Saudi Arabia và quyết định lịch sử cho phép phụ nữ lái xe

Đăng ký
Saudi Arabia là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Quyết định cởi bỏ rào cản này đang được cả thế giới hoan nghênh.

Ngày 26/9 vừa qua được coi là "bước ngoặt vĩ đại" nhất đối với những người phụ nữ ở Saudi Arabia, khi cuối cùng họ đã có quyền được… lái xe lần đầu tiên trong đời. Quốc gia bảo thủ ở Trung Đông vừa đưa ra một quyết định được cả thế giới hoan nghênh với việc trao thêm cho phụ nữ sự bình đẳng hơn so với nam giới.

Sắc lệnh hoàng gia được bộ Ngoại giao Saudi Arabia công bố trên kênh truyền hình quốc gia hôm 26/9 nhấn mạnh, bắt đầu từ tháng Sáu năm sau, phụ nữ ở quốc gia này được phép tự lái xe mà không còn gặp bất cứ sự cản trở, cấm đoán nào.

"Đây là một ngày trọng đại trong lịch sử vương quốc chúng tôi", Hoàng tử Khaled bin Salman — Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên. Một ủy ban mới cũng được thành lập ở quốc gia này để giám sát tiến trình chính sách mới được áp dụng vào cuộc sống, theo CNN.

Saudi Arabia từ lâu vẫn nổi tiếng là quốc gia khắc nghiệt nhất trong các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni trên thế giới, khi từ lâu luôn hạn chế phụ nữ tham gia vào các vai trò lớn trong xã hội.

Vương quốc vùng Vịnh là nước duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe cũng như có các quy định rất nghiêm ngặt về cách ăn mặc. Cho đến nay, chỉ có đàn ông mới được phép cấp giấy phép lái xe và bất kỳ người phụ nữ nào cầm vô lăng ở nơi công cộng đều đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và phạt nặng.

"Tôi không thể tin được chuyện đó và bắt đầu nhảy múa la hét vì sung sướng. Đó là một chiến thắng vĩ đại", Sahar Nassif, một nhà vận động nữ quyền chia sẻ niềm vui với BBC. Nassif cho biết, cuối cùng cô cũng có thể thực hiện ước mơ của mình là mua một chiếc Mustang mui trần.

Theo Hoàng tử Khaled bin Salman, sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 24/6/2018 sẽ cho phép phụ nữ không cần phải xin phép bất cứ ai trong việc đi học lái xe và được quyền điều khiển phương tiện đi bất cứ đâu tùy thích.

Đây được coi là thành quả sau rất nhiều nỗ lực của các nhóm nhân quyền tham gia vận động trong nhiều năm qua. Các cuộc biểu tình tập thể yêu cầu cho phụ nữ lái xe đã từng nổ ra vào các năm 1990, 2011 và 2013.

Trong vài năm gần đây, một số thành viên thuộc gia đình hoàng gia Ả Rập đã dần thể hiện sự ủng hộ về việc dỡ bỏ lệnh cấm. Động thái này đã được bộ Ngoại giao Mỹ và Liên Hợp Quốc hoan nghênh khi gọi đó là "một bước đi tích cực đúng hướng".

Luật pháp Saudi Arabia hiện nay vẫn dựa trên một số giáo lý và quy tắc cực đoan của Hồi giáo mà trong đó có sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Phụ nữ phải tuân thủ quy tắc ăn mặc nghiêm ngặt, không được tiếp xúc với đàn ông lạ và nếu muốn đi du lịch, hay khám sức khỏe, họ phải được người giám hộ nam đi cùng hoặc cho phép bằng văn bản.

Phụ nữ muốn mở doanh nghiệp riêng cũng phải nhận được sự bảo đảm của hai người đàn ông để có thể được cấp một khoản vay hoặc có giấy phép. Thậm chí việc đi ăn nhà hàng cũng có sự phân biệt rõ ràng. Hầu hết các nhà hàng ở vương quốc vùng Vịnh sẽ yêu cầu phụ nữ phải sử dụng một lối vào riêng biệt, thường là cửa phụ để tránh việc chung đụng với đàn ông.

© AFP 2023 / FAYEZ NURELDINE Thái tử Mohammed bin Salman đang mang đến những thay đổi mới cho đất nước.
Saudi Defence Minister Mohammed bin Salman (2nd L), who is the desert kingdom's deputy crown prince and second-in-line to the throne, arrives at the closing session of the 4th Summit of Arab States and South American countries held in the Saudi capital Riyadh, on November 11, 2015 - Sputnik Việt Nam
Thái tử Mohammed bin Salman đang mang đến những thay đổi mới cho đất nước.

Ngay cả khi những thay đổi tích cực đối với phụ nữ ở nơi đây sẽ có hiệu lực vào tháng Sáu năm sau, nhiều quyền lợi tưởng chừng như rất nhỏ bé vẫn luôn nằm ngoài tầm với đối với họ.

Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về xếp hạng bình đẳng giới, Saudi Arabia đứng thứ 141/144, chỉ xếp trên Syria, Pakistan và Yemen — những quốc gia vốn đang rơi vào những cuộc xung đột.

Trong hệ thống công lý ở Saudi Arabia, phụ nữ bị phân biệt đối xử công khai. Lời khai của một người đàn ông trước tòa sẽ có giá trị bằng tiếng nói của hai người phụ nữ.

Phụ nữ Ả Rập không được phép ăn mặc theo ý mình mà phải che thân hoàn toàn bằng trang phục Hồi giáo. Họ không được phép cho người đàn ông khác nhìn thấy khuôn mặt của mình. Nếu chống đối, cảnh sát tôn giáo sẽ bắt giữ ngay lập tức.

Chỉ trong vòng hai năm gần đây, quyền lợi của người phụ nữ Ả Rập mới được coi trọng nhiều hơn. Năm 2015, một báo cáo của Chính phủ cho thấy số lượng phụ nữ Ả Rập được học tập tại các trường đại học có sự tăng tiến vượt bậc khi hơn cả số lượng nam giới.

Ít nhất có 17 phụ nữ được bầu trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2015. Vua Abdullah đã ban hành một sắc lệnh trong năm 2011 cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu và hai năm sau đó, yêu cầu phụ nữ phải có ít nhất 20% số ghế trong Hội đồng tư vấn.

Các chính sách mới về việc tăng quyền cho phụ nữ có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Ả Rập và mang lại sự lạc quan cho phái yếu ở quốc gia này.

Đây là bước đi mới nhất trong chương trình cải cách toàn diện Saudi Arabia của Thái tử Mohammed bin Salman — người được biết đến là "làn gió mới" của quốc gia Hồi giáo.

Kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng Sáu, ông đang dẫn đầu một kế hoạch cải cách và chuyển đổi nền kinh tế Saudi Arabia tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tăng số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động.

Marriam Mossalli, người đứng đầu công ty tư vấn Niche Arabia, nói với CNN rằng, Thái tử Mohammed bin Salman đang đưa đất nước chuyển biến nhanh chóng với tốc độ nhanh đến cả "ngàn năm".

Nữ doanh nhân này hy vọng, quyết định cho phép phụ nữ lái xe sẽ bắt đầu cho một loạt cuộc thảo luận mở rộng vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực khác.

Nguồn: nguoiduatin

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала