Lịch sử Việt Nam: vấn đề ngụy quân-ngụy quyền và định danh Việt Nam Cộng hòa

© Sputnik / Scherbakov / Chuyển đến kho ảnhbiên giới giữa nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam và miền Nam Việt Nam
biên giới giữa nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam và miền Nam Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Viện Sử học giải thích về vấn đề ngụy quân-ngụy quyền và định danh Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Việt Nam Cộng hòa trong bộ Lịch sử Việt Nam.

Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tái bản bộ Lịch sử Việt Nam với hơn 10.000 trang (15 tập) từ thời khởi thủy của nước ta đến năm 2.000. Bộ sách do tập thể các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn.

Đáng chú ý, bộ Lịch sử Việt Nam có một số chi tiết lịch sử mới so với những bộ sách trước đó. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

© Ảnh : VOVPGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). - Sputnik Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Nguyễn được nhìn nhận khách quan hơn

PV: Thưa ông, xin ông cho biết bộ Lịch sử Việt Nam có những điểm mới nào so với các bộ lịch sử đã từng công bố?

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ: Bộ Lịch sử Việt Nam vừa tái bản gồm 15 tập, thuộc chương trình trọng điểm cấp Bộ của Viện Sử học được thực hiện từ đầu những năm 2000, và hoàn thành trọn bộ sau 9 năm triển khai.  Tham gia biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập là tập thể 29 nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học. Tổng chủ biên là PGS.TS Trần Đức Cường, khi ấy là Viện trưởng Viện Sử học trực thuộc Viện KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Bốn chiến hạm của hải quân Việt Nam cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 - Sputnik Việt Nam
Lần đầu tiên trận Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam
Do những khó khăn nhất định nên đến năm 2007, bộ Sử mới xuất bản được 4 tập và xuất bản, công bố trọn bộ 15 tập vào năm 2014.

Bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập được phân chia thành các giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ tập 1 đến tập 5, trình bày lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1858 (tức giai đoạn lịch sử cổ, trung đại); từ tập 6 đến tập 9, trình bày lịch sử Việt Nam giai đoạn cận đại (từ năm 1858 đến năm 1945) và từ tập 10 đến tập 15 trình bày lịch sử Việt Nam giai đoạn hiện đại (từ năm 1945 đến năm 2000).

Thứ nhất: Điểm mới của bộ Lịch sử Việt Nam so với nhiều bộ sử trước đây được biên soạn trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú; quan điểm nhận thức các vấn đề lịch sử đầy đủ, toàn diện hơn. Nếu như trước kia, trong các công trình nghiên cứu sử học, các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào trình bày các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà chưa quan tâm thỏa đáng đến các vấn đề kinh tế, văn hóa-xã hội… thì trong bộ sử này những thiếu khuyết đó đã được khắc phục.

Thứ hai: Trước đây, một số triều đại quân chủ như triều Hồ, triều Mạc chưa được đánh giá cao (thậm chí có nhà nghiên cứu vẫn bị chi phối bởi quan điểm cũ nên có lúc còn gọi triều Hồ là nhuận Hồ, gọi nhà Mạc là ngụy Mạc) thì trong nhiều chục năm trở lại đây, những hạn chế đó đã được khắc phục. Trong bộ sử này, nhà Hồ, nhà Mạc được ghi nhận là những vương triều chính thống, những đóng góp của nhà Hồ, nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục được đánh giá cao, đặc biệt là cải cách của Hồ Quý Ly hay những thành tựu to lớn về văn hóa, giáo dục của nhà Mạc trong 65 năm tồn tại ở Thăng Long.

Thứ ba: là có những nhận định, đánh giá khách quan, khoa học, rõ ràng hơn vai trò, vị trí lịch sử của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Thực tế lịch sử cho thấy, từ năm 1672, quốc gia Đại Việt bị chia cắt làm hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài, với sông Gianh làm ranh giới chia cắt đất nước.

chiến tranh Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Vì sao Việt Nam nên thừa nhận thể chế Việt Nam Cộng Hòa?
Sau khi thoát ly khỏi triều đình Lê — Trịnh, chính quyền các chúa Nguyễn đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp nhằm mở mang lãnh thổ phía Nam, xây dựng và phát triển xứ Đàng Trong, quản lý, khai thác vùng biển và hải đảo phía Nam một cách hiệu quả. Hình thể đất nước Việt Nam có được ngày nay (bao gồm đất liền, hải đảo và vùng biển rộng lớn) một phần công lao thuộc về các chúa Nguyễn.

Cùng với việc đánh giá vai trò, công lao của các chúa Nguyễn thì trong bộ sử này cũng đề cập khá toàn diện đến triều Nguyễn, đánh giá rõ ràng, minh bạch những đóng góp của triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc, những sai lầm, hạn chế cơ bản của vương triều Nguyễn cũng như trách nhiệm của triều Nguyễn để mất nước vào tay thực dân Pháp. Liên quan đến triều Nguyễn thì một số nhân vật lịch sử của triều đại này cũng được đánh giá toàn diện hơn. Vấn đề luận công/bàn tội rõ ràng, khách quan.

Khi nghiên cứu về nhà Nguyễn, chúng ta cũng nhìn lại chủ quyền về biển đảo phía Nam, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc, Thổ Chu…

Chiến tranh biên giới phía Bắc là cuộc chiến tranh vệ quốc

PV: Vấn đề chủ quyền biển đảo, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 được đưa ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ: Chúng ta biết, một số năm gần đây, vấn đề Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đang được xã hội rất quan tâm. Đây là một phần lãnh thổ, lãnh hải rất quan trọng của nước ta. Ở bộ Lịch sử Việt Nam này, qua quá trình nghiên cứu, các nhà sử học đã đưa ra được những chứng cứ lịch sử cụ thể, khách quan khẳng định chủ quyền lâu dài, liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhiều sự kiện lịch sử trình bày trong bộ sách cho biết, từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, chính quyền các chúa Nguyễn đã trực tiếp kiểm soát, khai thác nguồn lợi từ các quần đảo này mà không có bất kỳ sự tranh chấp nào từ bên ngoài.

Trải qua các triều Tây Sơn, triều Nguyễn, kể cả chính quyền Việt Nam cộng hòa sau này vẫn tiếp tục thi hành những chính sách và triển khai các biện pháp cụ thể nhằm quản lý, khai thác nguồn lợi, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Chiến tranh Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Chuyên gia: Loại bỏ tư duy một chiều "ta thắng địch thua" trong nghiên cứu lịch sử VN
Về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, trước đây có một số công trình nghiên cứu lịch sử thường né tránh không đề cập vì một số vấn đề nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bộ Lịch sử Việt Nam, các nhà nghiên cứu chỉ ra một cách đúng đắn tính chất của cuộc chiến tranh năm 1979 và trên thực tế kéo dài đến giữa thập niên 80, đó là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do nhà cầm quyền Bắc Kinh tiến hành.

Đối với nhân dân Việt Nam, đây là cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Các nhà sử học của Viện Sử học đã làm đúng trách nhiệm của người làm sử khi trình bày rõ ràng về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 trong bộ sử để cho nhiều thế hệ sau này nhận thức rõ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược mà phía Trung Quốc đã tiến hành đối với nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước năm 1979, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh, nhiều thành phố, thị trấn, bản làng bị tàn phá. Hậu quả của cuộc chiến tranh này còn để lại trong nhiều thập niên sau đó chưa khắc phục hết.  

Giải thích về việc dùng "ngụy quân-ngụy quyền"

PV: Xin ông cho biết tại sao trong bộ sách đã sử dụng khái niệm Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quân đội Việt Nam cộng hòa thay cho khái niệm ngụy quân —ngụy quyền mà một số công trình nghiên cứu trước đây thường dùng?

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ: Trước đây, trong một số tài liệu và công trình nghiên cứu thường dùng khái niệm ngụy quân, ngụy quyền để chỉ chính quyền Việt Nam cộng hòa hay quân đội Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, trong giới sử học cho rằng, khái niệm đó không hoàn toàn chính xác khi chỉ về một chế độ chính trị đã từng tồn tại trong lịch sử.

Bộ sử 15 tập bao quát lịch sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam đưa chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào bộ sách Lịch sử
Chúng ta đều biết, sau Hiệp định Geneve (7/1954), đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Nam đã từng tồn tại chế độ Việt Nam cộng hòa từ năm 1955 đến 30/4/1975. Danh xưng ấy được nhiều quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ thừa nhận và được định danh trên các văn bản quan phương. Do dó việc sử dụng khái niệm này thay vì dùng khái niệm ngụy quân — ngụy quyền như trước đây chỉ là để cho công trình nghiên cứu mang tính khách quan, khoa học hơn.

Ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra bàn luận khá nhiều về vấn đề này. Tham góp ý kiến, bình luận đa dạng, đa chiều là vậy, nhưng có lẽ trong số đó nhiều người chưa đọc, thậm chí chưa tiếp xúc với bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập vừa công bố. Nên chăng, quý vị cứ tìm đọc, suy ngẫm, từ đó mới có sở cứ để bình luận việc đúng sai, đủ thiếu….

PV: Ông và nhóm biên soạn có kỳ vọng rằng, bộ Lịch sử Việt Nam sẽ thay đổi nhận thức của người dân đối với lịch sử và có trách nhiệm hơn đối với vận mệnh của đất nước hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ: Bộ Lịch sử Việt Nam đã góp phần giúp cho người dân ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn về lịch sử đất nước, con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử  dựng nước và giữ nước.

Bộ Lịch sử Việt Nam cũng góp phần tôn vinh truyền thống đấu tranh giữ nước, truyền thống lao động cần cù sáng tạo của cộng đồng các dân tộc, các thế hệ người Việt Nam, giáo dục ý thức đối với các thế hệ trẻ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi chủ quyển biển đảo của đất nước đang bị thế lực nước ngoài xâm phạm thì bộ Lịch sử Việt Nam cũng đã góp phần cung cấp những bằng chứng lịch sử, chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo VOV 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала