cao tay, khi cơ quan chức năng sờ đến thì hợp lý hóa, tẩu tán tài sản.

Nguyễn Xuân Phúc - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam nói về cán bộ tham nhũng và lợi ích nhóm
Ông Mạnh lưu ý cũng không thể bỏ qua tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt vì tham nhũng loại này khuynh đảo, có sức tàn phá và làm xói mòn lòng dân một cách ghê gớm.

 "Cuộc chiến này còn cam go, nhưng phải tuyên chiến với tham nhũng. Làm sao thu hồi được tài sản tham nhũng và vạch mặt những người này", ông Mạnh nói.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nêu vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung do Formosa xả thải đồng thời phải xử lý trách nhiệm của những người đã về hưu, chứ không phải về rồi là "hạ cánh an toàn".

"Xử lý nghiêm minh những cán bộ về hưu nếu có vấn đề, không phải về một cách an toàn được. Nếu về rồi mà việc làm ảnh hưởng đến toàn dân thì phải xử lý", cử tri Phan Quốc Tuấn (Yên Phụ) cho biết.

Trả lời một số vấn đề bức xúc của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, một số vấn đề nổi cộm lên cần phải quan tâm, giám sát như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề tổ chức bộ máy đang còn cồng kềnh quá…

"Rất nhiều các vấn đề cần phải kiểm tra, giám sát. Không thể buông được. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Luật ra rồi mà không giám sát thì coi như vô nghĩa. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều", Tổng Bí thư nói.

Liên quan đến công tác cán bộ, Tổng Bí thư cho rằng, còn nhiều điểm yếu.

"Cái này nhiều lần chúng ta đã nói là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, then chốt của mọi then chốt nhưng mà cũng là khâu rất khó. Còn tình trạng bổ nhiệm người chưa đúng tiêu chuẩn, chưa đúng nguyên tắc. Cứ bảo là đúng quy trình nhưng có bảo đảm đủ tiêu chuẩn không? Có thực tài, thực đức, thực tâm không? Hay là vì quen thân, vì chạy chọt, vì quan hệ lợi ích. Rồi người nhà, đi sân sau, lợi ích nhóm. Đó là một khâu chúng ta phải tích cực và quyết liệt, khi phát hiện ra sẽ xử lý nghiêm", Tổng Bí thư nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa. - Sputnik Việt Nam
Ý kiến từ Việt Nam: Cần đưa những người “chống lưng” cho Trịnh Xuân Thanh ra ánh sáng
Trao đổi về hai trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không đủ tư cách ĐBQH, Tổng Bí thư cho rằng, việc QH chỉ chấp nhận 494 đại biểu, không chấp nhận 2 người thì đó cũng là thể hiện của sự nghiêm minh. 

"Trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh thì có bài báo của báo Thanh niên, chúng tôi chỉ đạo làm rõ. Phát hiện ra thì thôi chức Phó Chủ tịch tỉnh, rồi thôi ĐBQH. Bây giờ đang giao Ủy ban kiểm tra T.Ư tiếp tục kiểm tra, vừa rồi chỉ là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tiếp tục kiểm tra thi hành kỷ luật, mức gì nữa thì còn làm tiếp nhiều việc lắm chứ không phải chỉ dừng ở đây", Tổng Bí thư chia sẻ.  

Về trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Tổng Bí thư cho rằng, trước đây thì rất tốt khi bà Hường 2 khóa là ĐB HĐND thành phố, 2 khóa là ĐBQH.

"Vừa rồi, bà Hường cũng đã trúng ĐBQH, nhưng trong quá trình xem xét mới phát hiện ra sai phạm. Sát nút mới phát hiện ra nhưng kiên quyết, dù thời gian rất gấp cũng phải xem xét. Có thể hôm qua là anh hùng nhưng biết đâu hôm nay là tội phạm. Thái độ của chúng ta là xử lý nghiêm nếu có vi phạm", Tổng Bí thư nói.

Về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, Tổng Bí thư cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện kiên quyết hơn nữa Nghị quyết T.Ư 4.

"Chúng ta sẽ kiên quyết hơn nữa và đang làm quyết liệt. Vừa rồi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng thì sắp tới tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm luật pháp. Luật pháp là phải răn đe. Nếu có vi phạm kiên quyết xử lý. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng không thể không làm. Dư luận bức xúc lắm, nguy cơ mất chế độ, mất Đảng chứ không phải chuyện đùa", Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, Hội nghị T.Ư 4 sắp tới dự kiến họp vào tháng 10 sẽ bàn tiếp ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4.

"Nhiều bác nói đánh giá rất cao Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Đảng nhưng nhiều việc chưa làm được, chưa làm hết. Sắp tới phải tiếp tục làm, đồng thời phải cả bộ máy vào cuộc. Sau ĐH Đảng toàn quốc cho đến bây giờ, đã xử lý một loạt các vụ án lớn như Dương Chí Dũng, Bầu Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo, hiện đang xử Phạm Công Danh. Phạm Công Danh thì đi kèm khoảng 40 — 50 đồng phạm. Mới xử sơ thẩm giai đoạn 1 hôm 19/7. Vừa rồi đã chỉ đạo tiếp tục cho thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua AVG. Dư luận cũng quan tâm lắm. Nói để thấy rằng, từ sau ĐH đến giờ, chuyển biến đáng chú ý là cả bộ máy, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc. Trước đây cứ nói là Tổng Bí thư kiên quyết chống tham nhũng, bây giờ phải là cả hệ thống, cả bộ máy, tập thể, toàn dân. Vừa rồi công khai trên báo chí có tác dụng răn đe rất tốt. Đây là mặt trận nóng bỏng, còn gian nan, phải rất kiên trì, kiên quyết chứ không thời gian sau, giải quyết được cái này đẻ ra cái khác", Tổng Bí thư nói.

Nguồn: Tiền Phong

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала