Số phận kỳ lạ của chiếc “Ấn truyền ngôi”- Bảo vật Quốc gia Việt Nam

© Ảnh : Trịnh SinhẤn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chiếc ấn vàng theo chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn khắp nơi cùng trời, cuối đất, nhiều phen mất ấn, rồi lại tìm được. “Ấn truyền ngôi” của nhà Nguyễn mới đây được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Dòng tộc Nguyễn Phước kiên quyết giữ lại ngôi mộ và yêu cầu công ty Chuỗi Giá Trị xây dựng lại ngôi mộ tại vị trí cũ. - Sputnik Việt Nam
Dòng tộc ở Huế chính thức kiện đơn vị san phẳng mộ vợ Vua Tự Đức
Chiếc ấn vàng được đúc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 ở đời vua Lê Dụ Tông, tức năm 1709. Núm ấn có tượng một con sư tử hí cầu. Sư tử được tả thực, mũi tròn, miệng rộng, mắt nổi, toàn thân trang trí bằng hoa văn mây lửa, chân trái được đặt trên một quả cầu tròn. Ấn có hình vuông. Mỗi cạnh có kích thước 10,84cm; chiều dày 1,1cm; chiều cao 6,3cm.

Đặc biệt, ở lưng ấn được khắc hai dòng chữ Hán "Kế bát thập kim, lục hốt tứ lạng, tứ tiền, tam phân" (Vàng tám tuổi, nặng tám thoi, bốn lạng, bốn tiền, ba phân) và "Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo" (Đúc vào ngày mùng 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5). Cạnh sau của ấn còn khắc dòng chữ "Lại Bộ Đổng tri Qua Tuệ Thư giám tạo" (Viên quan Đổng tri của Bộ Lại là Qua Tuệ Thư giám sát việc đúc ấn). Mặt ấn được đúc nổi 9 chữ triện "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo" (Ấn của chúa Nguyễn nước Đại Việt cai trị vĩnh viễn ở nơi này).

Chiếc ấn vàng này không chỉ đẹp bởi sắc vàng lóng lánh, tượng hình sư tử sinh động, mà còn giúp chúng ta giải mã được nhiều vấn đề của lịch sử. Ấn là biểu tượng của quyền lực. Phần lớn ấn nhà Nguyễn có tượng rồng, nhưng tại sao chiếc ấn này lại hình sư tử? Vì trong giai đoạn này, nhà Nguyễn mới chỉ dám xưng chúa, để đối sánh với chúa Trịnh ở đàng ngoài. Khi đó, nước Đại Việt ở vào giai đoạn đặc biệt: Trên danh nghĩa vua Lê cầm quyền, nhưng thực chất người điều hành đất nước lại là chúa Trịnh, một thể chế mà các nhà lịch sử gọi là "lưỡng đầu chế". Trong triều có Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng bị chúa Trịnh o ép, có nguy cơ mất mạng, lại được Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên nên vào Nam lập nghiệp "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Nhờ thế mà Nguyễn Hoàng đã trở thành vị chúa đầu của nhà Nguyễn và được gọi là chúa Tiên.

© Ảnh : Trịnh SinhẤn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. - Sputnik Việt Nam
Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Lịch sử có lắm "khúc quanh". Nhờ có một câu khuyên lánh nạn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà lịch sử mới có dòng chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Nếu không Nam tiến qua Đèo Ngang buổi ấy, chắc gì lịch sử đã được viết ra như ngày nay chúng ta đã biết.

Khởi đầu đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, trên sông Ái Tử (Quảng Trị), các dòng chúa đã có công đầu khai khẩn mảnh đất phương Nam, nhưng thực lực còn chưa mạnh, nên vẫn phải đóng vai là… chúa, chứ chưa dám xưng vương. Đất nước vẫn trên danh nghĩa là dưới sự cai quản của nhà Lê. Vì thế mà trên ấn chỉ dám khắc danh xưng là Nguyễn chúa, người được triều đình Đại Việt giao cho trấn trị một phương trong "Đại Việt Quốc". Ấn được đúc cũng chỉ dám lấy biểu tượng sư tử, mà không thể dùng biểu tượng rồng vốn dành cho vua.

Các chúa Nguyễn hợp "phong thủy" với đất mới, nên phát triển cơ đồ, mở rộng chính sách ngoại thương với nước ngoài, nhờ thế mà kinh tế và lãnh thổ phát triển. Chính đô thị cổ Hội An, di sản thế giới hôm nay đã ra đời trong dịp này.

Chiếc ấn quý được sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chép rất tường tận về hoàn cảnh ra đời:

"Mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm quốc bảo. Đến khi Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần) vào Nam, cũng đem ấn ấy đi theo. Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế băng thì để lại cho Thế tổ Cao Hoàng đế (tức Hoàng đế Gia Long). Bấy giờ binh lửa hơn 20 năm, ấn ấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần". Ví dụ, khi Gia Long lận đận ra đảo Phú Quốc, điều khiển Ngô Công Quý mang ấn theo sau bị lạc.

Về sau, Công Quý cũng từ Long Hồ đem ấn về hiến. Khi Gia Long chạy về Ba Lai, người mang ấn này lội qua sông, ấn rơi xuống nước, rồi người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò lấy được. Gia Long phiêu bạt sang Xiêm, cũng sai cận thần vượt biển lên bờ giấu ấn vào nơi cẩn mật, khi thấy yên ổn mới sai người về nước lấy ấn.

Lúc lên ngôi Hoàng đế, Gia Long từng dụ Hoàng Thái tử, tức Thánh tổ Nhân Hoàng đế (Minh Mạng) rằng:

"Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ"

Bia mộ được tìm thấy - Sputnik Việt Nam
Đã tìm thấy mộ của bà Cửu giai Tài nhân họ Lê
Chính vì chiếc ấn quý gắn liền với việc "truyền quốc" của nhà Nguyễn, nên khi vừa lên ngôi, Hoàng đế Minh Mạng mới "tự tay phong kín cất đi. Đến năm Đinh Dậu thứ 18 ngày 22 tháng chạp lại mở xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức muôn đời".

Cũng cần nói thêm về việc chiếc ấn quý này được vị chúa Nguyễn thứ 6 là Nguyễn Phúc Chu sai đúc. Ông là một vị "Quốc chúa" giỏi cầm quyền, toàn tài văn võ, đưa vùng đất phương Nam thịnh vượng. Ông còn có chính sách cầu hiền tài, dựng nhiều chùa chiền (chính ông cho đúc chuông chùa Thiên Mụ nổi tiếng). Có lẽ, chính vì vậy, ông còn được gọi là "Minh Vương".

© Ảnh : Trịnh SinhMặt ấn được khắc 9 chữ triện “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”.
Mặt ấn được khắc 9 chữ triện “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”. - Sputnik Việt Nam
Mặt ấn được khắc 9 chữ triện “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”.

Nguyễn Phúc Chu còn là vị chúa mở mang bờ cõi. Thư tịch còn chép lại: Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu (1697) gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây. Đặt phủ Gia Định. Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa). Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương.

Các nhà sử học đã đánh giá cao công lao của ông khi khai phá vùng đất Sài Gòn — Hòn ngọc Viễn Đông sau đó vài trăm năm. Ông chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra các xã mới và khai khẩn ruộng đất. Ông cũng là người đầu tiên sớm có chính sách với những lưu dân Trung Quốc sang ta. Cho họ ở đất Trấn Biên (Biên Hòa) thì lập làm xã Thanh Hà, những người ở đất Phan Trấn (Gia Định) thì lập làm xã Minh Hương. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta. Bấy giờ lại có người khách Quảng Đông tên là Mạc Cửu, trong khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh bên Tàu, bỏ sang ta buôn bán, lấy tiền chiêu mộ những lưu dân lập ra 7 xã, gọi là Hà Tiên. Năm 1708, Mạc Cửu xin thuộc về chúa Nguyễn, được Nguyễn Phúc Chu phong cho làm chức Tổng binh, giữ đất Hà Tiên.

Một điểm còn ít người biết, đó là lý do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc ấn vàng này. Đó chính là lòng tự tôn và sự khẳng định nhà Nguyễn ở đất phương Nam. Trước Nguyễn Phúc Chu có 5 đời chúa Nguyễn vẫn chỉ dùng chiếc ấn "Tổng trấn tướng quân" để đóng lên văn bản. Ấn này do vua Lê ban. Đến đời ông, tự đúc ấn để khẳng định không còn ở vị trí tướng quân nữa, mà đã là Nguyễn chúa rồi. Sau ông còn 4 đời chúa Nguyễn và 13 đời vua Nguyễn, với gần 400 năm nhà Nguyễn (kể cả đời các chúa), chiếc ấn vàng đã đi xuyên suốt hầu hết thời gian này như một báu vật truyền ngôi.

Báu vật này càng vô giá khi được Nhà nước ta công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22-12-2016.

PGS.TS Trịnh Sinh

Nguồn: Báo Biên Phòng

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала