Chứng khoán Việt Nam tăng kỷ lục nhưng nhà đầu tư vẫn có thể lỗ

© Ảnh : Ngọc DươngVN-Index tăng mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn có thể bị thua lỗ
VN-Index tăng mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn có thể bị thua lỗ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11 đã có sự bứt phá mạnh về điểm số khi VN-Index liên tục đi lên và đạt mức 935,57 điểm.

So với điểm số cuối năm 2016 là 664,87 điểm thì VN-Index sau 11 tháng đã tăng được 40,7%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng một năm từ trước đến nay của chỉ số này.

Nếu so sánh với mức tăng thêm 15,75% của VN-Index trong cả năm 2016, tương ứng tăng được 90,46 điểm thì số điểm tăng thêm từ đầu năm đến nay của VN-Index với 270,7 điểm là một con số "khổng lồ". Mức tăng này của VN-Index đã vượt xa mọi dự báo của giới chuyên gia chứng khoán và các nhà đầu tư. Trước đó, dù thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh nhưng mọi dự báo chỉ dám cho rằng VN-Index chỉ có thể cán mức 850 điểm vào cuối năm nay.

Sự tăng mạnh này chủ yếu diễn ra trong tháng 11 khi hàng loạt cổ phiếu (CP) blue-chips trên sàn liên tục tăng giá. Nhiều cổ phiếu đã tạo ra đỉnh giá mới như SAB của bia Sài Gòn đã vượt lên mức 300.000 đồng/CP, cao nhất từ trước đến nay. Và SAB cũng là CP đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam có giá trên 300.000 đồng sau 10 năm qua. VIC của Tập đoàn Vingroup sau sự kiện VRE — Vincom Retail lên sàn đã tăng trưởng vượt bậc và liên tục đạt đỉnh giá mới, chạm ức 77.000 đồng/CP, tăng tới 80% so với thời điểm cuối tháng 8. Một số CP bue-chips khác có giá tăng cao có thể kể đến như VCB, GAS, PNJ, MWG, BMP…

Cùng với việc tăng điểm phi mã của VN-Index, thanh khoản trên thị trường cũng đồng loạt tăng mạnh. Chỉ tính riêng khối lượng giao dịch bình quân trên sàn TP.HCM trong tuần từ ngày 20 — 24.11 đạt 187,8 triệu đơn vị mỗi phiên, tăng trưởng 9,46% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn Hà Nội đạt 55,6 triệu cổ phiếu mỗi phiên, tăng 12,17%.

Sụp đổ các chỉ số chứng khoán châu Á - Sputnik Việt Nam
Vn-Index mất hơn 8 điểm vì diễn biến bầu cử Tổng thống Mỹ

Mới đây, Báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) vừa được Credit Suisse công bố cũng cho thấy, giá trị vốn hóa thị trường Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 — 2017 với tỷ lệ 61%. Tốc độ phát triển rất nhanh của thị trường chứng khoán Việt Nam phải kể đến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ trong tháng 11, tập đoàn đa ngành Jardine Matheson Holdings Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông đã chi hơn 1 tỉ USD để mua vào 10% cổ phần của Vinamilk và vẫn có kế hoạch mua tiếp.

Nhà đầu tư vẫn có thể thua lỗ

Thế nhưng, có một nghịch lý là từ đầu tháng 11 đến nay, dù VN-Index tăng điểm mạnh nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân không vui vì tài khoản không gia tăng mà ngược lại còn bị thua lỗ. Bởi chỉ có một số CP blue-chips tăng giá trong khi hàng loạt CP vừa và nhỏ liên tục đi xuống.

Chị Vân, một nhà đầu tư tại TP.HCM, cho biết tài khoản của chị từ việc có lãi trước đó đã nhanh chóng bị lỗ gần 20% trong tháng 11. Bởi nhiều CP trong danh mục của chị đang nắm giữ như HBC, HSG đã giảm khá mạnh. Nhiều môi giới tại các công ty chứng khoán cũng chia sẻ, tình trạng của chị Vân không phải là ngoại lệ. Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 3 không như kỳ vọng khiến giá CP đi xuống, vẫn có những công ty dù kết quả lợi nhuận tốt thì giá CP vẫn liên tục giảm.

Công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá, mức P/E (giá trên thu nhập mỗi CP) của VN-Index đã lên tới gần 18 lần, nhưng quan trọng nhất là nó không phản ánh cho toàn thị trường. Theo số liệu thống kê thì rất nhiều mã nằm trong top 50 vốn hóa thị trường có mức P/E cao khác thường và top 50 mã này cũng có mức tăng trưởng P/E rất mạnh, trung bình 20% kể từ đầu năm.

Do đó, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng, tránh mua đuổi theo những CP đã tăng giá quá cao để hạn chế rủi ro. Bởi không phải bất kỳ CP nào cũng tăng giá dù thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng.

Nguồn: Thanh Niên

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала