Việt Nam: Ẩm ương chuyện giáo dục

© Ảnh : ptksgcSinh viên Việt Nam
Sinh viên Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Giáo dục đào tạo là mục nhiệm vụ hàng đầu của mọi quốc gia. Điều đó có có nghĩa quản lý nhà nước về giáo dục ngày càng phải chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

Từ lâu rồi, những người có tí chút trách nhiệm với xã hội luôn đau đáu với ngành giáo dục nước nhà. Họ buồn khi bảng xếp hạng top những đại học danh giá thế giới, châu lục cả khu vực thiếu vắng một cái tên từ Việt Nam.

Họ nổi giận lôi đình với đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, trong khi đã có hàng chục ngàn tiến sỹ chưa "chạy" hết công suất; họ bức xúc vì trường sập, mười mấy em học sinh nhập viện; họ lo lắng với đầu vào sư phạm mỗi môn 3 điểm…

Trường sập — một suy nghĩ hiếm khi xuất hiện trong đầu óc mỗi người, Trường học đa số là những công trình kiên cố, được rót hàng tỷ đồng xây dựng kèm theo đó là vô số ban bệ được cử ra để theo dõi, kiểm định…

Tuy nhiên, đó chỉ là bộ mặt, tuổi thơ mài đũng quần trên ghế nhà trường ai đã từng rảnh rỗi lấy bút ngoáy vào tường thậm chí dùng tay bóc ra những mảng trét bở như khoai lang luộc, vài năm học vách tường lở lói kinh dị, duy chỉ có bộ "xương cốt" không thể biết tốt xấu ra sao. Đó là một câu chuyện dài lắm lắm!

Mảng lan can một ngôi trường ở Bắc Ninh bị sập, nó không chỉ lộ ra những kết cấu cẩu thả mà còn phơi ra một mảng màu xám của ngành giáo dục.

Còn bao nhiêu ngôi trường sắp đổ xuống? Chẳng ai biết, nhưng người ta lại biết rất rõ những con số ở thượng tầng, đại loại như đào tạo 9.000 tiến sĩ cần bao nhiêu ngàn tỷ, một đề án dạy và học anh văn cần chi bao nhiêu…

PGS Bùi Hiền - Sputnik Việt Nam
Những đề xuất cải cách giáo dục xôn xao dư luận nhất năm 2017

Sau vụ sập lan can một trường học ở Bắc Ninh một phụ huynh của học sinh bị nạn thốt ra đắng chát: "Đến đứng ở lan can mà cũng sập. Nhà trường quan tâm các em như thế nào mà cơ sở vật chất xuống cấp đến vậy cũng không biết?".

Hay sau cái chết thương tâm của nam sinh Trường Đại học Hutech (Thành phố Hồ Chí Minh), người mẹ của nam sinh tỏ ra hoang mang đau xót, "sao con tôi đi học mà cũng chết?" [1].

Với giáo dục, chúng ta đang mất công lo những vấn đề rất lớn, là làm sao tăng tỷ lệ tiến sĩ trên sinh viên, làm sao lọt tốp quốc tế, làm sao đổi mới nội dung chương trình, cách dạy và học.

Có phải vì vậy mà được phép quên đi những ngôi trường mục nát mỏi mệt chực chờ đổ xuống đầu học sinh, quên đi đầu vào sư phạm mỗi môn chỉ 3 điểm, quên đi hàng vạn trẻ em vùng cao đang "đói" con chữ.

Không thể phủ nhận nhiều năm qua nhà nước đã cố gắng chăm lo cơ sở vật chất ngành giáo dục, bằng chứng là nhiều ngôi trường mới cóng mọc lên khắp mọi miền đất nước.

Nhưng chừng đó xem ra chưa đủ, tốt biết mấy nếu những dự án ngàn tỷ thôi không phí hoài để có thêm những ngôi trường an toàn.

Đến khi nào ngành giáo dục mới hết những chuyện vụn vặt mà đáng lẽ ra nó phải được giải quyết rốt ráo trước khi nghĩ đến những vấn đề vĩ mô.

Sự nghiệp trồng cây chỉ mất mười năm nhưng sự nghiệp trồng người gấp mười lần thế. Không thể tiến xa nếu cứ "vác tre đầu ngọn" giống như xây tòa tháp phải bắt đầu từ nền móng. Giáo dục cũng thế.

Nhân đây nhớ lại chuyện, một trường đại học có tiếng ở Miền Trung đang sử dụng vài giảng đường để lại từ thời…Pháp thuộc.

Cách đây ngót 20 năm Chính phủ Pháp có gửi công văn với nội dung cảnh báo công trình đã hết hạn sử dụng. Nhưng ở ta, chẳng việc gì phải sợ. Bao nhiêu thế hệ sinh viên, thầy cô vẫn sáng tối dạy, học. Có lần đang ngồi nghe giảng, chợt thấy vết nứt ở góc tường rồi thoáng qua trong đầu một suy nghĩ rùng mình, biết đâu…

Ở đây còn có chi tiết thú vị, một công trình xây dựng ở xứ thuộc địa Viễn Đông xa xôi, từ khi mới xâm lược Việt Nam đến sau khi bại trận ở Đông Dương rồi dính vào thế chiến II, hàng mấy trăm năm trôi qua nhưng vẫn còn hồ sơ lưu lại. Ấy vậy mà một công trình ở ta mới mấy chục năm, sau khi sập lan can cũng mất luôn…hồ sơ thiết kế!

Và mới đây là một đề xuất táo bạo — nên bỏ cấp Phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện. Chẳng biết nên vui hay buồn, nhưng có một điều chắc chắn là tác giả đưa ra đề xuất này phải nghiên cứu rất kỹ, dĩ nhiên điều đó khiến nhiều người sốc, ít nhất là mấy chục ngàn cán bộ Phòng giáo dục cả nước.

Tuy nhiên, sự thật lại không hề đơn giản, cho cho dù về mặt con người đã có Phòng Nội vụ quản lý, song còn chuyên môn thì sao? Chẳng lẽ lại nhập luôn bộ phận chuyên môn giáo dục vào Phòng Nội vụ?

Nhiệm vụ của Phòng Nội vụ là quản lý con người nói chung, tức là họ chỉ việc ra quyết định tuyển dụng, quản lý, sử dụng… Đằng này mảng của Phòng Giáo dục là chuyên môn dạy và học, họ quản lý mấy chục trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn một quận huyện.Chẳng nhẽ bây giờ chuyển nhiệm vụ quản lý chuyên môn lên cấp Sở? Liệu cấp Sở có đảm đương nổi hàng tá công việc của Phòng? Nhất là với những Phòng thuộc cấp Quận, Thị xã, Thành phố trực thuộc tỉnh-những nơi có mật độ giáo viên, học sinh và trường lớp rất dày!

Điều đó không thuận lợi chút nào vì hàng trăm giáo viên cấp 1, cấp 2 sẽ mất nhiều thời gian lên tận tỉnh mỗi khi có việc cần liên hệ với cơ quan quản lý.

Mặt khác lại có ý kiến cho rằng: "Bộ giáo dục và đào tạo hoàn toàn có khả năng sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ"[2].

Trong khi đó với chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy các cơ quan như Phòng Nội vụ, Ban Tổ chức cấp ủy và nhiều cơ quan khác…lại có khả năng kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, sáp nhập một số nhiệm vụ.

Bao nhiêu năm qua, Phòng Giáo dục và đào tạo vẫn phát huy tác dụng của nó mà chưa thấy ai phàn nàn gì. Vậy nên, không có lý do gì phải giải tán. Không thể lý giải theo kiểu xóa Phòng là xóa hàng chục ngàn biên chế, để tiền cho tăng lương!?

Tinh giản biên chế là việc cần kíp, là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước nhưng không thể thực hiện một cách thô kệch như vậy.

Trong khi đó có nhiều bộ phận, nhiều cơ quan, nhiều đầu mối, nhiều địa phương đáng phải rút gọn hơn. Ví dụ như nhập những tỉnh dưới 500 nghìn dân, giảm bớt các Cục thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp Sở…

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự nghiệp giáo dục của địa phương…?

Giáo dục và đào tạo là mục nhiệm vụ hàng đầu của mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi quốc gia. Điều đó có có nghĩa rằng, quản lý nhà nước về giáo dục ngày càng phải chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa, chuyên nghiệp hóa.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/ban-doc/dao-tao-tien-si-nghin-ti-con-tinh-mang-hoc-sinh-de-roi-lan-can-581268.ldo

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoan-toan-co-the-sap-nhap-Bo-Giao-duc-voi-Bo-Khoa-hoc-va-Cong-nghe-post182406.gd

Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала