Gửi bóng đá Việt Nam: Đừng thấy cái bóng to trên tường mà tưởng mình vĩ đại

Đăng ký
Có lẽ ít khi nào mà người dân nói chung, giới truyền thông nói riêng lại có một dịp “đại hỉ” (niềm vui lớn) như sau kỳ tích giành ngôi vị á quân tại Giải bóng đá U23 châu Á vừa qua.

Nói là "đại hỉ" bởi lẽ, đi đến đâu, ở chỗ nào, bất cứ ai cũng có thể nói về bóng đá, nói về thành công vang dội của đội tuyển U23 Việt Nam với tất cả sự say sưa, lòng ngưỡng mộ và đôi khi đến mức cuồng nhiệt, cá biệt có nơi "cuồng nộ".

Bùi Tiến Dũng - Sputnik Việt Nam
Đừng làm hư Bùi Tiến Dũng và U23 Việt Nam

Như có người đã nói, khen đội tuyển U23 Việt Nam bao nhiêu lời hay ý đẹp cũng chưa đủ, bao nhiêu lời vàng ý ngọc cũng chưa xứng đáng. Bởi các em đã cống hiến, nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc và đã ghi vào "bảng vàng danh dự" của bóng đá châu Á với những chiến công mà không phải đội bóng đá nào trong châu lục cũng đạt được niềm vinh dự vẻ vang này.

Thế nhưng, không ít người đã đi quá đà, đã lợi dụng chiến công và hình ảnh của đội tuyển U23 Việt Nam nói chung, của một vài cầu thủ nổi bật trong đội tuyển nói riêng, để tự quảng bá, lăng xê mình không đúng lúc, đúng chỗ, thậm chí phản cảm. Đáng nói hơn, một số cơ quan truyền thông và nhiều trang mạng xã hội cũng nhân cơ hội này đã thông tin thái quá, đi sâu khai thác đời tư, chuyện gia đình, chuyện tình cảm, sở trường, sở đoản của một số cầu thủ chỉ nhằm mục đích câu view, câu like… 

Trước thực trạng này, người đứng đầu Ngành Thông tin và Truyền thông đã phải lên tiếng đề nghị các cơ quan báo chí, các nhà báo hãy dừng việc khai thác đời tư của các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam!

Thủ môn Bùi Tiến Dũng của U23 - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng TT&TT chỉ đạo: Dừng khai thác đời tư tuyển U23 Việt Nam
Việc khen ngợi, tôn vinh, tặng thưởng các cầu thủ U23 Việt Nam là cần thiết. Nhưng mọi sự tung hô thái quá không hẳn mang lại sự hài lòng cho hầu hết cầu thủ, mà đôi khi kéo theo sự phiền toái, thậm chí gây bất lợi cho họ. Bởi mọi sự tán dương quá đà dễ làm cho người trong cuộc ngất ngây với "men say" chiến thắng, tự "ru ngủ mình trên quá khứ vinh quang", mà không tiên liệu được rằng, giành được chiến thắng đã khó, giữ được chiến thắng còn khó hơn nhiều, đấy là chưa kể phải tiếp tục vượt qua chiến thắng đã giành được để vươn tới đỉnh cao hơn.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cơn "bùng nổ" truyền thông xã hội về bóng đá Việt Nam trong những ngày qua?

Thật không khó lý giải nếu ta nhìn vào bản chất vấn đề là một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn bị cuốn theo tâm lý đám đông. Tâm lý đám đông thực ra không phải hoàn toàn xấu, mà trong một chừng mực và không gian nhất định, tâm lý ấy đã góp phần gắn kết và cổ vũ tinh thần tập thể, khơi dậy khí thế, niềm tin của cả cộng đồng. Nhưng nhiều khi tâm lý đám đông đi quá giới hạn, nó lại biến người ta từ ý thức trở thành vô thức, từ sự tỉnh táo, minh mẫn trở nên nhạt nhòa, thậm chí có phần "lú lẫn" do bị quyến rũ, mê hoặc bởi không khí ồn ào, náo nhiệt và có phần hỗn loạn của không khí đám đông. 

Nhưng nguyên nhân sâu xa của tâm lý đám đông bắt nguồn từ sự xốc nổi trong tính cách con người. Cách nay tròn 80 năm, trong tác phẩm "Việt Nam văn hóa sử cương" (xuất bản năm 1938)- một cuốn sách có giá trị lý luận nền tảng về văn hóa truyền thống Việt, học giả uyên bác Đào Duy Anh đã chỉ ra một trong những đặc điểm tính cách của người Việt là "tính khí cũng hơi nông nổi; hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh". Nhìn vào sự cổ vũ, tung hô và "ăn theo" bóng đá và thắng lợi của đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua của một bộ phận người Việt và một số cơ quan truyền thông, mới thấy nhận định của cụ Đào Duy Anh đến nay vẫn sâu sắc, vẫn thấm thía đến nhường nào.

Chủ tịch FIFA chụp ảnh lưu niệm cùng U23 Việt Nam. - Sputnik Việt Nam
Đội tuyển nữ và U23 Việt Nam chào đón Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (Ảnh)
Văn hóa "xốc nổi" không phải xuất hiện ở một bộ phận người Việt sau thắng lợi của đội tuyển U23 Việt Nam, mà trước đó đã nảy sinh ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Xe tải chở bia không may bị đổ xuống đường, hàng chục người tranh nhau xông vào "hôi bia" trước sự ngơ ngác, bất lực, van xin của chủ xe. Nhà hàng ăn ngày đầu khai trương phục vụ khách miễn phí, hàng trăm người đổ xô, chen chúc để tranh nhau… thức ăn đồ uống. Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tổ chức lần đầu ở Thủ đô Hà Nội, rất nhiều người xô lấn, chen chân nhau để được đứng cạnh cây hoa chụp ảnh, thậm chí ngắt hoa, bẻ cành. Đền Trần (Nam Định), hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội Gióng Sóc Sơn (Hà Nội)… nhiều năm qua từng là nỗi ám ảnh của hàng nghìn người bởi sự chen chúc, giẫm đạp lên nhau chỉ vì tranh lá ấn, giật quả phết, cướp hoa tre…

Văn hóa "xốc nổi" nếu dừng lại ở một số cá nhân thì không sao, nhưng một khi nó hình thành, "lây lan" ra cộng đồng gây ra bao hệ lụy. Một trong những hệ lụy dễ nhận thấy là làm cho người ta suy nghĩ, hành xử, làm việc theo bản năng, bất chấp hậu quả, lợi bất cập hại. Hệ lụy khác không hẳn ai cũng nhận ra, nhưng cũng không kém phần nguy hại, đó là dễ làm cho người ta tự ảo tưởng về mình. Cái sự ảo tưởng này đôi khi chỉ là sự ngộ nhận ngây thơ, nhưng cũng có khi trở nên hoang tưởng, không biết mình là ai, tự coi việc làm của mình "không nguy hiểm", nhưng lại gây bao phiền toái cho người khác, cho xã hội.

U23 Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Ông Hải “lơ”: “U23 Việt Nam, hãy trở lại mặt đất đi!”
Châm ngôn có câu "Đừng thấy cái bóng to của mình trên tường mà tưởng mình vĩ đại". Hàm ý nhắc nhở người ta phải nhận rõ thực lực, chân giá trị của mình, chứ một khi bị tán dương, khuếch trương bằng những lời ngon ngọt mỹ miều, bằng những điều xum xoe, bỡ đợ, nịnh nọt, thì dễ trở nên ảo tưởng về mình, từ đó sinh ra kiêu căng, ngạo nghễ trước thiên hạ.

Thành công là điều đáng mừng. Chiến thắng rất cần được cổ vũ, khuyến khích. Nhưng trước bất cứ một chiến công nào, cùng với sự động viên kịp thời, tôn vinh đúng lúc, điều quan trọng hơn là chúng ta phải biến niềm tin chiến thắng ấy thành động lực tinh thần, thành những kế hoạch, phương án, giải pháp hữu hiệu hơn để không ngừng củng cố, nâng cao vị thế, quy mô, tầm mức chiến thắng cao hơn, lớn hơn, vang xa hơn.

Bớt đi sự "xốc nổi", bớt đi sự "ảo tưởng" để bình tĩnh hơn, điềm đạm hơn, sáng suốt hơn trên dặm đường phía trước, đấy là bước đi vững chắc hướng tới tương lai!

Nguồn: VietnamNet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала