Phải chăng cái chết của các hiệp sĩ Sài Gòn thể hiện thất bại cần khắc phục của Nhà nước?

© Ảnh : Lê Trai/ZingHiện trường vụ trọng án gây rúng động dư luận ở TP.HCM.
Hiện trường vụ trọng án gây rúng động dư luận ở TP.HCM. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Báo Vietnamnet đăng bài thể hiện một góc nhìn của công dân – suy tư từ cái chết của những hiệp sĩ đường phố đến yêu cầu cải cách tư pháp.

Không ai phủ nhận rằng mỗi người đều phải có trách nhiệm để cuộc sống quanh mình tốt đẹp hơn. Nhưng trách nhiệm của mỗi công dân đều phụ thuộc vào sự tự nguyện và năng lực của họ.

Anh Nguyễn Hoàng Nam năm nay 29 tuổi, độ tuổi mà phần lớn đều bị gia đình giục giã chuyện an cư lạc nghiệp. Anh và bạn gái đã chọn ngày lành tháng tốt, chuẩn bị làm lễ cưới. Một chuyện tình đẹp sẽ có một cái kết đẹp, nếu như không có sự việc đau lòng vào tối Chủ nhật vừa qua. Anh Nam và cùng với hai người khác bị sát hại sau khi cố gắng bắt nhóm trộm xe máy ở đường phố Sài Gòn.

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Sputnik Việt Nam
Thiếu tướng Phan Anh Minh: "Các nhóm hiệp sĩ phải được quy hoạch để ổn định lâu dài"

Anh là thành viên của một nhóm hiệp sĩ đường phố, những thường dân tình nguyện tham gia bắt cướp. Đây là mô hình đã được tuyên dương ở TP. HCM, góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo trị an của đô thị lớn và phức tạp nhất cả nước. Nhưng đi cùng đó là những thiệt thòi, nguy hiểm mà những người tử tế như họ không đáng phải gánh chịu. Cái chết của hiệp sĩ trên đường Cách mạng Tháng 8 đem đến mất mát không thể bù đắp cho người thân, và cùng với đó, là nỗi thất vọng về sự nghiêm minh của pháp luật.

Nạn cướp giật ở TP. HCM không phải là vấn đề mới mẻ. Từ cả chục năm nay, năm nào lãnh đạo thành phố cũng coi giảm thiểu các vụ cướp giật là ưu tiên số một. Thế nhưng, tình hình chưa bao giờ được cải thiện, dù trên báo cáo con số có vẻ đẹp hơn sau mỗi năm. Không một ai có thể yên tâm cầm điện thoại gọi điện hay tìm Google trên đường phố Sài Gòn.

Vào năm ngoái, Tạp chí The Economist đã xếp TP. HCM đứng thứ 6 trong danh sách 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới, đứng thứ hai ở Đông Nam Á (chỉ thua Manila). So sánh với Hà Nội, thành phố này năm 2017 xảy ra 192 vụ, và không có vụ việc nào có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Ở TP. HCM, năm 2016 (số liệu mới nhất) có đến 888 vụ, và liên tiếp xảy ra những vụ án kinh hoàng như trường hợp vừa qua trên đường Cách mạng Tháng 8. Rõ ràng, để xảy ra tình trạng kéo dài như vậy, trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo và các cơ quan có liên quan của TP. HCM.

Quay trở lại câu chuyện của các hiệp sĩ. Không ai phủ nhận rằng mỗi người đều phải có trách nhiệm để cuộc sống quanh mình tốt đẹp hơn. Nhưng trách nhiệm của mỗi công dân đều phụ thuộc vào sự tự nguyện và năng lực của họ. Không thể bắt một nhân viên văn phòng phải hỗ trợ giúp cống thoát ngập mỗi khi trời mưa, cũng như bác lái xe ôm phải biết bắt cướp. Xã hội có phân công lao động, và cá nhân chỉ có thể làm tốt những gì đã có kinh nghiệm hoặc được đào tạo.

Hiện trường vụ án. - Sputnik Việt Nam
Về khả năng công nhận 2 hiệp sĩ tử nạn ở Sài Gòn là Liệt sĩ

Trong một xã hội pháp quyền, nhà nước là thể chế duy nhất được độc quyền bạo lực, dùng bạo lực để trấn áp tội phạm hay những hiểm hoạ liên quan đến an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Đại diện của nhà nước để sử dụng bạo lực khi cần thiết là quân đội và công an. Một xã hội mà người dân buộc phải tự bảo vệ mình trước cái xấu là một xã hội thất bại về mặt luật pháp. Một xã hội mà nhiều bên khác nhau được quyền hay cổ suý sử dụng bạo lực — dù với mục đích tốt hay xấu — là nơi dung dưỡng "luật rừng", thói vô pháp vô thiên, và tạo ra mầm mống cho hỗn loạn. Đó là điểm chung của kiếm khách trong truyện của Kim Dung, tung hoành ở những thời loạn lạc, và những tay buôn ma tuý có vũ khí gieo rắc nỗi kinh hoàng tại Trung và Nam Mỹ. Vì thế, khi để người dân — có hay không có vũ khí — đối diện với tội phạm, các cơ quan chức năng có liên quan nên tự thấy hổ thẹn.

Sau thảm kịch đau lòng trên, điều cần làm nhất là chấn chỉnh lại lực lượng công an, an ninh, vốn được nhận lương, thưởng để đảm bảo cho người dân thành phố được an toàn. Người dân có quyền chất vấn lực lượng này về năng lực và tinh thần làm việc, bởi họ chính là người trả lương thông qua thuế, lệ phí, và các khoản đóng góp. Xung quanh "tố cáo" của một người dân về việc nhờ công an viên tại hiện trường giúp đỡ và bị từ chối do "khác địa phận hành chính", cần phải xem xét thái độ "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của các cán bộ đó.

Cái chết của những hiệp sĩ Sài Gòn thể hiện hai thất bại lớn của nhà nước. Thất bại đầu tiên là việc khiến những hiệp sĩ áo vải lao ra đường: nhà nước đã không đảm bảo được an toàn tương đối cho công dân của mình khiến họ — không còn cách nào khác — phải tự hành động. Thất bại thứ hai là khi các hiệp sĩ ra đường: nhà nước không có chính sách nào để bảo vệ họ, những người nhận thay gánh nặng an ninh nhiều khi là quá sức với họ.

Các hiệp sĩ bị thương đang được điều trị tại bệnh viện - Sputnik Việt Nam
Đã bắt được 1 nghi can trong nhóm đâm chết 2 "hiệp sĩ" ở Sài Gòn

Nếu nhà nước nhận thấy việc phải có những hiệp sĩ đường phố, những người thông thuộc địa bàn và các đối tượng phức tạp ở địa phương, là cần thiết, thì phải sớm thể chế hoá hoạt động của họ. Có thể đặt họ trong một biên chế "lỏng" của cán bộ chuyên trách cấp cơ sở, có phụ cấp, đào tạo, và trang bị, đồng thời phải có cơ chế quản lý đầu vào đủ tốt. Hoặc cũng có thể đặt họ trong danh sách dự bị theo kiểu "ngụ binh ư nông" — chỉ kêu gọi tham gia khi có trường hợp khẩn cấp hoặc cần thiết. Đây là cách Mỹ thực hiện với Lực lượng Vệ binh Quốc gia (National Guard). Thứ ba, có thể sử dụng họ như bồ câu truyền tin: nắm bắt hoạt động gây án và báo cáo cho lực lượng hình sự theo đường dây nóng, thay vì trực tiếp tham gia xử lý.

Mô hình hiệp sĩ đã hoạt động ở Sài Gòn trong một thời gian dài, đủ dài để chính quyền đưa ra cách ứng xử phù hợp, chứ không phải lập lờ nước đôi như hiện tại: ngợi khen và ủng hộ khi họ có thành tích trấn áp tội phạm, và im lặng khi họ bị chỉ trích. Hành động như vậy là không công bằng với mồ hôi nước mắt của những người ròng rã trên đường phố để bảo vệ người dân, không công bằng với cả máu của những người đã ngã xuống.

Tôi tin rằng những kẻ thủ ác nhất định sẽ bị bắt và trừng trị nghiêm minh. Nhưng để cái chết của người tốt không uổng phí, chính quyền TP. HCM nên thực sự đánh giá lại nghiêm túc năng lực của cơ quan hành pháp địa phương và có những chấn chỉnh kịp thời.

Nguồn: Vietnamnet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала