Từ APEC 2017 nghĩ về nguyên tắc cộng sinh để tồn tại

© Ảnh : TTXVNChủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Phiên họp kín thứ nhất Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Phiên họp kín thứ nhất Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thế giới đang chuyển mình nhanh chóng với nhiều điều bất ngờ. Đó là bối cảnh của tuần lễ cấp cao APEC thành công của Việt Nam kết thúc tuần vừa qua.

Cách đây 1 năm ít ai nghĩ rằng Mỹ có thể rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, cũng như không có nhiều dự báo Mỹ lại có những khó khăn trong việc sớm hoạch định một chiến lược rõ nét với khu vực.

Cũng trong vòng vài ba năm trở lại đây ít nhà quan sát nào có thể tin rằng một trường Đại học Trung Quốc, không nằm trong tốp đầu, Đại học Tứ Xuyên, có thể thưởng nóng ngay gần 2 triệu đô la cho một nhóm nhà khoa học vì có bài đăng trên tạp chí Cell của Mỹ. Trung Quốc đang chuyển mạnh mẽ từ một nước đang phát triển sang vị thế dẫn đầu trên nhiều phương diện về đầu tư cho khoa học.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem đến những tác động ngoài mong đợi, từ công nghệ tự động đến internet vạn vật, từ điện toán đám mây đến trí tuệ nhân tạo, từ máy bay không người lái đến robotics. Tiền ảo (cryptocurrency) đang thách thức các nguyên lý truyền thống về tài chính và ngân hàng. Chạy đua đã đến hồi khốc liệt nhưng cùng với đó là sự thức tỉnh của những giá trị nhân văn như phát triển công bằng, bình đẳng.

Châu Á Thái Bình Dương nằm trong tâm điểm của những thay đổi khó lường đó. Các cuộc thảo luận vừa qua trong khuôn khổ và bên lề APEC tại Đà Nẵng đã phản ánh phần nào nhận thức này. Trong biến thiên không ngừng, các thành viên đã cố gắng xác định những biện pháp để tranh thủ cơ hội, hóa giải thách thức.

Cơ hội đó là tăng cường liên kết kinh tế trong không gian rộng mở như đòi hỏi của quy luật cung cầu, của nền kinh tế dựa trên quy mô và của các doanh nghiệp. Nỗ lực của 11 nước thành viên còn lại  trong TPP tại Đà Nẵng đã bước đầu đáp lại sự trông đợi đó.

Cơ hội đó là gia tăng đối thoại để giảm thiểu khác biệt và thống nhất nhận thức chung, ví dụ về một trật tự khu vực dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Thách thức nếu không kịp thời hóa giải sẽ dẫn đến khủng hoảng. Đó là lý do vì sao các thành viên APEC đặc biệt chú trọng giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập, vấn đề di cư lao động xuyên biên giới và khoảng cách kỹ thuật số ngày càng rộng ra.

Một khía cạnh cụ thể khác được quan tâm, trao đổi là trong số các nước APEC còn không ít thành viên đang ở trong trạng thái thu nhập trung bình. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng kể từ những năm 1960 đến nay chỉ có 16 trong số 100 nước khảo sát thoát bẫy thành công.

Vẫn còn những ẩn số

Bất chấp những nỗ lực chủ quan này, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn những ẩn số. Điều gì sẽ xảy ra nếu xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên? Một cuộc va chạm giữa hải quân hai nước nào đó vì cố ý hay không cố ý ở vùng biển đang tranh chấp chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả không bên nào mong muốn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc liệu có dẫn đến va chạm với Mỹ với tư cách là cường quốc tại vị như tiên đoán của Graham Allison, nhà nghiên cứu chính trị của Đại học Harvard? Theo Allison trong 16 lần hoán đổi "ngôi vị quyền lực", thì 12 lần xảy ra chiến tranh.

Một tác giả khác có sách bán chạy nhất là Nassim Taleb đã đặt tên cho các tình huống hy hữu nhưng khi xảy ra thì với hệ quả vô cùng to lớn là "Thiên nga đen". Tác giả này còn cho rằng các sự cố Thiên Nga đen đã chi phối dòng chảy lịch sử thế giới trong hàng nghìn năm qua. Vấn đề cần thiết để có một sự ứng phó tốt chính là sự trù liệu trên cơ sở các phân tích hợp lý, thuyết phục và một chút may mắn. Phần may mắn không thuộc ý chí chủ quan của các nhà hoạch định chính sách. Cái họ có thể quyết định được là tham mưu đề xuất những quyết sách chính xác và hiệu quả cho các nhà lãnh đạo.

Nguyên tắc cộng sinh để tồn tại

Vậy các nhà hoạch định sẽ dựa vào khung nào để có thể đề xuất những chính sách có chất lượng?

Bài học của các quốc gia trên thế giới cũng như các doanh nghiệp thành công cho thấy việc tôn trọng các quy luật là điều kiện tiên quyết để có một quyết định đúng. Chẳng hạn, bản Tuyên bố Đà Nẵng đã nhấn mạnh các biện pháp hướng tới quy trình sản xuất, thương mại tôn trọng quy luật của tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Lịch sử đã chứng minh tự nhiên chính là nhân tố có khả năng xử lý các tình huống "Thiên Nga đen" một cách hoàn hảo nhất. Đi ngược lại quy luật này sẽ dẫn đến những kết quả phát triển nữa vời, thậm chí lợi bất cập hại.

Một ví dụ khác, việc đón tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm trong cùng một ngày cho thấy giá trị của độc lập tự chủ, của cách tiếp cận cân bằng năng động và tích cực. Việc Việt Nam ưu tiên quan hệ với các nước lớn phù hợp với nguyên tắc vận hành bấy lâu nay của nền chính trị quốc tế, đó là các nước lớn luôn có vai trò, ảnh hưởng từ quan trọng đến chi phối nhiều sự kiện quốc tế, tác động đáng kể đến đến an ninh và phát triển của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam đã chọn lựa thái độ vừa coi trọng, tranh thủ vừa đóng vai trò của một đối tác tin cậy, hướng tới những lợi ích, giá trị chung trong quan hệ song phương cũng như của cộng đồng về hòa bình, ổn định và phát triển.

Bản Tuyên bố Đà Nẵng cũng như hai bản Tuyên bố chung cấp cao Việt-Trung và Việt-Mỹ với nhiều nội dung tích cực chắc chắn là kết quả tích tụ của một quá trình tôn trọng các quy luật phát triển bên trong cũng như ứng xử với bên ngoài.

Trong thế giới ngày nay, các kỹ năng thương lượng là tối cần thiết. Nhưng để có thể thương lượng tốt, nhà đàm phán cần một hậu phương vững chắc. Chẳng hạn, thách thức Việt Nam khi tham gia TPP hay các vấn đề khu vực câu hỏi đặt ra không phải là Việt Nam có ý chí chính trị hay không mà là khả năng nội tại đến đâu để tham gia cuộc chơi đẳng cấp.

Việt Nam đã có cam kết. Cải cách bên trong, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia, đổi mới giáo dục theo hướng coi trọng thực học, chú trọng dịch vụ xã hội, chống tham nhũng, trọng dụng nhân tài (meritocracy)… danh sách dài những việc Việt Nam đang làm và cần tiếp tục làm một cách dứt khoát, nhất quán để hiện thực hóa cam kết ấy.

Việt Nam khó đóng vai chủ nhà APEC một cách suôn sẻ như vừa qua nếu Việt Nam không thực hiện những cam kết mà Việt Nam muốn các thành viên khác thực hiện. Vấn đề của anh cũng là của tôi và ngược lại.

Đó là nguyên lý cộng sinh để tồn tại và phát triển vững chắc trong một thế giới khó đoán định.

Nguồn: vietnamnet

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала