Người Việt đổ vốn nhiều nhất vào "thiên đường thuế" Marshal Islands

Đăng ký
Về địa bàn, các nhà đầu tư Việt Nam đổ vốn nhiều nhất vào Marshall Islands (56,9 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký), Mỹ (56,5 triệu USD, chiếm 16,2%), Campuchia (56,5 triệu USD, chiếm 16,1%), Úc (48,2 triệu USD, chiếm 13,8%), Uganda (35 triệu USD, chiếm 10%).

Đầu tư ra nước ngoài giảm

Theo báo cáo tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2017 do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) vừa công bố, Việt Nam đầu tư sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 268,5 triệu USD (giảm 10% số dự án và 84% vốn đăng ký so với năm 2016. Tính tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trong năm 2017 là 350 triệu USD (giảm 64% so với năm 2016).

Về địa bàn đầu tư, Việt Nam đổ vốn nhiều nhất vào Marshall Islands (56,9 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký), Mỹ (56,5 triệu USD, chiếm 16,2%), Campuchia (56,5 triệu USD, chiếm 16,1%), Úc (48,2 triệu USD, chiếm 13,8%), Uganda (35 triệu USD, chiếm 10%).

Đáng nói, năm 2017 số vốn đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất lại thuộc về Marshall Islands — một quần đảo nằm trong danh sách "đen", bị cho là "thiên đường thuế".

Danh sách này gồm vùng lãnh thổ Samoa và Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, Bahrain, Barbados, Grenada, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), Quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad — Tobago, Tunisia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Các doanh nghiệp tập trung vào bất động sản (66,8 triệu USD chiếm 19,4% tổng vốn đăng ký), hoạt động dịch vụ chuyên ngành (62,7 triệu USD, chiếm 17,9%), thương mại (50,8 triệu USD, chiếm 14,5%), tài chính-ngân hàng (36,3 triệu USD, chiếm 10,4%), khai khoáng (35,8 triệu USD, chiếm 10,2%).

Theo báo cáo của các nhà đầu tư, tổng vốn chuyển ra nước ngoài trong năm 2017 để thực hiện các hoạt động đầu tư là 359,6 triệu USD, giảm 34% so với năm 2016.

Vốn chuyển ra nước ngoài lũy kế hết 2017 là khoảng 7,51 tỉ USD. Lao động Việt Nam đưa ra nước ngoài hết năm 2017 là 5.031 người. Tổng số tiền đã chuyển về nước hết 2017 là 1,8 tỉ USD, bao gồm lợi nhuận/lãi được chia đã chuyển về nước lũy kết hết 2017 là 966,9 triệu USD, vốn thu hồi là 841,1 triệu USD. Lợi nhuận lũy kế giữ lại chưa chuyển về nước/để tái đầu tư là 249,5 triệu USD.

Vốn tư nhân tăng mạnh, vốn nhà nước thu hẹp

Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét đầu tư ra nước ngoài năm 2017 tiếp nối xu hướng của hai năm gần đây là không biến động nhiều về mặt số lượng dự án nhưng giảm mạnh về quy mô vốn đầu tư; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ít dần; đầu tư của doanh nghiệp phi nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp FDI đều có xu hướng tăng; địa bàn đầu tư cũng như lĩnh vực đầu tư có sự chuyển dịch, cụ thể:

Về địa bàn đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang bắt đầu dịch khỏi hai thị trường truyền thống là Lào và Campuchia. Hai địa bàn Úc và Myanmar ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư từ Việt Nam với quy mô vốn nhỏ. Các thị trường như Singapore và Mỹ vẫn duy trì là các thị trường có số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài cao.

Về lĩnh vực, các dự án tập trung nhiều nhất vào buôn bán thương mại, xuất nhập khẩu, tiếp theo là hoạt động dịch vụ các loại (xây dựng, vận tải, nhà hàng, quảng cáo, du lịch). Hoạt động kinh doanh bất động sản (chủ yếu là môi giới bất động sản, ngoài ra còn có kinh doanh trung tâm thương mại, đầu tư phát triển bất động sản) cũng xuất hiện nhiều.

Hầu hết các dự án đều không sử dụng vốn nhà nước (chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Viễn thông quân đội đầu tư sang Nga, còn lại là 2 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí tham gia đầu tư ra nước ngoài), còn lại là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp FDI. Số lượng các dự án có nhà đầu tư là cá nhân cũng khá lớn, chiếm khoảng 1/3 số dự án cấp mới.

Quy mô vốn của các dự án thường là nhỏ từ vài chục ngàn đến vài triệu USD; trừ các dự án khai khoáng, trồng cây công nghiệp, phát triển bất động sản (có vốn từ 12-35 triệu USD).

Tình hình tự động chấp hành chế độ thông báo thực hiện dự án và báo cáo tình hình thực hiện dự án hằng quý của nhà đầu tư có cải thiện so với các năm trước.

Theo cơ quan này, riêng đối với xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ vốn nhà nước sang vốn tư nhân thì đây là sự thay đổi phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế và nhận thức ngày càng tăng của xã hội về kênh đầu tư ra nước ngoài; làm giảm rủi ro đối với việc sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư thực hiện đầu tư ra nước ngoài là doanh nghiệp nhà nước/có vốn nhà nước. Một số hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư này chưa thật sự hiệu quả, phát sinh khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nguy cơ không bảo toàn được vốn nhà nước.

Nhiều hoạt động đầu tư chậm triển khai, tạm ngừng, dừng hoạt động do khó khăn về vốn, kinh nghiệm và các yếu tố khách quan và các yếu tố thuộc môi trường nước đầu tư.

Ngoài các vấn đề nêu trên và không tính đến yếu tố chính trị, an ninh quốc phòng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa thể hiện dấu hiệu tác động/ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế — xã hội trong nước (bao gồm cả các vấn đề: cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, vốn đầu tư trong nước, thị trường, giá cả sản phẩm…).

Năm 2018, cơ quan này dự kiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ đạt 300 triệu USD vốn đăng ký; vốn chuyển ra nước ngoài năm 2018 dự kiến là khoảng 400 triệu USD.

Nguồn: Motthegioi

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала