Nan đề nghịch lý thuế ở Việt Nam

© AFP 2023 / Hoang Dinh Namngành công nghiệp dệt may Việt Nam
ngành công nghiệp dệt may Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI nên việc siết chặt ưu đãi thuế rất khó. Do đó cắt giảm bộ máy cồng kềnh để tiết kiệm chi tiêu.

Khó siết ưu đãi với doanh nghiệp FDI

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam vừa chỉ ra những nghịch lý thuế ở Việt Nam hiện nay.

Theo ông này, dù mức thuế suất ở Việt Nam không phải là cao nhưng doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi thuế hay cắt giảm nhiều khoản thuế.

Để có thể cải thiện hệ thống thuế, ông Sidgwick cho rằng, việc thu thuế cần được siết chặt hơn để đảm bảo những loại thuế được pháp luật quy định phải thực sự thu được, thực sự đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, Chính phủ nên xem lại cơ chế miễn, giảm thuế đã và đang cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài — doanh nghiệp FDI.

Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Việt Nam thực sự là một thỏi nam châm hút FDI cực lớn

Trao đổi với Đất Việt, TS, Luật sư Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM khẳng định nhận định trên hoàn toàn có cơ sở.

Theo TS Tín, bất kỳ một quốc gia nào cũng phải đưa ra các ưu đãi về thuế, thể chế, cơ chế pháp lý để khuyến khích các dòng vốn đầu tư FDI. Đặc biệt khi Việt Nam không có nhiều thế mạnh để buộc các doanh nghiệp FDI chủ động đầu tư mà chỉ có 1 số lợi thế nhất định về tài nguyên, nhân công, lao động dồi dào, giá rẻ thì việc đưa ra các ưu đãi lại càng quan trọng hơn.

"Nếu chúng ta không ưu đãi thì doanh nghiệp FDI sẽ không vào Việt Nam để đầu tư. Khi đó chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng nhập siêu rất lớn. Ngoài vấn đề vốn ra, chúng ta cũng cần doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ, nhân sự chất lượng cao để phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Do đó việc cắt giảm hay siết chặt các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI là rất khó vào thời điểm này", TS Tín nhận định.

Tuy nhiên TS Bùi Quang Tín cho rằng, nếu các cơ quan quản lý nhà nước tạo ra sự chênh lệch về ưu đãi giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thì về lâu dài, các doanh nghiệp trong nước sẽ bị thiệt thòi rất lớn, đặc biệt là khả năng cạnh tranh về giá cả khi xuất khẩu.

PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cũng thừa nhận thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước than phiền về tình trạng cơ quan nhà nước dành ưu đãi quá lớn cho doanh nghiệp FDI về thuế, đất đai, về tiếp cận ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác.

Tuy nhiên hiện nay do Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào FDI nên việc siết chặt với các doanh nghiệp này trong thời điểm hiện nay không phải dễ dàng.

"Chúng ta đã có các cam kết với doanh nghiệp FDI thì làm sao thay đổi được? Cái quan trọng là tạo ra môi trường bình đẳng về mặt lợi ích của từng dự án, từng địa phương. Nếu chúng ta không ưu đãi thì FDI không vào và như thế thì nền kinh tế sẽ không có vốn", ông Bình nhấn mạnh.

Không thể tăng thuế ồ ạt

TS Bùi Quang Tín nhận định, vấn đề ưu đãi thuế để kêu gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta phải có thời gian và lộ trình cụ thể chứ không thể kéo dài ưu đãi trong nhiều năm vì việc này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Vốn FDI vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng

"Chúng ta đang phải điều chỉnh các chính sách thuế trong nước, cân đối nguồn thu chi trong bối cảnh chi vượt quá thu rất nhiều. Tuy nhiên không phải nói thế là để chúng ta điều chỉnh đồng loạt tất cả các chính sách thuế của nhà nước hay áp dụng cho tất cả các đối tượng chịu thuế ở Việt Nam. Ở đây tôi cho rằng, đề xuất tăng thuế VAT lên 12% cần phải xem xét rất thận trọng. Bởi lẽ VAT là thuế gián thu, tức là doanh nghiệp đóng nhưng người dân phải trả. Khi tăng thuế VAT đồng nghĩa với việc ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng người nghèo hay các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển", ông Tín nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm của bản thân, vị chuyên gia cho rằng, thay vì tăng thuế ồ ạt, tập trung vào các mặt hàng nhiều người sử dụng, Bộ Tài chính nên cân nhắc, nghiên cứu đánh phần thuế tài sản, tức là thuế đánh trực tiếp vào những người sở hữu nhiều tài sản hơn so với nhu cầu thực tế, hay thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Bên cạnh đó cần cắt giảm chi tiêu, bộ máy hoạt động cồng kềnh không hiệu quả. Để cân đối ngân sách, thay vì tăng nguồn thu thì chúng ta điều chỉnh nguồn chi thì cũng hoàn toàn phù hợp. Chúng ta có 3 nhóm giải pháp. Một là tăng thu, hai là giảm chi. Ba là vừa tăng thu vừa giảm chi. Đó là các giải pháp phải tính toán, cân nhắc", ông Tín nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Quang Bình cũng không đồng ý với việc tăng thêm một loạt loại thuế, trong đó có thuế VAT để cân đối nguồn ngân sách của nhà nước.

"Hiện nay có 2 vấn đề để có thêm tiền chi cho ngân sách. Một là tăng thu. Hai là tiết kiệm chi. Tại sao chúng ta cứ phải tăng thuế để thu thêm mà không tính đến vấn đề tiết kiệm chi. Giảm bộ máy để tiết kiệm chi phí, không phải thu thêm. Đó là việc cần thiết và phải làm ngay", ông Bình nêu quan điểm.


Nguồn: Báo Đất Việt

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала