Chị nông dân Việt biến rau củ bỏ đi thành nước rửa chén, lau nhà... và tưới cây

CC0 / balog / rửa chén
rửa chén - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Mô hình chuyển đổi rác thải hữu cơ thành nước rửa chén, nước lau sàn… thân thiện môi trường do chị Trịnh Thị Hồng (52 tuổi) - một nông dân nghèo tại Đà Nẵng sáng chế - đã tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình nghèo tại địa phương.

Rèn đời từ những gian truân

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở ven biển Liên Chiểu, Đà Nẵng, lại mồ côi từ nhỏ nên chị Trịnh Thị Hồng không có điều kiện học hành như bạn bè cùng trang lứa. Bỏ dở việc học khi mới lớp 5 để mưu sinh nhưng chưa bao giờ chị thôi khao khát với con đường học tập.

Vì vậy, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn và xoay sở đủ nghề để kiếm sống nhưng chị vẫn duy trì việc học bổ túc. Bên cạnh đó, người phụ nữ này cũng tất tích cực với các hoạt động của tổ dân phố, hoạt động xã hội, thường xuyên tham gia giúp đỡ các gia đình khó khăn ở địa phương.

Chị Hồng bén duyên với sản phẩm nước tẩy rửa sinh học từ năm 2012, khi chị may mắn được nghe thuyết trình của đại diện Thái Lan về công nghệ lên men sinh học tạo chế phẩm từ rác thải hữu cơ tại chương trình tập huấn Phát triển công đồng nghèo châu Á.

© Ảnh : Nguyễn Huyền/MotthegioiChị Hồng và mô hình ứng lên men sinh học tận dụng rác thải hữu cơ
Chị Hồng và mô hình ứng lên men sinh học tận dụng rác thải hữu cơ - Sputnik Việt Nam
Chị Hồng và mô hình ứng lên men sinh học tận dụng rác thải hữu cơ

Tâm đắc với mô hình này, chị quyết tâm mang công nghệ này về nước, bắt tay nghiên để tạo ra sản phẩm tẩy rửa hữu ích, thân thiện với môi trường với giá thành rẻ hơn thị trường rất nhiều.

Chị Hồng cho biết, tài liệu thu thập từ buổi tập huấn còn sơ sài, nên phải tự mày mò, nghiên cứu, hoàn thiện các công đoạn. Từ việc như rửa, cắt nguyên liệu đến ủ và pha chế dung dịch tẩy rửa… đều cần phải tỉ mỉ và nghiên cứu.

Công thức cơ bản là 3kg rác thải thực vật kết hợp với 10 lít nước sạch và 300g đường ủ trong thùng nhựa đậy kín. Nguyên liệu đầu vào đơn giản là các loại rau củ quả, lá cây, hoa bỏ đi hay các loại rác thải thực vật khác được rửa sạch, cắt nhỏ.

"Người ta ăn rau thì có đoạn ăn được, phần không ăn được phải bỏ đi. Ở các chợ rác củ quả hoa, đặc biệt ngày rằm người ta bán không hết đáng nhẽ phải vứt đi, thì mình lấy về để làm. Tuy nhiên, bắt buộc phải là các gốc rau, củ quả mới bỏ đi, lá cây vừa rụng… chứ không được thối, hỏng vì khi lên men sẽ bị hỏng", chị Hồng nói.

Sau khi ủ trong thùng 30 ngày, từ 10 lít nguyên liệu đầu vào sẽ lọc được 2 lít dung dịch có màu vàng từ xác thực vật. Dung dịch thô này có thể đem sử dụng.

‘Có người nói tôi dở người'

Tuy nhiên thời điểm đó, sản phẩm có mùi rất khó chịu và ít bọt nên không đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng

Để khắc phục nhược điểm này, chị Hồng trộn dung dịch thô với dầu dừa, cam chanh để khử mùi và tạo bọt bằng bồ kết hay bồ hòn, tạo màu tự nhiên bằng tinh bột nghệ… Dung dịch thô ủ thêm với các chế phẩm thiên nhiên trong 45 ngày để ra nước rửa chén, nước lau nhà, nước giặt tiết kiệm xà phòng, tiết kiệm nước vì ít nhớt, nhờn, không hại da tay.

Thực hiện được những mẻ nước rửa chén đầu tiên, chị mang cho hàng xóm dùng thử, phổ biến quy trình sản xuất cho mọi người. Dần dần hàng xóm tin dùng sản phẩm của chị Hồng và giới thiệu cho người quen cùng sử dụng. Sản phẩm cũng được thành phố, báo đài quan tâm đến.

"Giai đoạn đầu mới thực hiện mô hình, tôi liên tục thất bại. Khi đó chưa có máy móc thì tôi cắt các chai nhựa, bông gòn để lọc đi lọc lại dung dịch nhiều lần. Khi đó nhiều người còn nói tôi dở người vì mang rác về nhà", chị Hồng chia sẻ.

Một điều nữa, chất lượng sản phẩm ban đầu còn chưa ổn định, nhiều lô hàng bị hỏng, bị trả lại, chủ yếu là do trong nước tẩy rửa xuất hiện trở lại các cặn thực vật. Lại thêm một thời gian nghiên cứu, rà soát, cuối cùng chị cũng khắc phục được hạn chế này.

Sản phẩm nước rửa chén, lau sàn hay nước giặt từ lên men thực vật cũng được kiểm định độ PH, vì dung dịch tẩy rửa phải có độ PH ổn định vừa đảm bảo tính năng tẩy rửa, vừa an toàn cho người sử dụng.

Đặc biệt, nước này sau khi dùng để lau dọn nhà cửa có thể tưới cho cây để tăng độ mùn của đất. "Rất thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe. Ở Thái Lan, công nghệ này đã tạo được cả dầu gội, sữa tắm hay nước rửa rau quả", người phụ nữ này hào hứng.

Dùng sản phẩm tạo thu nhập cho người nghèo

Đầu năm 2016, mô hình biến đổi rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa của chị Hồng được lựa chọn làm hạt giống cho Vườn ươm doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng.

Tham gia vườn ươm, chị Hồng chia sẻ mình có thêm nhiều lợi thế như "biết cách quản lý doanh nghiệp, quản lý rủi ro, kết nối với nhà đầu tư và biết sử dụng nhiều kênh để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng rộng rãi hơn".

Mô hình của chị là một trong tám mô hình khởi nghiệp nổi bật nhất của Vườn ươm doanh nghiệp, chị Hồng được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ nhiều trong việc tìm mua thiết bị, máy móc với giá rẻ, tạo điều kiện tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước. Đặc biệt là lần tham dự hội chợ ở Thụy Điển cũng khiến chị mở mang thêm rất nhiều.

Chị cũng được thành phố hỗ trợ để dễ dàng xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Mới đây, chị Hồng nhận được Bằng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nước tẩy rửa sinh học mang thương hiệu Minh Hồng.

© Ảnh : Nguyễn Huyền/MotthegioiNước tẩy rửa sinh học hiện đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước
Nước tẩy rửa sinh học hiện đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước - Sputnik Việt Nam
Nước tẩy rửa sinh học hiện đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước

Thành công bởi mô hình nước tẩy rửa sinh học, chị Hồng không giữ bí quyết riêng cho mình mà chia sẻ, phổ biến để giúp đỡ cộng đồng. Khu vực chị Hồng sinh sống tập trung nhiều lao động nghèo, có cả các khu nhà tập thể của những người phụ nữ không chồng.

Do đó, chị thường tổ chức các buổi giới thiệu, hướng dẫn cách thức lên men rác thực vật. Mỗi tháng trung bình chị nhận của mỗi hộ khoảng 2.000 lít dung dịch thô với giá 2.000 đồng/lít, tạo thêm thu nhập từ 4-5 triệu đồng mỗi hộ.

Quy trình sản xuất theo công nghệ sinh học của chị Hồng từng được một doanh nghiệp đưa ra giá 5 tỉ đồng để mua lại, nhưng chị kiên quyết từ chối. Mục đích của chị là muốn giữ công nghệ này để tạo thêm thu nhập cho người nghèo tại khu vực, vì cộng đồng.

Hiện tại, các sản phẩm nước tẩy rửa thương hiệu Minh Hồng đã có mặt trên thị trường, có đại lý bán hàng ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Chị Cẩm Linh ở phường Hòa Minh (Đà Nẵng) là hàng xóm của chị Hồng chia sẻ: "Giờ cả khu phố chị đều rửa bát, lau nhà bằng nước sinh học, không còn phải đeo bao tay khi giặt đồ nữa. Mong rằng cô Hồng sẽ ngày càng mở rộng sản xuất để tiếp tục giúp đỡ những người nghèo và bảo vệ môi trường".

Chị Hồng cũng tâm sự, với việc khởi nghiệp, bài toán tạo lợi nhuận còn nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào bao gồm máy móc, thuê xưởng, nhân công, bao bì, thu mua dung dịch… còn cao so với doanh thu bán hàng. Do đó, chị Trịnh Thị Hồng mong thời gian tới có thể tiếp tục học hỏi thêm, mở rộng sản xuất, đồng thời hạ được chi phí đầu vào nhưng vẫn giữ được chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Motthegioi

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала