Thẩm định giá: Những chiêu “làm xiếc” với tài sản Nhà nước

© Ảnh : InfonetLuật sư Trương Trọng Nghĩa
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việc thẩm định giá (TĐG) tài sản là khâu vô cùng quan trọng trong các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, ấy thế mà người ta cứ "vô tư múa máy" để kiếm lời được nhiều nhất từ Nhà nước.

Thế nhưng, việc thẩm định không được thực hiện chính xác, sai quy chuẩn sẽ dẫn tới nguy cơ gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước, những sai phạm trong thẩm định giá AVG vừa được nêu trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy sự lỏng lẻo trong quá trình này.

Mobifone\avg - Sputnik Việt Nam
Điều gì xảy ra khi hủy hợp đồng MobiFone-AVG?

Từ định giá vô căn cứ tài sản DN

TĐG có vai trò rất quan trọng khi đó là khâu đưa ra giá trị xác thực nhất của tài sản, là giá trị mà ở đó người mua và người bán dễ dàng gặp nhau nhất. Đây không nhất thiết là giá giao dịch cuối cùng của tài sản, nhưng sẽ là căn cứ căn bản để hai bên thương thảo với nhau. Chính vì thế, tính khách quan là yếu tố quan trọng trong việc thuê TĐG nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.

Tuy nhiên, trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Mobifone đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu khi chuyển file hồ sơ yêu cầu (HSYC) cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) trước khi phát hành HSYC. Việc làm này vi phạm hành vi bị cấm, quy định tại điểm a, Khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Đồng thời, doanh nghiệp này còn cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, vi phạm hành vi bị cấm, quy định tại điểm b, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Sau đó VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC), Công ty TNHH Định giá Hà Nội — TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của cả hai đơn vị này, theo TTCP, đều không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Cụ thể, AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31-3-2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra, khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG.

MobiFone và AVG - Sputnik Việt Nam
Vụ AVG "lùm xùm và nhạy cảm": Phải báo cáo lên Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ
Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy. Tương tự, giá trị AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời điểm 31-3-2015 là 18.519,9 tỷ đồng cũng được đánh giá là không có cơ sở.

Chưa hết, kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) do MobiFone thuê tại thời điểm 31-3-2015 cũng vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Theo đó, đơn vị này đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31-3-2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy nhưng đã được Mobifone sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần.

Việc lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), Mobilfone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 3 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Mặc dù kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá; giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng, nhất là về cơ sở, tính khả thi của nguồn số liệu kế hoạch giai đoạn 2015 — 2020 của AVG mà đơn vị tư vấn đã sử dụng để xác định giá trị AVG; đáng chú ý là AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính "giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán",… nhưng Mobifone đã nghiệm thu kết quả TĐG. Thậm chí, còn nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định giá này là "tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam".

Khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng, gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng.

AMAX cũng đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định "Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng". Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31-3-2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng.

Đến đại hạ giá "đất vàng" của Nhà nước

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Sputnik Việt Nam
Liệu Hà Nội có dũng cảm thu dự án đại gia ôm đất vàng?
Hai khu đất "vàng" tại TP.HCM do Bộ Tài nguyên và Môi trường TNMT) quản lý đã được mang ra bán trong năm 2013 và 2015 lộ rõ nhiều sai phạm, có dấu hiệu tiêu cực (Báo CATP đã có nhiều loạt bài điều tra). Đó là nhà đất số 8A Mạc Đĩnh Chi (MĐC), Q.1, thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (KTTVKVNB) và số 42 MĐC, Q.1, sử dụng làm trụ sở Cơ quan đại diện Bộ TNMT tại TP.HCM.

Hai khu đất "vàng" trên đều có giá trị hơn 100 tỷ đồng, lẽ ra Bộ TNMT và Bộ Tài chính cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Khi được chấp thuận, lãnh đạo hai bộ này làm việc, thống nhất với UBND TPHCM giao cho các Sở (TNMT, Tài chính, Tư pháp…) tiến hành các thủ tục bán đấu giá (BĐG) công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, thông báo rộng rãi cho nhiều doanh nghiệp bất động sản biết để cùng tham gia, nhằm thu về cho ngân sách số tiền cao nhất.

Đằng này, Bộ TNMT giao cho Đài KTTV khu vực Nam bộ và Văn phòng Bộ TNMT thực hiện, trong khi hai đơn vị hoàn toàn không có chức năng bán, chuyển nhượng đất.

Liên quan đến nhà đất số 8A MĐC (gồm đất 1.282m2 và nhà gần 2.000m2), ngày 20-11-2012, Giám đốc (GĐ) Đài KTTVKVNB ký quyết định (QĐ) "chỉ định thầu", giao Công ty SIAC thực hiện việc thẩm định giá. Việc "chỉ định thầu" là không đúng quy định pháp luật, đây là tài sản nhà nước có giá trị rất lớn, cần phải thông báo để nhiều đơn vị có chức năng tham gia, đưa ra giá thẩm định sát với giá thị trường nhất.

© Ảnh : Thiên Long/Báo Công AnCông ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX ở khu Miếu Nổi, P2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX ở khu Miếu Nổi, P2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. - Sputnik Việt Nam
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX ở khu Miếu Nổi, P2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Ngày 27-2-2013, SIAC có chứng thư xác định, nhà đất 8A MĐC có giá 144,456 tỷ đồng; trong đó, đất là 140,507 tỷ (109,6 triệu đồng/m2) và nhà 3,949 tỷ. Nhiều chuyên giá bất động sản khẳng định, đây là khu đất "kim cương" ở trung tâm TP.HCM, giá 109,6 triệu đống/m2 quá thấp so với thực tế chuyển nhượng tại thời điểm đầu năm 2013.

Ngày 22-5-2013, Bộ TNMT mới ký văn bản chỉ đạo BĐG nhà đất 8A MĐC nhưng Công ty cổ phần BĐG Lam Sơn (Q.Tân Phú, TPHCM) đã biết trước đó 9 ngày! Ngày 13-5-2013, Công ty Lam Sơn có văn bản gửi Đài KTTVKVNB, "mong được hợp tác để tổ chức BĐG tài sản trên" (?!). Và rồi Lam Sơn vượt qua mặt hai đơn vị khác (trong đó có Trung tâm Dịch vụ BĐG tài sản thuộc Sở Tư pháp TP.HCM), trúng thầu với mức phí được "đại hạ giá", còn 87 triệu đồng, chỉ bằng 50% so với quy định.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ BĐG có văn bản khẳng định việc Lam Sơn chào phí BĐG rẻ là vi phạm Pháp lệnh phí và lệ phí. Tuy nhiên, GĐ Đài KTTVKVNB vẫn quyết để công ty tư nhân này trúng thầu. Khu đất "vàng" hàng trăm tỷ đồng giữa trung tâm Sài Gòn nhưng Phó GĐ Công ty Lam Sơn Nguyễn Chí Hiếu mang ra tận Hà Nội, thông báo bán đấu giá trên 1 tờ báo với vài dòng ngắn gọn, chữ nhỏ xíu như muốn càng ít người biết càng tốt (?!). Do rao bán "bí mật" nên chỉ có hai khách hàng nộp hồ sơ (?!).

Dù Báo CATP có bài phản ánh, chỉ ra nhiều bất thường nhưng việc BĐG vẫn diễn ra vào ngày 22-7-2013. Do giá khởi điểm "bèo" nên DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (trụ sở P. Him Lam, TP Điện Biên) của "đại gia Mường Thanh" Lê Thanh Thản bung ra 238,12 tỷ để trúng đấu giá.

Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) - Sputnik Việt Nam
Ai tiếp tay để Vũ "nhôm" thành Mafia đất vàng Đà Nẵng?
Theo một chuyên gia bất động sản ở TP.HCM, có sự chênh lệch số tiền khủng gần 94 tỷ đồng so với giá khởi điểm, một phần do tác động từ phản ánh của Báo CATP. Tuy nhiên, giá 238,12 tỷ vẫn còn quá thấp so với thị trường thời điểm đó; nếu được thông báo bán rộng rãi, nhất là tại TPHCM, số tiền thu được cho nhà nước chắc chắn còn cao hơn rất nhiều. Việc Lam Sơn được "chọn măt gửi vàng" rồi ra tận Hà Nội thông báo BĐG để một doanh nghiệp ở tận Điện Biên trúng khu đất "vàng" rõ ràng là có "vấn đề".

Liên qua đến nhà đất 42 MĐC (gồm đất 1.107,9m2 và tòa nhà 5 tầng), theo nhiều cán bộ ngành TNMT, việc BĐG còn "bí mật" hơn cả nhà đất 8A MĐC (!). Chỉ đến khi Bộ TNMT có công văn ngày 26-2-2015 xác định đã hoàn tất việc chuyển nhượng một số cơ sở nhà đất tại TP.HCM thì họ mới biết nhà đất 42 MĐC đã được mang ra bán, thu hơn 100 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia bất động sản, chưa kể tài sản trên đất, chỉ riêng 1.107,9m2 đất mặt tiền đường MĐC, Q.1 nhưng chỉ bán được hơn 100 tỷ đồng, chưa bằng ½ so với giá thị trường thời điểm năm 2015.

© Ảnh : Văn Cương/Báo Công AnTheo các chuyên gia, nhà đất số 42 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM đã bán với giá không tương xứng với giá thị trường.
Theo các chuyên gia, nhà đất số 42 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM đã bán với giá không tương xứng với giá thị trường.  - Sputnik Việt Nam
Theo các chuyên gia, nhà đất số 42 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM đã bán với giá không tương xứng với giá thị trường.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc BĐG nhà đất 42 MĐC. Đơn vị đứng ra tổ chức BĐG là Công ty cổ phần đấu giá Thành An (Công ty Thành An), trụ sở chính đặt tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội; chi nhánh Miền Nam ở Bến Vân Đồn, P1Q4, TP.HCM.

Trong việc BĐG nhà đất 42 MĐC, cơ quan chức năng phát hiện Thành An với Văn phòng Bộ TNMT (chủ đại diện tài sản nhà nước) đã tùy tiện đưa ra một số quy định trong quy chế BĐG tài sản trái pháp luật; không tiến hành niêm yết công khai nơi có tài sản bán đấu giá. Nghiêm trọng hơn, hai khách hàng tham gia đấu giá đã thông đồng với Thành An trong quá trình tổ chức BĐG, nhằm dìm giá, gây thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước…

Những sai phạm trong TĐG tài sản ở thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đã được TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật đối với các công ty tư vấn, các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định giá trị AVG, tư vấn mua cổ phần AVG. Việc xử lý lỗi của cán bộ theo hướng hình sự hay dân sự còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên đó là việc xử lý khi các sai phạm đã xảy ra, còn yêu cầu ngăn lỗ hổng trong quá trình TĐG vẫn đòi hỏi những cơ chế chặt chẽ hơn trước khi các sai phạm kịp xảy ra.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Định giá là khâu then chốt của mọi giao dịch có giá trị bằng tiền

Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam
Tòa nhà cao thứ 4 Việt Nam trên "đất vàng" Sài Gòn vừa bị phát hiện nhiều sai phạm
Trong kinh tế thị trường, rất nhiều hành vi và giao dịch dựa vào tiền và xác định giá trị bằng tiền; tiền là phương tiện, thậm chí đóng vai trò trung tâm trong rất nhiều quan hệ xã hội. GDP, đầu tư công, đầu tư tư, lợi nhuận, thuế, môi trường, phúc lợi xã hội… đều được đo đếm và đánh giá — nghĩa là định giá — bằng tiền, hoặc quy ra tiền. Tiền không phải là thước đo của mọi giá trị xã hội, nhưng nó cũng có thể và không ít khi được dùng để định lượng cả những giá trị phi vật chất, như tổn hại tinh thần, nhân phẩm, khen thưởng người có công, đánh giá năng lực cán bộ…

Chính vì vậy, định giá là khâu then chốt của mọi hành vi và giao dịch có giá trị bằng tiền. Định giá, hay chính xác hơn là thẩm định giá trị của hàng hóa, tài sản, dự án, doanh nghiệp… là một ngành chuyên môn được đào tạo rất chuyên sâu và quản lý bằng khung pháp lý chặt chẽ.

Ở Việt Nam, ngành thẩm định giá trị còn mới mẻ cả về đào tạo, hành nghề và quản lý, nên có nhiều lỗ hổng, thiếu sót khiến cho việc định giá và thẩm định giá trị chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và quản lý nhà nước. Từ đó, những nhà kinh doanh xấu, những công chức tham nhũng đã lợi dụng, khai thác tình trạng này để trục lợi, chủ yếu là trên tài sản nhà nước, tài sản công dân gửi hay thế chấp tại các ngân hàng và trốn thuế, thông qua việc thẩm định giá không đúng sự thật.

Định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa thì quá thấp, lập chi phí đầu tư công hay mua sắm tài sản công thì kê lên quá cao, khai giá trị tài sản hay thu nhập để đóng thuế thì luôn thiếu, định giá tài sản thế chấp hay đánh giá năng lực của doanh nghiệp sân sau để cho vay hay cấp vốn thì thổi phồng lên…

Còn bao nhiêu biến tướng khác trong việc thẩm định giá méo mó, sai sự thật để trục lợi bất chính. Tình trạng này đã làm lãng phí, thất thoát biết bao tài sản của nhà nước, của xã hội và của người dân lương thiện. Không chỉ các bên liên quan trực tiếp, những người thực hiện việc thẩm định giá, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư sai trên thực tế đã tiếp tay cho các cho các hành vi hay ý đồ trục lợi bất chính, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước và công dân.

Do những bất cập khách quan và khuyết điểm chủ quan, việc phát hiện các hành vi sai trái hay phạm pháp trrong việc định giá sai sự thật để trục lợi bất chính chưa kịp thời, khi vụ việc đổ bể thì mới nhận biết và xử lý, do đó đã quá trễ, thậm chí bế tắc không thể khắc phục. Cũng có nghĩa là còn rất nhiều vi phạm chưa bị phát hiện.

Ngay cả khi phát hiện, trong nhiều vụ việc rất khó chứng minh các thủ đoạn, cũng như tìm kiếm những chứng cứ tham nhũng, do đó việc xử lý không thích đáng, không đủ sức răn đe. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì tình trạng này sẽ tiếp diễn, thậm chí tăng lên.

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục suốt hơn 20 năm qua. Nhờ hội nhập quốc tế, cơ cấu kinh tế cũng đa dạng và phức tạp, quy mô và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể so với 10, 15 năm trước. Vì vậy, nhu cầu thẩm định giá trị rất lớn, rất đa dạng.

Có rất nhiều nhu cầu thẩm định giá trị khác nhau đối với những đối tượng khác nhau của những chủ sở hữu khác nhau nhằm những mục đích khác nhau, nhưng rõ ràng việc đáp ứng nhu cầu đó đang rất bất cập.

Ví dụ rõ nhất là đối phó với tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ nhều năm nay, hay là tìm phương thức đánh thuế taxi công nghệ gần đây vẫn rất lúng túng. Rõ ràng là cần thiết phải có chính sách hỗ trợ việc đào tạo chuyên gia thẩm định giá trị giỏi và đạo đức tốt cho các yêu cầu đa dạng đó.

Việc ban hành các tiêu chuẩn, các quy định về quản lý nghề và công việc thẩm định giá là hết sức cấp bách. Phải tuyển dụng các chuyên gia thẩm định giá giỏi vào các cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật, muốn vậy phải điều chỉnh chính sách thu nhập cho họ, cũng như trang bị những phương tiện cần và đủ để đội ngũ này có thể hướng dẫn hoạt động thẩm định giá lành mạnh cho xã hội, đồng thời phản biện, phát hiện và xử lý kịp thời, phù hợp các trường hợp vi phạm. Những vụ việc đã phát hiện thì phải xử lý nghiêm, sa thải hoặc cấm hành nghề, và truy cứu trách nhiệm dân sự và hình sự theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Báo Công An

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала