Tập kích Sơn Tây: Thảm bại của 10.000 lính Mỹ ở miền Bắc Việt Nam

© Ảnh minh họa.Tập kích Sơn Tây: Chiến dịch huy động 10.000 lính của Mỹ đã thất bại như thế nào?
Tập kích Sơn Tây: Chiến dịch huy động 10.000 lính của Mỹ đã thất bại như thế nào? - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, chỉ có một lần duy nhất cuối năm 1970, Không quân Mỹ thực hiện được cuộc đổ bộ bằng trực thăng vào sâu trong lãnh thổ miền Bắc.

Mỹ chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động lực lượng lớn…

Tính đến năm 1970, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đã kéo dài hơn 5 năm và số máy bay bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam đã lên tới hàng ngàn chiếc làm Lầu Năm Góc đau đầu. Số phi công Mỹ bị bắt theo đó cũng tăng lên và Việt Nam đã khôn ngoan không tiết lộ con số này như lúc đầu nữa.

Áp lực đè nặng lên Nhà Trắng từ mọi phía buộc các tướng lĩnh Mỹ phải tìm cách giải quyết vấn đề này và họ quyết định mở cuộc tập kích vào Sơn Tây để cứu các phi công bị bắt. Yếu tố quan trọng nhất để có thể thành công là bất ngờ vì lúc này lực lượng quân sự Việt Nam rất mạnh, không thể tấn công bằng sức mạnh để cướp tù binh.

Cuộc đột nhập này đã diễn ra tại một khu vực gần Sơn Tây từ 2h18 phút ngày 21/11/1970 và biệt kích Mỹ đã ở trên mặt đất 29 phút. Trước đó, Mỹ đã cho máy bay trinh sát chụp ảnh kỹ lưỡng toàn bộ khu vực này và nắm được tình hình khá rõ. Trại tù Sơn Tây nằm ở phía tây, cách Hà Nội khoảng 50 km.

Trại nhỏ, có tường cao bao quanh và ba tháp canh, khoảng sân đủ rộng có thể đỗ được trực thăng, xung quanh là những cánh đồng lúa và cây cao. Tình báo Mỹ phán đoán có 55 đến 70 phi công Mỹ bị giam ở trại này. Hàng ngàn bức không ảnh cho thấy rõ các chữ cái SAR (Tìm kiếm và Cứu hộ) được xếp bằng quần áo của tù nhân và các đống gạch đá.

Một số phóng viên nước ngoài và nhân viên Chữ thập đỏ quốc tế được ta cho đến thăm tù binh cũng đã cung cấp thêm một số chi tiết về trại giam này cho phía Mỹ…

Từ đầu tháng 6/1970, Lầu Năm Góc đã triển khai lập kế hoạch cụ thể cho chiến dịch đầy khó khăn và mạo hiểm này. Họ nhận thấy lực lượng quân đội Bắc Việt Nam đóng dày đặc trong khu vực quanh đó với nhiều trận địa phòng không cũng ở gần trại giam. Ngoài ra, 2 sân bay quân sự nằm cách đấy chỉ vài chục km cũng là mối hiểm nguy lớn cho nhóm đổ bộ…

Dịp Tết năm 1971, tôi (Nguyễn Thụy Anh) từ đơn vị về thăm gia đình và được cha tôi khi đó là Trưởng phòng ở một cơ quan thuộc Tổng cục chính trị cho biết: ta đã nắm được việc CIA cài người vào Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm tù binh Mỹ ở VN để dò la vị trí và địa hình trại giam.

Từ đó tôi nắm được chi tiết là: trong sân trại giam có một cái giếng khô lâu ngày không dùng, bị cỏ lau che khuất, vậy mà khi hành động lúc trời tối, không lính biệt kích Mỹ nào bị rơi xuống đó.

Tuy nhiên không xác định được cụ thể thời điểm đột nhập… Sau đó họ lập mô hình trại giam như thật ngay trên đất Mỹ cho lực lượng biệt kích luyện tập kỹ lưỡng ban đêm trong nhiều tháng trước khi đột nhập.

Trong chiến dịch này, Lầu Năm Góc đã huy động tới gần 10.000 quân ở 7 căn cứ không quân trong khu vực và 3 tàu sân bay trên vịnh Bắc Bộ tham dự cùng với 116 máy bay quân sự các loại.

Một kế hoạch đồng bộ được tiến hành với sự tham gia chủ yếu của Không quân: máy bay trinh sát SR-71 và UAV giám sát trên không, các tốp F-105 đối phó với tên lửa SAM-2, máy bay F-4 chống tiêm kích MiG-21, còn KC-135 tiếp dầu, trực thăng sẽ đổ bộ nhóm biệt kích…

Đồng thời, Hải quân sẽ phối hợp tiến hành 59 phi vụ tấn công từ vịnh Bắc Bộ nhằm thu hút sự chú ý về hướng biển, tạo hành lang thuận lợi cho cuộc hành quân ở phía Tây.

Vào lúc 23h25 ngày 20/11/1970, từ căn cứ Udon (Thái Lan) 6 trực thăng Mỹ cất cánh mang theo đội biệt kích 56 người tiến về hướng bắc VN với sự yểm trợ trực tiếp của 5 máy bay cường kích AD-6. Toàn bộ đội hình đều bay ở độ cao rất thấp, men theo các triền núi để tránh sự phát hiện của radar Bắc Việt.

Các tốp F-4 và F-105 cũng cất cánh từ các căn cứ ở Thái Lan và bay ở tầm cao, làm nhiệm vụ chế áp lực lượng phòng thủ Việt Nam.

Trước khi tốp trực thăng này đổ bộ xuống trại giam, hải quân Mỹ cho 4 tốp máy bay hoạt động ở ven biển Hải Phòng, thả pháo sáng ở khu vực đảo Vạn Hoa và Long Châu để nghi binh, đánh lạc hướng và nhiều tốp máy bay phản lực bay ở tầng trung, lượn vòng quanh Hà Nội, làm phân tán sự đối phó của bộ chỉ huy VN.

… nhưng vẫn thất bại thảm hại

Tình huống trên không lúc này rất phức tạp và căng thẳng, trong đêm tối còi báo động rền vang khắp các tỉnh, thành miền Bắc cùng với tiếng hàng đàn máy bay phản lực gầm rú và tiếng nổ liên hồi của bom, đạn cao xạ, tên lửa vạch sáng ngang dọc trên bầu trời…

Trong khi đó, lợi dụng tình hình rối ren, tốp trực thăng bay ở độ cao rất thấp vẫn tiến về phía Sơn Tây. Tuy vậy, đài quan sát mắt của ta ở Suối Rút đã phát hiện tiếng động cơ máy bay lạ và kịp thời thông báo về sở chi huy.

Lúc đó là 2h08 phút và các đơn vị phòng không Việt Nam đã được báo động sẵn sàng chiến đấu. Trên mạng tình báo B1, radar của ta phát hiện hàng chục tốp máy bay địch bay vào vùng trời miền Bắc ở các hướng, trong đó có 1 tốp bay thấp dọc theo dãy núi Viên Nam, Ba Vì vào cách Hà Nội 50 km.

Các tiểu đoàn tên lửa và 2 đại đội cao xạ của ta ở hướng này đều phát hiện được mục tiêu ở cự ly 20 đến 27 km nhưng chủ yếu lại tập trung vào các tốp máy bay phản lực bay ở tầng cao đang uy hiếp Hà Nội (trại giam là cơ sở được giữ bí mật rất cao nên cũng không thông báo cho các đơn vị ta ở xung quanh).

Giữa lúc này, mạng thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy với các đơn vị bị gián đoạn: đường dây điện thoại bị đánh hỏng, các kênh liên lạc vô tuyến bị địch gây nhiễu nặng. Có đơn vị, sở chỉ huy phải cho người đi ô-tô trực tiếp xuống truyền đạt mệnh lệnh, do đêm tối và đường xá khó đi trong lúc địch đang đánh phá nên liên lạc đã không đến đơn vị được đúng thời gian dự kiến…

Tiểu đoàn tên lửa 41 đã bắt được mục tiêu từ xa, tín hiệu rất rõ bay chậm về hướng Sơn Tây, đủ điều kiện xạ kích nhưng do mất liên lạc với sở chỉ huy, không xác định rõ được địch-ta, có thể sẽ bắn nhầm quân mình, do đó chỉ huy tiểu đoàn cho phóng tên lửa vào các phản lực cơ Mỹ đang quần đảo trên cao vì đây rõ ràng là những mục tiêu nguy hiểm hơn.

Các tốp máy bay này (vốn được chuẩn bị cho nhiệm vụ chế áp ta) lập tức cơ động tránh tên lửa rất bài bản rồi liên tiếp phóng hàng chục quả tên lửa Sơrai (Shrike) chống radar về phía trận địa, buộc kíp trắc thủ tên lửa Việt Nam phải thao tác đối phó nhiều lần.

Còn tiểu đoàn tên lửa 43 đã nhanh chóng phát hiện 1 tốp mục tiêu bay vào vùng hỏa lực của mình và phóng ngay 2 quả đạn, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-105. Các trận địa cao xạ cũng đồng loạt nổ súng mãnh liệt ngăn chặn những tốp máy bay còn lại làm chúng rối loạn đội hình.

13 phút sau, tiểu đoàn tên lửa 44 bám sát chính xác tốp mục tiêu khác đang tiếp tục lao vào và chỉ phóng 1 quả đạn đã biến 1 máy bay địch thành quả cầu lửa đâm sầm vào sườn núi.

Vừa tấn công các bệ phóng SAM và trận địa cao xạ, đồng thời máy bay Mỹ cũng ném bom vào nhiều mục tiêu khác, phá hỏng trạm biến áp làm mất điện toàn khu vực và đánh sập 1 cây cầu nhỏ trên con đường đi vào trại giam để ngăn cản lực lượng ta tiến đánh nhóm biệt kích ở đó…

Các trận chiến đấu đêm thường là khó khăn hơn cho bộ đội phòng không: địch được trang bị nhiều khí tài trinh sát và đánh đêm hiện đại, có thể tấn công khá chính xác.

Còn phía Việt Nam, ngoài bộ đội tên lửa thì lực lượng cao xạ và súng máy ta không thể quan sát được mục tiêu như ban ngày nên phải xạ kích bằng phương pháp bắn đón theo tiếng động cơ máy bay hoặc dựng màn đạn ở cự ly và độ cao nhất định để bảo vệ yếu địa, do đó hiệu quả thấp hơn…

Ngoài hệ thống radar cảnh giới, quân đội ta lúc đó chỉ có các loại khí tài trinh sát quang học ban ngày mà không có các loại khí tài quan sát ban đêm hiện đại như kính hồng ngoại nhìn đêm, thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ…

Trong điều kiện đó, tốp trực thăng Mỹ đã hạ cánh được xuống khu vực trại giam (có 1 chiếc hạ nhầm sang khu vực khác). Tuy vậy, trong lúc đêm tối hấp tấp hạ cánh đã có 1 chiếc trực thăng rơi tại chỗ vì cánh quạt đập vào đường dây điện, làm 2 lính Mỹ bị thương.

Biệt kích Mỹ tràn vào trại giam nhưng nó trống không vì các tù binh phi công đã bị chuyển đi nơi khác từ trước đó mà tình báo Mỹ không nắm được và trinh sát đường không cũng bất lực trong việc này…

Chúng tức tối bắn giết bừa bãi một số người dân, phụ nữ và cả trẻ em xung quanh trại giam. Cuối cùng, lực lượng Mỹ đành ngậm ngùi đặt thuốc nổ phá hủy chiếc trực thăng hỏng, bỏ lại một số trang, thiết bị để dồn người lên số trực thăng còn lại và vội vàng tháo lui mà không làm được gì hơn.

Người Mỹ cũng không thể biết rằng trước đó khá lâu, sau những hoạt động đáng ngờ của Mỹ và một số người nước ngoài khác đến Việt Nam thăm dò về tình hình phi công Mỹ bị bắt, cùng với nguồn tin tình báo khác nên chúng ta đã cảnh giác, chuẩn bị đối phó và lặng lẽ cho chuyển số tù binh ở đây đi nơi khác.

Đồng thời ta cũng bí mật bố trí lực lượng phục kích ở đây đón lõng quân Mỹ, tuy nhiên chờ một thời gian vài tuần không thấy có động tĩnh gì nên ta đã rút đi làm nhiệm vụ khác…

Kết cục là Mỹ tuyên bố rùm beng "vụ tập kích vào Sơn Tây đã thành công tuy không cứu được phi công nào và tổn thất là không đáng kể với 1 trực thăng bị tai nạn và 2 phi cơ bị bắn hạ" trong chiến dịch có một không hai này vào sâu lãnh thổ của đối phương thiện chiến như Bắc Việt.

Giới quân sự nước ngoài thì cho rằng đây là một thất bại đối với chiến dịch quy mô lớn và được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy. Còn phía Việt Nam, sau khi cảnh giác làm thất bại âm mưu cứu phi công của Mỹ cũng đã nhanh chóng củng cố mạng lưới thông tin liên lạc và hệ thống an ninh mặt đất để sẵn sàng đối phó tốt hơn với tình huống tương tự.

Tuy nhiên là sau vụ này, Lầu Năm Góc không bao giờ còn dám cho một nhóm biệt kích nào đổ bộ vào miền Bắc nữa và cái gọi là "thành công" đó đã không thể phát huy được trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Thụy Anh — Cục Khoa học Quân sự  Bộ Tổng Tham mưu

 

Nguồn: Soha.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала