Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

© AFP 2023 / VIETNAM NEWS AGENCYHồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1951
Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1951 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử. Nhưng cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ vẫn cố tìm hiểu bằng cách gì mà ta triển khai được lực lượng trên diện rộng toàn miền Nam, bằng cách gì mà đồng loạt nổ súng tiến công tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà vẫn giữ được tuyệt đối bí mật?

Lúc đó, Trung ương Cục gọi riêng từng đồng chí bí thư tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ, căn dặn, "hiệp đồng"; và như vậy, mỗi tỉnh chỉ duy nhất một người biết rõ "giờ G, ngày N" — thời điểm nổ súng tiến công. Trong đó, biết bao nhiêu công tác phải triển khai, bao nhiêu công việc phải chuẩn bị.

Xe tăng Liên Xô T-54 tại Việt Nam, tháng 4 năm 1972 - Sputnik Việt Nam
Lần đầu tiên xe tăng Việt Nam xung trận trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Điều này nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng ta và ý thức trách nhiệm rất cao, sự thống nhất cả trong ý chí và hành động, sự nghiêm minh của kỷ luật chiến trường đã quyện trong ý thức tự giác, lòng trung thành và phẩm chất mẫu mực của những người đứng đầu và đại diện cho sự lãnh đạo của Đảng tại các địa phương, và toàn thể cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang ba thứ quân.

Ngay sự thống nhất về ý chí và hành động đã tạo nên sức mạnh tiến công đối với quân thù.

Thời điểm đó, tôi đang đảm trách Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền (mật danh là B2). Việc phổ biến kế hoạch tác chiến thì anh Nguyễn Văn Linh, Chính ủy và anh Hoàng Văn Thái, Tư lệnh; Mặt trận Sài Gòn — Gia Định có anh Võ Văn Kiệt và anh Trần Hải Phụng về dự.

© Ảnh : Ảnh: Tư liệuĐồng bào huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh tải đạn và lương thực ra tiền tuyến năm 1968
Đồng bào huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh tải đạn và lương thực ra tiền tuyến năm 1968 - Sputnik Việt Nam
Đồng bào huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh tải đạn và lương thực ra tiền tuyến năm 1968

Ta đã giữ được bí mật đến tận giờ nổ súng mặc dù thời gian chuẩn bị có thể nói là gấp. Yêu cầu đề ra là phải nhanh chóng đưa được một khối lượng rất lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu vào ém sát các mục tiêu dự định tiến công trong sự canh gác, kiểm soát rất gắt gao của địch, nhất là TP Sài Gòn — Gia Định, sào huyện, cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Bộ đội Việt Nam trên những chiếc bè tự tạo ở đường bờ biển tỉnh Nam Hà, năm 1972 - Sputnik Việt Nam
Bộ đội đặc công, biệt động Việt Nam trong chiến dịch Mậu Thân 1968
Tất cả những cái gì lo trước được ta đã tính toán chuẩn bị, nhất là việc xây dựng các cơ sở cách mạng quần chúng, hồi đó gọi là các "lõm" ngay trong lòng đô thị mà địch đang chiếm giữ. Chẳng hạn như Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn — Gia Định, ngay từ năm 1965 đã chỉ đạo lực lượng biệt động xây dựng các hầm chứa vũ khí và ém quân trong nội thành.

Tính đến cuối năm 1967, ta đã thiết lập được 19 "lõm" chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, bao gồm 325 gia đình cơ sở, tạo nên 400 điểm ém quân và 12 kho vũ khí. Với kỹ thuật ngụy trang tài tình, khôn khéo và mưu trí, các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển vào nội thành một khối lượng lớn vũ khí chuẩn bị cho chiến đấu, gồm: 450kg thuốc nổ TNT, 100 súng K54, 50 súng AK, hàng chục súng — đạn B40, 3 khẩu cối, 1 khẩu ĐKZ và 90 quả đạn. Đợt 2 cuộc tiến công còn vận chuyển được 12 xe vũ khí vào khu vực Phú Thọ Hòa…

Cuộc tiến công táo bạo của ta đã làm cho bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch, tất cả thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như đứng ngoài cuộc chiến, bất ngờ bị tiến công đồng loạt. Các mục tiêu quan trọng nhất, từ Bộ Tổng Tham mưu đến Biệt khu Thủ đô, từ Dinh Tổng thống đến Tòa Đại sứ Mỹ đều bị đánh phá ác liệt.

Cái thế của hai bên trong chiến tranh bỗng chốc bị đảo lộn, "hậu phương yên ấm" của kẻ địch bỗng chốc trở thành tiền tuyến nóng bỏng. Trong lúc Mỹ và chính quyền Sài Gòn có hơn 1 triệu quân lại bố trí trong thế phòng thủ liên hoàn, chặt chẽ mà chúng hoàn toàn bất ngờ. Có thể nói là đợt đầu tiên chúng ta đánh thật là tuyệt vời. Ta đã ra đòn bất ngờ và đánh trúng vào "hệ thần kinh trung ương" của địch, đã làm cho Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ bàng hoàng…

Lính Mỹ nhìn đám thi thể những người Việt bị họ giết chết. Chiến tranh Việt Nam, năm 1967 - Sputnik Việt Nam
Chiến dịch Mậu Thân 1968: Cú sốc của chính trường Mỹ
Trước tổng tiến công, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tiến hành tổ chức bố trí chiến trường. Theo đó, Mặt trận Sài Gòn — Gia Định có hai "Sở chỉ huy tiền phương". Anh Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ và tôi phụ trách Tiền phương Bắc, còn gọi là Tiền phương 1. Anh Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng phụ trách Tiền phương Nam, còn gọi là Tiền phương 2.

Tiền phương 1 phụ trách chủ lực hướng bắc, tây bắc và đông thành phố; lực lượng bao gồm: các phân khu 1, 4, 5 và một phần Phân khu 2 (từ Củ Chi, Hóc Môn, Dĩ An, Gò Vấp, Lái Thiêu, Thủ Đức, một phần Bình Tân); mục tiêu đánh là khu Quán Tre, một nửa sân bay Tân Sơn Nhất, các căn cứ quân sự ở Gò Vấp, TX Gia Định, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, đồng thời phụ trách các tiểu đoàn chiếm lĩnh nối tiếp biệt động nội thành.

Tiền phương 2 phụ trách hướng nam và một phần tây nam; lực lượng gồm toàn bộ lực lượng biệt động và quần chúng vũ trang nội thành từ quận 1 đến quận 8. Các đơn vị biệt động đánh các mục tiêu: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, Kho xăng Nhà Bè, Tổng nha Cảnh sát và một nửa sân bay Tân Sơn Nhất; phát động quần chúng chiếm các khu lao động, chờ đón quân chủ lực vào nội thành…

Sát thời điểm tổng công kích, tổng khởi nghĩa, Bộ Chỉ huy Miền tổ chức Sở chỉ huy cơ bản do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách, đồng thời cử cán bộ phụ trách các cánh tiền phương. Lúc này tôi được phân công chỉ huy bộ đội tiến công ở hướng tây nam Sài Gòn, từ Long An đánh vào khu vực quận 5, vào Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành.

Sở chỉ huy của tôi đặt bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Trước khi nổ súng, tôi được tăng cường một tiểu đoàn của Long An do anh Hai Hoàng làm Tiểu đoàn trưởng. Đưa Trung đoàn 3 vào áp sát quận 6, gần tới Phú Lâm, bắn cối xong thì đột kích vào trung tâm Phú Lâm. Các đơn vị đó đánh rất giỏi, thọc sâu vào quận 5, rồi tiến công tới ngã tư Bảy Hiền thuộc quận Tân Bình, ở lại một ngày; quân địch bu tới, ta đánh; sau đó, khi có lệnh cấp trên, tôi cho các đơn vị rút ra. Đồng bào Hoa kiều đã chỉ dẫn cho bộ đội đục xuyên các tường nhà để bí mật rút ra. Chỗ nào không đục được thì vận động trên mái nhà. Còn thương binh thì bà con người Hoa mang đi giấu, cứu chữa và nuôi dưỡng.

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và tướng William Westmoreland có mặt tại Việt Nam ngày 25/12/1967 - Sputnik Việt Nam
Chiến dịch Mậu thân 1968: Đòn giáng vào niềm tin của Mỹ
Trở lại tình hình trước Mậu Thân 1968, ngay sau khi chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", đưa hơn 40 vạn quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, cùng với đội quân của một số nước chư hầu và lực lượng quân đội Sài Gòn được bắt lính tăng cường, cùng với một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh chưa từng có với kỹ nghệ hiện đại tối tân. Chúng quyết liệt táo bạo mở liên tục các cuộc hành quân với hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" hòng giải quyết chiến tranh trong một thời gian ngắn.

Nhưng, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo, với đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại cả hai cuộc hành quân chiến lược ở hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của chúng ở miền Nam (điển hình là các trận chiến: Pleime và thung lũng Iađrăng, hai cuộc hành quân Áttơnborô và Gianxơnxiti); chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ trên miền Bắc.

Đến nửa cuối năm 1967, Mỹ tiếp tục tăng quân và phương tiện chiến tranh để toan tính một cuộc phản công lần thứ ba với số quân 120 vạn, trong đó có 50 vạn quân chiến đấu Mỹ, tuy nhiên chúng bắt đầu lộ rõ sự dao động và lúng túng.

Giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế "ngập ngừng" về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ có dấu hiệu dao động rõ và đúng thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ, Đảng ta đã quyết định giáng một đòn bất ngờ, thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ, bằng cách chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, tạo ra một bước ngoặt lớn làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Như kế hoạch đã định, cuối tháng 1/1968, ta bắt đầu mở đợt hoạt động lớn ở mặt trận Đường 9 — Khe Sanh, xem như một đòn chính của bộ đội chủ lực ta, nhằm đánh lạc hướng, thu hút quân cơ động của Mỹ, vây hãm, giam chân và tiêu hao chúng, nhằm tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy. Lập tức, tướng Oétmolen điều quân tăng cường giữ và cho máy bay ném bom dữ dội, rồi chở quân đổ bộ xuống khu vực Tà Cơn — Khe Sanh.

Trước và sau Tết, quân ta tiếp tục bao vây Khe Sanh, dùng các loại hỏa lực tiến công và đánh lấn khiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ tính tới khả năng ta có thể tạo ra một cái "giống như Điện Biên Phủ". Thế là quân Mỹ đã rơi vào "bẫy" của ta; đồng nghĩa rơi vào tình thế "cá voi mắc cạn".

Cùng thời điểm này, trên chiến trường nước bạn Lào, từ ngày 12 đến ngày 27/1/1967, quân đội Pathét Lào và Quân tình nguyện Việt Nam giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch Nậm Bạc. Chiến thắng này vừa là khởi đầu, vừa là sự phối hợp nhịp nhàng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của chúng ta.

Quân và dân miền Nam đã nhằm đúng vào đêm giao thừa của Tết Nguyên đán, đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào 4 thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn địch, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng.

Nhiều trận đánh đã gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, như: Trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, vào Dinh Tổng thống, Bộ Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, 25 ngày đêm ta làm chủ TP Huế…

Chúng ta đã ra những đòn sấm sét ngay trong lúc mà lực lượng quân Mỹ, chính quyền Sài Gòn và một số nước đồng minh của Mỹ còn đông trên 1 triệu 20 vạn tên, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại và khổng lồ, đứng chân trong những căn cứ được phòng thủ vững chắc. Chúng ta đã đánh vào tận hang ổ của chúng và đã giành thắng lợi chưa từng có.

Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã gây chấn động cả nước Mỹ. Khắp các bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ với cuộc chiến này. Nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ diễn ra sự chia rẽ gay gắt.

Tướng Oétmolen, Tổng Chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam, bị cách chức, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mắc Namara xin từ chức. Ngày 25/3/1968, Tổng thống Giônxơn và Bộ trưởng Quốc phòng Clípphớt (mới thay Mắc Namara) phải triệu tập một cuộc họp gọi là "Những người am hiểu và khôn ngoan nhất", mà thực chất là 14 quan chức cấp cao "diều hâu nhất" trong phái "diều hâu".

Sau 3 ngày tranh cãi, 10/14 người đã tán đồng chấm dứt leo thang chiến tranh và có biện pháp rút lui ra khỏi cuộc chiến1. Ngày 31/3/1968, Giônxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị đàm phán song phương với ta tại Pari và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.

Đây là sự công khai thừa nhận chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ đã phá sản, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ hiếu chiến đã thật sự bị lung lay. Tuy chúng ta có khuyết điểm là sau đợt 2 đã chậm chuyển hướng tiến công về vùng nông thôn nên bị nhiều tổn thất; nhưng thất bại của đế quốc Mỹ trong "chiến tranh cục bộ" đã không thể nào cứu vãn được.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo TP.HCM - Sputnik Việt Nam
Những bài học lịch sử xương máu từ cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Tôi muốn nói thêm về lực lượng biệt động. Đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng ta — gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hòa vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Biệt động là lực lượng chiến đấu, thực hiện những đòn đánh hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch ở các đô thị.

 

Lực lượng biệt động Nam Bộ ra đời từ kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển mạnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là Sài Gòn — Gia Định. Sự ra đời, trưởng thành của lực lượng này đánh dấu bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân và là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn và các đô thị.

Với tinh thần dũng cảm vô song, lối đánh táo bạo và thông minh, và sự hy sinh to lớn của lực lượng biệt động đã góp phần xứng đáng trong việc tạo nên hiệu quả chiến lược lớn của cuộc tổng tiến công, đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ2. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng trong nhiều năm trước đó, trong đó có kết quả xây dựng cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang ở các đô thị theo phương châm của Đảng: Đánh địch trên ba vùng chiến lược.

Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận thấy rằng ta không đủ sức để đánh bại cùng một lúc cả đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn để giành thắng lợi hoàn toàn, nên đã chủ trương chia thành hai "nhịp": đánh cho "Mỹ cút" rồi tiến tới đánh cho "ngụy nhào".

Và, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng những cú "đánh bồi" trong những đợt tiếp theo đã tạo nên một đòn đánh "đủ đô", đủ sức nặng làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, nhất là những chính khách trong phái "diều hâu", tạo ra bước ngoặt về chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để dẫn tới ký kết Hiệp định Pari năm 1973, thừa nhận "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã thực hiện được quyết tâm chiến lược "đánh cho Mỹ cút" một cách vẻ vang.

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước

 1. Danh sách 14 vị thuộc phái "diều hâu" đến họp gồm: Acheson, Goldberg, George Ball, Megxorge Bundy, Henry Cabot Lodge, Abe Fortas, Douglas Dillion, John J.Me Cloy, Robert Murphy, Maxwell Taylor, Omar Pnadly, Mathew Ridwaym, Rusk, Rostows; tất nhiên còn có Johnson, Wheeler và Clifford. Chỉ trừ có Bradley Murphy, Fortas và Taylor, còn lại tất cả đều muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam (Tổng thuật qua tài liệu của Mỹ của Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đôn Tự).

 2. Đến cuối năm 1967, quân và dân miền Nam phải đương đầu với 1,6 triệu quân Mỹ, đồng minh Mỹ và quân đội Sài Gòn (48 vạn lính Mỹ, 66 nghìn lính đồng minh, 998 nghìn lính quân đội Sài Gòn gồm cả chủ lực, bảo an dân vệ và cảnh sát vũ trang, trong đó, gần một nửa là quân chủ lực).

Nguồn: Báo Phú yên

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала