OceanBank đào “mỏ tiền” PVN như thế nào?

© REUTERS / KhamNgân hàng OceanBank tại tòa nhà PetroVietnam tại Hà Nội, Việt Nam
Ngân hàng OceanBank tại tòa nhà PetroVietnam tại Hà Nội, Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trong phiên tòa trước đây, hầu hết các cá nhân, tổ chức thuộc nhóm PVN đều phủ nhận việc "nhận lãi ngoài" mà Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thị Minh Thu đã khai. Các bị cáo cũng không có chứng từ nào để chứng minh sự việc. Song không thể phủ nhận việc Ocean Bank đã từng phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tiền từ nhóm PVN...

Hoàng Thị Hồng Tứ - Sputnik Việt Nam
Đại án Oceanbank: Nữ diễn viên điện ảnh sa lầy ghế Chủ tịch HĐQT như thế nào?
Nội dung cáo trạng "đại án" Ocean Bank lần này cho thấy, theo lời khai của Hà Văn Thắm, đầu năm 2009, khi Hà Văn Thắm cùng Nguyễn Xuân Sơn trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Sơn chủ động đề nghị với Thắm hai vấn đề:

"Để huy động được vốn từ Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng Đại Dương cần phải chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài loãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí để Sơn được chủ động giải quyết. Do Ngân hàng Đại Dương là ngân hàng mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn, có quy mô vốn nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn và Thắm tính toán mức chi thêm này sẽ khoảng, trên dưới 01% một năm nên đã chấp nhận đề nghị trên của Sơn để Ngân hàng Đại Dương thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN", cáo trạng dẫn lại các bút lục 2679 — 2681; 2692 — 2894.

Những lời khai trên phần nào phản ánh sự phụ thuộc của Ocean Bank vào cổ đông chiến lược PVN - tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước và là công ty mẹ của hàng chục doanh nghiệp thành viên, mà hầu như doanh nghiệp nào cũng thuộc nhóm "vua tiền mặt".

Giai đoạn đó, trong thời điểm cực đỉnh của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, với hàng trăm nghìn tỷ đồng đang sở hữu, PVN và nhóm doanh nghiệp "vua tiền mặt" ấy thực sự là những khách hàng trong mơ của giới nhà băng.

"Ông vua" này đã chọn Ocean Bank, "một ngân hàng có quy mô vốn nhỏ (1.000 tỷ đồng), hiệu quả hoạt động còn chưa cao và khả năng cạnh tranh thấp" — như lời đánh giá chủ quan của chính PVN.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đến tòa - Sputnik Việt Nam
Những giọt nước mắt muộn màng trong vụ đại án OceanBank
Có thể hiểu ông Hà Văn Thắm đã vui thế nào khi PVN lựa chọn trở thành không phải một khách hàng bình thường, mà là trong tư cách cổ đông chiến lược của Ocean Bank.

Ngày 18/09/2008, PVN và Ocean Bank đã tiến hành ký kết thỏa thuận. Theo đó, HĐQT Ocean Bank đồng ý và cam kết sẽ thực hiện các thủ tục theo các quy định nội bộ và Điều lệ, các quy định cần thiết khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thông qua phương án tăng vốn điều lệ Ocean Bank từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Và trong đợt tăng vốn điều lệ này, Ocean Bank sẽ chào bán cho PVN và các cổ đông là CBCNV của PVN (đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt và có nguyện vọng được tham gia góp vốn vào 1 ngân hàng thương mại cổ phần).

Trong đó, PVN dự kiến tham gia đóng góp 20% vốn điều lệ (tương đương với 400 tỷ đồng), và cổ đông là CBCNV của PVN sẽ tham gia đóng góp 10% vốn điều lệ (tương đương với 200 tỷ đồng).

Giá chào bán cho đợt tăng vốn này, thực ra là khá rẻ cho thời kỳ sục sôi cổ phiếu "vua" như giai đoạn đó, chỉ là ngang mệnh giá, ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, điều mà ông Thắm và Ocean Bank kỳ vọng từ đối tác chiến lược của mình có lẽ không nằm ở nguồn tiền phát hành. Bởi lúc cao nhất, tổng vốn góp cổ phần của PVN tại Ocean Bank cũng chỉ là 800 tỷ đồng — lớn về giá trị nhưng so với quy mô tài sản của một ngân hàng, nó chỉ lọt thỏm.

Điều mà ông Thắm thực sự nhắm đến, có lẽ ai cũng hiểu, là "mỏ tiền" từ PVN và nhóm các công ty thành viên của tập đoàn này. Chỉ cần huy động được một phần trong "mỏ tiền" này, ngân hàng "khả năng cạnh tranh thấp" như Ocean Bank sẽ ở một tầm rất khác.

"Mỏ tiền" PVN

Cựu chủ tịch PVN có thể sẽ lãnh án tử hình - Sputnik Việt Nam
Đại án Oceanbank: Thực chất tiền vào túi ai?
Thực tế, chỉ một năm sau ngày "se duyên" với PVN, quy mô huy động của Ocean Bank đã tăng lên gấp bội.

Nếu như tại thời điểm cuối năm 2008, tổng huy động thị trường 1 (tiền gửi khách hàng) mới là 6.412 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2009, con số tương ứng đã gấp khoảng 4 lần, lên mức 23.377 tỷ đồng.

Số liệu thống kê được cho thấy, suốt những năm sau đó, "mỏ tiền" PVN vẫn là nguồn cung huy động chủ yếu cho Ocean Bank.

Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2010, trong tổng số 42.338 tỷ đồng tiền gửi khách hàng mà Ocean Bank huy động được thì PVN (hợp nhất cả tập đoàn mẹ và các công ty con) đã đóng góp đến 35,3%, với 14.934 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2011, quy mô tiền gửi của PVN tăng lên 21.098 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,7% tổng huy động của Ocean Bank.

Đến cuối năm 2012, con số tiếp tục tăng lên 24.149 tỷ đồng, tỷ trọng là 55,8%.

So với tổng quy mô tiền và các khoản tương đương tiền của PVN tại thời điểm 31/12/2012 là 105.373 tỷ đồng, cộng thêm 9.223 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 12 tháng tại tất cả các tổ chức tín dụng, Ocean Bank — ngân hàng từng được miêu tả là "khả năng cạnh tranh thấp" — đã khai thác được khoảng 1/5 "mỏ tiền" PVN.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Sputnik Việt Nam
Khi đại án Oceanbank còn nhiều bất ngờ, Chủ tịch PVN được điều về Bộ Công Thương
Vì phần lớn nguồn tiền gửi ngân hàng của PVN đều là tiền gửi thanh toán hoặc có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống nên có thể hiểu, lãi suất huy động là khá rẻ. Hay nói cách khác, "mỏ tiền" PVN không chỉ có quy mô khổng lồ mà chất lượng dòng vốn cũng là rất ấn tượng.

Đặc biệt, trong cơ cấu tài chính của PVN có một quỹ gọi là Quỹ thu dọn mỏ, được thành lập theo Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 31/3/2007, tập hợp số tiền đóng góp của các nhà thầu dầu khí nhằm đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện.

PVN đã ủy thác việc quản lý Quỹ thu dọn mỏ này cho 4 ngân hàng thương mại. Ocean Bank là một trong số đó, bên cạnh hai "ông lớn" Vietcombank, Vietinbank và PVcomBank (tiền thân là Công ty tài chính PVFC, một thành viên của PVN). Tính đến cuối năm 2014, thời điểm xảy ra biến cố Hà Văn Thắm, giá trị của quỹ là 28.676 tỷ đồng.

Sau khi bị mua lại 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP MTV Đại Dương, Ocean Bank vẫn tiếp tục là một trong 5 ngân hàng được PVN ủy thác quản lý Quỹ thu dọn mỏ, bên cạnh Vietcombank, PVcomBank, Vietinbank và Ngân hàng Bản Việt.

Tính đến cuối năm 2016, trong số 2.384 tỷ đồng các khoản phải thu khó đòi — đã được PVN liệt vào diện "nợ xấu" (cần phân biệt với nợ xấu ngân hàng), thì khoản lớn nhất có liên quan tới Ocean Bank.

Cụ thể, đây là khoản 955 tỷ đồng mà PVN đã ủy thác cho vay qua Ocean Bank. Chưa rõ, đích đến của khoản ủy thác này là đâu, chỉ biết PVN đã phải trích lập dự phòng toàn bộ giá trị ủy thác và không ghi nhận giá trị có thể thu hồi.

PVN cũng nghi nhận tình trạng tương tự cũng xảy ra với khoản phải thu tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam — PVC (177 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Tài chính Công Đoàn Dầu khí — PVFI (114 tỷ đồng); Cho vay Công ty Liên doanh Petro Tower (35 tỷ đồng).

Nguồn: Viettimes

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала