Robert Mugabe: Anh hùng cách mạng hay người kìm hãm Zimbabwe?

© Sputnik / Alexey Boitsov / Chuyển đến kho ảnhRobert Mugabe
Robert Mugabe - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Dù là người phát động cuộc cách mạng giúp Zimbabwe giành được độc lập, Tổng thống Robert Mugabe cũng chính là người phá nát kinh tế nước này.

Trong bối cảnh nền kinh tế Zimbabwe ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm vừa qua, sự nghiệp chính trị của ông Mugabe đã nhiều lần được tiên đoán là sắp chấm dứt. Tuy nhiên, cho đến nay, ở tuổi 93, ông Robert Mugabe vẫn cho thấy những dự đoán này là vô giá trị.

Ngay cả khi sức khỏe đã sa sút trông thấy, Tổng thống Robert Mugabe vẫn chưa từ bỏ ý định rời bỏ chính trường Zimbabwe. Thậm chí, ông Mugabe còn công khai ý định tiếp tục tranh cử Tổng thống vào năm 2018.

Trước đó, phát biểu trước cuộc bầu cử năm 2008, ông Mugabe khẳng định: "Nếu thất bại trong cuộc bầu cử lần này và bị người dân từ bỏ, tôi sẽ giã từ sự nghiệp chính trị". Tuy nhiên, sau khi thất bại trước ông Morgan Tsvangirai, ông Mugabe lại công khai khẳng định "chỉ có Chúa" mới có thể buộc ông từ bỏ quyền lực.

Và để đảm bảo quyền lực của mình không bị suy giảm, ông Mugabe không ngại sử dụng bạo lực. Để bảo vệ cho những người ủng hộ mình, ông Tsvangirai chỉ còn cách chấp nhận tham gia cuộc bầu cử vòng 2 và bị ép phải chia sẻ quyền lực và dành ghế Tổng thống cho ông Mugabe. Điều này giúp ông Mugabe liên tục nắm quyền Tổng thống Zimbabwe trong suốt 37 năm.

Quan điểm chính trị mãi không thay đổi

Là người hùng giải phóng dân tộc của Zimbabwe khi ông lãnh đạo đất nước đấu tranh chống lại người da trắng thiểu số cầm quyền những năm 70 của thế kỷ trước, ông Mugabe được kính trọng không chỉ ở trong nước mà cả ở trên khắp Lục địa Đen. Tuy nhiên, điều này cũng khiến lãnh đạo các nước trong khu vực hết sức ngần ngại khi chỉ trích những sai lầm của Tổng thống Zimbabwe.

Kể từ khi Zimbabwe giành được độc lập, hầu hết các nước trên thế giới đều đã phát triển rất nhanh chóng trừ chính Zimbabwe chỉ vì quan điểm chính trị "vẫn ở những năm 70" của ông Mugabe.

Trong khi các nước tập trung phát triển kinh tế thì Đảng cầm quyền Zanu-PF vẫn loay hoay chiến đấu chống lại "tội ác của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân". Bất kỳ người nào dám chỉ trích quan điểm Đảng cầm quyền Zanu-PF sẽ bị gán tội "phản bội và bán nước" và án tử hình sẽ dành cho họ.

Đến thời điểm này, ông Mugabe vẫn cáo buộc các thế lực phương Tây, đặc biệt là Anh tìm cách lật đổ ông bởi ông đã chiếm lại tất cả các trang trại của người da trắng xâm lược và trao các trang trại này cho người da màu bản xứ.

Những người chỉ trích ông Mugabe cho rằng, Tổng thống Zimbabwe "chẳng hiểu gì về quy luật kinh tế hiện đại" và ông Mugabe chỉ quan tâm đến việc "chia sẻ miếng bánh kinh tế nhà nước như thế nào" thay vì "làm thế nào để miếng bánh này lớn hơn".

Thậm chí, ông Mugabe còn đưa ra một tuyên bố gây chấn động rằng, một quốc gia không thể bị phá sản bất chấp việc nền kinh tế Zimbabwe đang tuột dốc không phanh và tỷ lệ lạm phát của nước này đạt mức "không tưởng"- 231 triệu%/năm. Các chuyên gia kinh tế nhận định hài hước rằng, Tổng thống Mugabe đang "đẩy lý thuyết của mình đến giới hạn cuối cùng".

Dù vậy, rất nhiều chuyên gia phải "ngả mũ thán phục" về cách làm chính trị của ông Mugabe. Giáo sư Tony Hawkins tại Đại học Zimbabwe nhận định: "Bất kỳ lúc nào bị các vấn đề kinh tế ngáng đường, ông Mugabe luôn biết sử dụng quyền lực chính trị của mình để giành chiến thắng". Ông Mugabe được đánh giá là "khôn ngoan hơn nhiều so với các đối thủ của mình".

Bạo lực cách mạng bị lạm dụng

Không chỉ "khôn ngoan hơn nhiều so với các đối thủ của mình", ông Mugabe còn được coi là sẵn sàng sử dụng "bàn tay sắt" để trấn áp các đối thủ chính trị bằng chính lực lượng du kích đã giúp ông đánh đuổi thực dân da trắng khỏi Zimbabwe.

Cụ thể, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử đầu tiên trong sự nghiệp chính trị năm 2000, ông Mugabe đã tung hết lực lượng dân quân trung thành gồm các chiến binh kỳ cựu phối hợp với các lực lượng an ninh Zimbabwe khủng bố và ám sát những thành phần đối lập. Kịch bản tương tự diễn ra vào năm 2008, sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử vòng 1 trước đối thủ lâu đời Morgan Tsvangirai.

Khi cần thiết, ông Mugabe không ngần ngại huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bộ máy chính quyền và truyền thông để phục vụ cho đảng cầm quyền Zanu-PF và củng cố thế lực bản thân.

Dù vậy, trong suốt 37 năm cầm quyền, ông Mugabe- người từng là giáo viên- đã đạt được một thành tựu không thể chối cãi là giúp Zimbabwe đạt được tỷ lệ người biết đọc biết viết lên đến 90%- cao nhất so với các nước châu Phi và ngang ngửa nhiều nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những nỗ lực mở mang dân trí của ông Mugabe cũng chính là cách ông "tự đào huyệt chôn mình". Giới trẻ Zimbabwe được học hành tử tế dễ dàng hiểu được những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt xuất phát từ đâu và nhiều người trong số này đã công khai phản đối tình trạng tham nhũng và buông lỏng quản lý tràn lan.

Vua Mugabe

Dù vậy, ông Mugabe vẫn luôn cho thấy mình là một người đầy tham vọng và kiêu hãnh. Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ chỉ từ chức khi "cuộc cách mạng" của ông hoàn tất.

Theo ông Mugabe, "cuộc cách mạng" này chỉ hoàn tất khi ruộng đất, đồn điền của người da trắng được chia hết lại cho người da màu và quan trọng hơn, ông có thể đích thân chỉ định người kế nhiệm từ các thành viên trong Đảng Zanu-PF cầm quyền.

Đã từng có những đồn đoán rằng, sẽ có ngày, chính Đảng Zanu-PF hoặc các nước láng giềng tại Zimbabwe tìm cách lật đổ ông Mugabe, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ông Mugabe vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ họ.

Ông Didymus Mutasa, người từng là cộng sự thân cận của ông Mugabe, từng chia sẻ rằng, trong văn hóa Zimbabwe, các vị vua chỉ bị thay thế khi họ qua đời và "Mugabe là vị vua của chúng tôi".

Điều này được thể hiện rõ ràng bằng việc, trong chiến dịch tranh cử của mình hồi năm 2002, ông Mugabe bắt đầu mặc những chiếc áo sơ mi sặc sỡ in hình khuôn mặt của chính ông- phong cách ông cóp nhặt từ nhiều nhà lãnh đạo độc tài ở châu Phi, trong khi suốt 20 năm trước đó ông chỉ "trung thành" với veston và cà vạt.

Rất nhiều người Zimbabwe và người dân trên thế giới từ lâu đã đặt ra câu hỏi rằng, tại sao ông Mugabe lại không muốn từ bỏ quyền lực và an hưởng những năm cuối đời bên gia đình?

Đáp lại câu hỏi này, người vợ thứ 2 của ông Mugabe, bà Grace Mugabe, 40 tuổi, cho biết, chồng bà vẫn thường xuyên dậy từ 4h sáng mỗi ngày để tập thể thao và bà đẻ đứa con thứ 3 khi ông đã 73 tuổi.

Nguồn: vov

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала