Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Biển Đông: TQ tham vọng kép, Mỹ cần hành động khẩn?

© REUTERS / US NAVYCarl Vinson
Carl Vinson - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Các chuyên gia nhận định, Mỹ cần khẩn cấp tính đến một chiến lược hàng hải nghiêm túc nhằm chống lại cuộc xung đột vùng xám và tăng cường hợp tác liên cơ quan với các đồng minh trong khu vực, vietnamnet đưa tin.

Việc Trung Quốc xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ trên các đảo chiếm đóng trái phép tại Biển Đông cho thấy rõ tham vọng kép của nước này. Đó là củng cố yêu sách lãnh thổ mở rộng và chứng tỏ năng lực quân sự ngày một lớn mạnh của mình, vươn tới tận chuỗi đảo thứ hai và xa hơn thế.

Hành động cho máy bay ném bom tầm xa H-6K hạ cánh xuống tiền đồn lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa có thể là "điềm báo" cho các động thái tương tự tại đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Quá trình Trung Quốc củng cố các tiền đồn trên Biển Đông vừa là một hệ quả, vừa là phương tiện cho các thách thức được gọi là "vùng xám" đối với trật tự hiện nay. Bắc Kinh tìm cách thay đổi nguyên trạng thông qua các hành vi gia cố, triển khai các lực lượng quân sự, bán quân sự, và dọa nạt — nhưng chưa đến mức để xảy ra xung đột.

Mỹ đang theo đuổi một số nỗ lực nhằm chống lại thái độ hiếu chiến của Trung Quốc — gọi tên và lên án các hành động xác quyết đơn phương của nước này, tăng cường các năng lực của đồng minh và đối tác, và tiến hành thêm nhiều chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), kể cả gần quần đảo Hoàng Sa. Mỹ đã rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018, với lý do các hành động của Trung Quốc hủy hoại an ninh khu vực, sự minh bạch và tự do trên biển.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực nói trên, vẫn còn một số lĩnh vực Mỹ vẫn chưa đưa ra đề xuất trong chiến lược hàng hải của mình.

Mục tiêu thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh là nhằm mở rộng tầm kiểm soát đối với các vùng kinh tế sống còn tại Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương. Biển Đông là một hải trình quan trọng với Trung Quốc. Vùng biển nửa kín này tạo ra một thách thức chống xâm nhập/tiếp cận khu vực (A2/AD) đối với Trung Quốc tại cả chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, do các điểm nút hẹp hiện nay đang bị giám sát bởi sự hiện diện trên biển của Mỹ và các nước đồng minh.

Nhiều trong số các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền nằm trong khu vực trọng yếu này, và việc Bắc Kinh quân sự hóa nơi này đã biến các khu vực vốn trước đây dễ bị tổn thương thành các vùng kiểm soát nhằm "cấm cửa" các lực lượng của Mỹ và đồng minh.

Binh lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễn tập nhảy qua vòng lửa tại căn cứ Hải quân ở Hồng Kông - Sputnik Việt Nam
Mục đích của Trung Quốc khi thừa nhận quân sự hóa Biển Đông

Trong khi Trung Quốc tiếp tục củng cố các yêu sách đối với chuỗi đảo thứ nhất, họ tiếp tục mở rộng tới chuỗi đảo thứ hai, tìm cách lật đổ cán cân quyền lực tại Biển Đông với một loạt năng lực tổng hợp chống hạm và chống không tăng cường. Các đảo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp hiện còn có khả năng đặt các loại tên lửa hạm đối không HQ-9B và tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B, cũng như radar và các thiết bị chặn sóng vô tuyến.

Việc triển khai các khí tài này tạo cho Trung Quốc năng lực hỗn hợp nhằm thể hiện sức mạnh và thách thức đối thủ ở khoảng cách hàng trăm dặm trên Thái Bình Dương, vươn tới tận đảo Guam, một vùng lãnh thổ quan trọng và là tiền đồn quân sự chiến lược của Mỹ. Các chuyên gia nhận định, Mỹ cần khẩn cấp tính đến một chiến lược hàng hải nghiêm túc nhằm chống lại cuộc xung đột vùng xám và tăng cường hợp tác liên cơ quan với các đồng minh trong khu vực.

Theo đó, trước tiên, Mỹ cần mở rộng năng lực áp đặt mức phạt đối với những vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực khu vực và quy định trong và ngoài Biển Đông. Trung Quốc vươn xa như vậy cho thấy đã không có mức phạt đủ nghiêm khắc chống lại chiến lược "lát cắt salami" hiện đang được tăng cường của họ.

Thứ hai, các chuyên gia chỉ ra, Mỹ cần nỗ lực gấp đôi, cả ở quy mô quốc gia và trong sự phối hợp với các nước khác có cùng chí hướng, nhằm cải thiện một nhóm Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương có chung ý thức về hàng hải. Cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough năm 2012 lẽ ra đã được ngăn ngừa nếu Manila được thông tin tốt hơn về tương quan lực lượng trong khu vực.

Mỹ nên kiến tạo một nỗ lực phối hợp nhằm tổ chức các "cổ đông" của mình hướng tới cải thiện ý thức về hàng hải. Washington cần phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng — vũ trang, bảo vệ bờ biển, thực thi luật pháp — với dân thường và các thực thể thương mại tham gia lĩnh vực vận tải biển tự do và cởi mở.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chính cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã đóng góp vào việc LHQ thông qua Nghị quyết về việc trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, dân tộc thuộc địa - Sputnik Việt Nam
Việt Nam quan ngại về các hoạt động quân sự hóa Biển Đông

Các cuộc diễn tập hỗn hợp bảo vệ bờ biển trong khu vực, được ủng hộ bởi các nước có các hạm đội lớn như Nhật Bản và Australia, cũng có thể cải thiện việc thực thi các chuẩn mực hàng hải quốc tế. Hơn nữa, cũng cần đưa tất cả các bên tranh chấp tại Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, tham gia các cuộc tập trận này. Có nhiều tiềm năng khi phát triển hợp tác trong các hoạt động trên biển, như các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ thiên tai.

Thứ ba, Mỹ cần ủng hộ việc thiết lập một đội tàu đa quốc gia nhằm phát hiện các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Một mô hình liên minh hàng hải có thể là Lực lượng hỗn hợp đặc biệt 150 (CTF 150), một nhóm quốc tế tìm cách phá vỡ các chiến dịch khủng bố tại một số hải trình đông đúc nhất thế giới quanh Vịnh Aden và Biển Đỏ. Chỉ huy lực lượng này có thể luân phiên giữa một số nước Đông Nam Á.

Mục đích cao nhất của một lực lượng hàng hải mới này là tạo một bức tường thành chống lại tình trạng gia tăng quân sự hóa tại Biển Đông và các hành động phạm pháp khác. Hơn nữa, các nước bên ngoài Đông Nam Á phụ thuộc vào hải trình qua Biển Đông, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh…, cũng có thể tham gia các chiến dịch của lực lượng này.

Trung Quốc cũng được hoan nghênh nếu chấp nhận các quy định mà lực lượng đặt ra. Hơn nữa, lực lượng này có thể giúp thực thi Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) khi nó ra đời.

Cuối cùng, đã đến lúc ngăn Trung Quốc lập luận vô nghĩa rằng Bắc Kinh tuân thủ luật hàng hải quốc tế trong khi Washington chế giễu văn kiện này. Thực chất, Trung Quốc phê chuẩn Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) nhưng lại chỉ tuân thủ một cách có chọn lọc bằng việc ưu tiên luật quốc gia và đơn phương tuyên bố quyền lịch sử. Trong khi đó, Mỹ tôn trọng UNCLOS như một đạo luật ứng xử quốc tế, dù họ chưa bao giờ phê chuẩn văn kiện này.

Mỹ nên phê chuẩn UNCLOS qua đó gia tăng vai trò của Mỹ vào lúc mà nhiều người đặt câu hỏi về uy tín và quyền lực của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương.

Bốn bước trên chưa tạo nên một chiến lược Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương toàn diện. Nhưng kết hợp với nhau, chúng có thể là sự khởi đầu của một mạng lưới đối tác mạnh hơn và tạo ra phương tiện ngăn cản bất cứ quốc gia nào đơn phương đặt ra quy định cho thế giới.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала