Công tác cán bộ ở Việt Nam: Cần chấm dứt lối bổ nhiệm “thần tốc”

© Ảnh : XHÔng Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ.
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII dự kiến khai mạc ngày 7.5 tới sẽ bàn và thảo luận 3 đề án quan trọng và được người dân cả nước quan tâm là:

"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ"; "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội" và "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp".

Trong đó đề án: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ" được coi là trọng tâm. Cùng bàn về vấn đề này, ông Đỗ Văn Ân — nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ — đã có những trao đổi thẳng thắng với kỳ vọng, hội nghị sẽ có những giải pháp khắc phục "lỗ hổng" trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong thời gian qua.

Cán bộ không qua thực tiễn thì chỉ có lý thuyết suông

Ông Đỗ Văn Ân cho biết: Theo tôi, công tác cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, tức là yếu tố chốt của then chốt, Bác Hồ đã từng nói: "Cán bộ tốt thì việc gì cũng xong", bởi vì cán bộ là người quyết định tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và là tấm gương cho cấp dưới noi theo, học tập, vì vậy, ở tố chất của người cán bộ phải thật sự mô phạm thì mới có tác dụng. Việc rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đứng đầu phải được đặc biệt coi trọng.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình ở địa phương, từng nhiều năm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, theo tôi, muốn tuyển chọn được người tài giữ cương vị lãnh đạo các cấp, đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước thì người lãnh đạo phải rất công tâm, khách quan, phải vì lợi ích của nhân dân, đất nước mà tuyển chọn. Người lãnh đạo trong nhận xét, đánh giá cán bộ phải vì lợi ích của nhân dân, nếu vì lợi ích của một nhón người hay vì lợi ích của cá nhân thì nhìn nhận đánh giá cán bộ sẽ bị xiêu vẹo. Và từ việc đánh giá đúng năng lực của người cán bộ sẽ tuyển chọn và có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng về năng lực và trí tuệ. Đặc biệt là đào tạo cho người cán bộ đó về thực tiễn, bằng cách đưa người cán bộ đó về cơ sở để nắm bắt thực tiễn và được rèn luyện trong thực tế cùng với người dân thì mới trưởng thành được. Tôi cho rằng, vấn đề này rất quan trọng, nếu không qua thực tiễn thì cán bộ lãnh đạo chỉ có lý thuyết suông.

Như ông vừa nói, việc đưa cán bộ về cơ sở để đào tạo thực tiễn sẽ rất hiệu quả, trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam) chỉ hơn 1 năm luân chuyển giữ chức Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình (tháng 2.2014- 4.2015), đến tháng 9.2015, ông Bảo đã được bổ nhiệm giám đốc sở ở tuổi 30. Tuy nhiên, sau đó, việc bổ nhiệm "thần tốc" của ông Bảo bị phát hiện, xử lý. Vậy, theo ông, làm thế nào để việc luân chuyển cán bộ thật sự thực chất?

Tôi cho rằng, việc chọn cán bộ phải có quá trình và phải xác định rõ chủ trương đưa người cán bộ đi cơ sở là để đào tạo, rèn luyện, từ đó có bước đánh giá mức độ tiếp cận cơ sở, sáng kiến cống hiến, đóng góp tại cơ sở, còn nếu người cán bộ đó không có năng lực thì từng bước có giải pháp để bố trí công việc phù hợp và có biện pháp đào tạo người khác. Cho nên, khi luân chuyển cán bộ đi cơ sở thì cấp trên phải có biện pháp giám sát, theo dõi, khi cán bộ đó có dấu hiệu dùng quyền lực được giao để thu vén lợi ích cá nhân thì cấp trên phải kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở, nếu không sửa chữa thì bố trí công việc khác. Nhất quyết không thể để người đó tiếp tục giữ cương vị đó được. Nếu làm được điều đó thì sẽ ngăn chặn được tình trạng cán bộ lãnh đạo tha hóa, biến chất. Và từ việc người cán bộ được điều đi luân chuyển không có năng lực, nhưng vẫn được bố trí đi luân chuyển thì phải xem lại người giới thiệu, xem trách nhiệm của anh trong việc này như thế nào, có vi phạm, tư lợi gì không mà lại giới thiệu người cán bộ không có năng lực để làm lãnh đạo. Nếu quy trách nhiệm, gắn trách nhiệm cho người giới thiệu, bổ nhiệm, tôi tin rằng, sẽ hạn chế được tiêu cực, nếu không sẽ dẫn đến ào ạt cử đi cơ sở, thậm chí "chạy" để được luân chuyển thì rất nguy hiểm cho đất nước.

Quy trách nhiệm cho người giới thiệu cán bộ

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp cũng là đề án dự kiến sẽ được trình tại hội nghị Trung ương 7, khóa 12 tới đây, vậy, ông có kỳ vọng gì về bước đột phá của đề án này?

Tôi thấy rất mừng vì hội nghị này, Trung ương đã có cả 1 đề án về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Tôi cho rằng, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là chủ trương rất đúng, tôi hy vọng, qua hội nghị này, Trung ương sẽ có giải pháp, chủ trương đề ra những tiêu chuẩn chính xác và sát thực để làm sao thực sự lựa chọn được người tài cho đất nước, chứ không phải là chọn người nhà quan chức làm lãnh đạo. Nếu chọn được cán bộ có đức, có tài thì đất nước sẽ trường tồn, còn ngược lại thì đất nước sẽ tiêu vong. Qua đó, chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo "thần tốc" như trường hợp Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam); cũng như trường hợp thiếu cơ chế giám sát sau bổ nhiệm Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng), để lấy lại niềm tin của nhân dân về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Tức là phải có tiêu chí cụ thể và quy trách nhiệm rõ trong bổ nhiệm, không còn chỗ cho việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vì lợi ích cá nhân hay bổ nhiệm vì lợi ích nhóm, thưa ông?

Đúng vậy. Từ những vụ việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật vừa qua, tôi thấy rằng, việc bổ nhiệm đa phần xuất phát từ lợi ích cá nhân, theo kiểu "ông mất chân giò thì bà thò chai rượu", có nghĩa là, tôi giúp anh cái này thì anh giúp cho con tôi việc khác. Ở đây không phải là nể nang mà xuất phát từ lợi ích cá nhân trong công tác cán bộ, chứ không phải vì lợi ích chung của cả dân tộc. Tức là 1 ông bố sinh ra đứa con năng lực thế nào là họ biết rõ nhất, nhưng vẫn cố tình vì lợi ích cá nhân, nên nhắm mắt để tạo cho con mình có 1 vị trí nhất định. Trường hợp Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam), trường hợp Phạm Văn Kháng (Hải Dương) là như thế, nếu vì lợi ích cá nhân thì công tác cán bộ sẽ méo mó, làm dân mất niềm tin.

Tôi nghĩ rằng, hội nghị trung ương lần này sẽ làm rõ được trách nhiệm của người đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cũng như người giới thiệu, nếu để cán bộ hư hỏng thì người giới thiệu phải có trách nhiệm. Qua đó sẽ ngăn chặn được sự tha hóa trong cán bộ lãnh đạo trẻ.

Nguồn: Lao Động

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала