Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Ý đồ đáng quan ngại trên Biển Đông

© Ảnh : thanhnienMáy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc diễn tập thả hàng ở Biển Đông đầu tháng 12
Máy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc diễn tập thả hàng ở Biển Đông đầu tháng 12 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo giới quan sát, những diễn biến mới trên Biển Đông xuất phát từ hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây nhiều quan ngại với hệ lụy khó lường trong tương lai.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá hành động trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông là sự vi phạm rõ ràng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), gây căng thẳng và phức tạp thêm tình hình.

Mất lòng tin

Ông Lyle Morris, nhà phân tích cấp cao của Tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND (Mỹ), nói: "Hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và kế hoạch phóng vệ tinh giám sát có thể coi là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm củng cố kiểm soát và hiện diện ở Biển Đông".

Những hoạt động này sẽ làm tăng thêm lo ngại cho các bên khác về nguy cơ Trung Quốc tìm cách theo dõi mọi hoạt động tại Biển Đông, đồng thời tăng cường khả năng triển khai hoạt động quân sự từ các tiền đồn phi pháp trên biển.

Tương tự, bà Colin Willett, nguyên Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á — Thái Bình Dương, nhấn mạnh: "Theo tôi, việc Trung Quốc triển khai máy bay quân sự ra các tiền đồn nước này chiếm đóng ở Biển Đông sẽ tạo ra nhiều nghi ngại về ý định của họ".

Theo Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, ý đồ của Trung Quốc ở đây là giành ưu thế sức mạnh trên Biển Đông để tạo cái gọi là "hiệu ứng răn đe" nhằm giảm rủi ro nổ ra xung đột. Mặt khác, đây cũng là cách nước này mở rộng khai thác kinh tế, tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên, tính toán này có thể phản tác dụng vì gây mất lòng tin và càng khiến quan ngại gia tăng.

"Về lâu dài, ý định của Trung Quốc sẽ không bao giờ được chấp nhận hay hoan nghênh, đặc biệt là khi các nước khác cảm nhận rõ tác động của tình trạng mất mát tài nguyên biển cũng như bị hạn chế khả năng thực thi các kế hoạch của riêng mình. Thay vì có "hiệu ứng răn đe" như Trung Quốc mong muốn, tình trạng này có thể lại làm tăng thêm những nguy cơ trong tương lai", ông Batongbacal nhấn mạnh với Thanh Niên.

Vi phạm DOC

Theo các chuyên gia, hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đạt được với ASEAN vào năm 2002. Nhà phân tích Morris cho rằng Trung Quốc đã vi phạm tinh thần của khoản 5 trong tuyên bố DOC, với nội dung nhấn mạnh các bên phải kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực.

Giáo sư Batongbacal đánh giá với Thanh Niên: "Trung Quốc đã vi phạm DOC ngay từ khi bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo phi pháp. Họ hoàn toàn vi phạm nguyên tắc tự kiềm chế trong DOC. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không tuân thủ cam kết tìm kiếm cách thức và phương tiện để xây dựng lòng tin giữa các bên. Tất cả những hoạt động khác đang tiếp diễn tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông đều vi phạm thỏa thuận DOC".

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế — Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho rằng các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) đang được xây dựng có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán COC đang diễn ra. "Tuy nhiên, điều này có lẽ không quan trọng trong tính toán của Trung Quốc bởi Trung Quốc đang cố giành ưu thế ở thực địa, thể hiện rõ sức mạnh của mình ở Biển Đông, và từ đó giành lợi thế ở bàn đàm phán", theo tiến sĩ Trung.

Giáo sư Batongbacal thì nhận định Trung Quốc sẽ không để COC ảnh hưởng đến hoạt động trên thực địa của mình, thậm chí còn muốn COC bảo vệ những "sự đã rồi" trên Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN không thể giải quyết thách thức nếu không có lập trường thống nhất và mục tiêu chung giữa các bên, cũng như phác họa rõ ràng về lợi ích giữa các bên liên quan lẫn không liên quan trực tiếp tại khu vực.

Bình luận về vấn đề này, nhà ngoại giao kỳ cựu Willett của Mỹ nói với Thanh Niên: "Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa tại các tiền đồn ở Biển Đông chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực đàm phán COC".

Nguồn: thanhnien

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала