Tranh cãi nảy lửa khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất bỏ tục đốt vàng mã

© ẢnhTranh cãi nảy lửa vụ Giáo hội Phật giáo VN đề nghị bỏ tục đốt vàng mã
Tranh cãi nảy lửa vụ Giáo hội Phật giáo VN đề nghị bỏ tục đốt vàng mã - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ngay sau khi có thông tin về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã, cộng đồng đã nảy ra những tranh cãi gay gắt, không hồi kết.

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo khiến cộng đồng "dậy sóng". Cụ thể, văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử — văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam" — công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.

Theo Hòa thượng Tố Liên viết trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm. Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô — la Mỹ… để cúng cho người đã chết. Vị Hòa thượng này cũng khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. 

Trước việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã, cộng đồng đã đưa ra không ít ý kiến, tranh cãi trái chiều.

"Rất đồng ý, báo đưa thông tin này hay quá, đốt vàng mã tốn kém, dễ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường…cũng lâu lắm rồi trong các ngày Tết tôi đã bỏ tục đốt vàng mã sau khi đọc được bài viết tại Hội thảo khoa học do Thành ủy TP. HCM tổ chức" — độc giả có nickname Lê Anh bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, độc giả có nickname Thanh Nghệ An đánh giá: 

"Tuyệt vời. Vừa giảm ô nhiễm môi trường, và quan trọng hơn là tiết kiệm được bao nhiêu tiền của và công sức".

"Đọc tin này mừng lắm luôn. Mong mọi người bỏ tục đốt vàng mã từ lâu, bởi vì: tốn kém, tạo ra khói, có thể xảy ra hỏa hoạn… Nếu muốn cuộc sống tốt đẹp trong tương lai, mọi người chỉ cần tin vào những điều tốt đẹp do mình tạo nên từ hôm nay. Ví dụ: ý thức bảo vệ môi trường (không xả rác, phóng uế bậy…), không trốn thuế, không tham nhũng của công, biết chia sẻ với người thiếu may mắn… thì chắc chắn bạn luôn có cuộc sống tốt về sau" là ý kiến của độc giả Eric.

Từ góc độ khác, độc giả có nickname Alex cho rằng, việc bỏ tục đốt vàng mã là điều khó có thể thực hiện.

"Thật sự khó mà bỏ. Vì theo tôi được học từ quý thầy và sư cô thì biết là Phật giáo vốn không có tục lệ đốt vàng mã hay thắp nhang này, đây là phong tục từ Trung Quốc truyền vào, có cải biên từ phong tục sống của người cổ đại. Nhưng vì đây là tập tục từ xa xưa của người Việt nên các chùa đành phương tiện mà tiếp nhận vào. Dĩ nhiên các lò hóa vàng ở một số chùa thì nhỏ và các thầy cũng khuyên rất nhiều. Thế nhưng người dân do đã quen, thêm nữa không phải ai cũng là Phật tử thuần thành hiểu đạo nên họ không chấp nhận. Mong là người đi chùa có thể hiểu đạo hơn mà bỏ tập tục đốt vàng mã này".

Riêng độc giả có nickname Công dân băn khoăn: "Tại sao Chính phủ chưa chính thức chung tay cùng Giáo hội Phật giáo chấm dứt hủ tục này trong đời sống xã hội Việt Nam? Đốt vàng mã còn lãng phí và nguy hại hơn rất nhiều so với đốt pháo!" liền được độc giả Thái Bảo lý giải: "Tôi chưa bao giờ đốt vàng mã nhưng Chính phủ không cấm được, quyền tự do tín ngưỡng của một bộ phận người dân. Đốt vàng mã lãng phí nhưng đó là tiền của họ bỏ ra, người mua mất tiền thì tạo công ăn việc làm cho người sản xuất, người bán, ô nhiễm môi trường thì cũng giống như đốt rác, giấy không đáng kể. Đốt vàng mã sao nguy hại hơn đốt pháo? Nó có gây thương tích không? Đốt vàng mã giống như thắp hương, không ai có quyền cấm cả".

Xuất phát từ thực tế bản thân, độc giả có nickname Thanh Vân quan niệm:

"Bản thân tôi khi đến chùa chỉ đốt 1 cây nhang thậm chí chỉ van vái suông thôi, cái chính là lòng thành, đức tin dù có nhang hay không! Vàng mã thì đúng là phí phạm, hủ tục, mê tín dị đoan… lẽ ra cần loại bỏ từ lâu.

Tôi thấy ngoài chuyện ý thức của mỗi người thì tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ rất có "trọng lượng" bởi đa số những người thường đốt vàng mã đều là tín độ hoặc có cảm tình, niềm tin vào Phật giáo. Nhưng để thực hiện tốt điều này thì trước hết các tự viện phải làm gương, thậm chí là "làm sạch" bản thân mình, bởi không ít các tự viện, cả các chùa lớn ở trung tâm thành phố vẫn thản nhiên cho người bán vàng mã, các loại sách bói toán nhãm nhí ngay trong sân chùa. Kế đến là mỗi tu sĩ phải là một sứ giả chân chính, nhiệt thành hướng Phật tử theo con đường chánh pháp, mạnh mẽ khuyên nhủ tín đồ Phật tử gạt bỏ mọi hành vi, lễ nghi mang sắc thái mê tín dị đoan như việc đốt vàng mã và tương lai, theo tôi là nên loại bỏ cả việc cúng sao giải hạn!".

 

Nguồn: Dân Việt

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала