Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018: Cách mạng 4.0 định nghĩa thành công của quốc gia

© Ảnh : TTXVNWEF ASEAN 2018
WEF ASEAN 2018 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam đề xuất 5 ưu tiên, cam kết tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nld cho biết.

Ngày 12-9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (TP Hà Nội). Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4", tại phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo đã có nhiều ý kiến đánh giá, nhận định về những thách thức, phát triển và hội nhập của các nước ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0.

ASEAN không đi sau

Hội nghị quan trọng này có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GS Klaus Schwab — người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong. Hội nghị cũng thu hút sự tham dự của khoảng 50 bộ trưởng và cấp tương đương của các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, giới học giả và truyền thống quốc tế.

​Phát biểu mở đầu phiên khai mạc, Chủ tịch WEF, ông Klaus Schwab, nhấn mạnh CMCN 4.0 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, cạnh tranh toàn cầu.

"20 năm tới sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay. Các quốc gia thành công từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ được "định nghĩa" lại bởi hệ thống doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp" — ông Klaus Schwab nhận định.

Để thành công trong cuộc cách mạng này, đòi hỏi các chính phủ ASEAN tạo ra những điều kiện phù hợp cho các công ty khởi nghiệp. Cuộc cách mạng sẽ xóa bỏ một số công việc nhưng cũng tạo ra cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa chính phủ và doanh nghiệp.

Ông Klaus Schwab khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này".

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định thế giới đang có nhiều chuyển đổi về công nghệ và có các công nghệ kết nối thế giới với nhau. Con người cũng sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động và mua bán, tăng cường mở rộng và tích hợp thị trường tốt hơn. ASEAN ở trong vị thế rất tốt để tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 này mang lại. ASEAN cần làm việc với nhiều đối tác quốc tế để xây dựng các hệ thống thương mại đa phương. Ông cũng cho rằng ASEAN đã xây dựng được các mối quan hệ, các đối tác lớn trên thế giới mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một điển hình.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN - Sputnik Việt Nam
Những thách thức của ASEAN và thành công của Việt Nam
Kết nối để cùng phát triển

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính công nghệ cao và nền kinh tế số mới là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới trên 200 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, những thách thức mà ASEAN phải đối mặt cũng rất lớn. Điều nhận thấy rõ là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Bằng chứng là theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% số việc làm của 5 nước ASEAN có khả năng chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot, do vậy có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống của các nước. Ngược lại, nhiều chuyên gia nói rằng nhiều sinh kế cho người dân sẽ được xuất phát từ cuộc cách mạng 4.0.

Từ thực tiễn trên, Thủ tướng đề xuất 5 ưu tiên: Kết nối số, chia sẻ dữ liệu; hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… cần phải hoạt động ở quy mô khu vực; thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo; tìm kiếm phát huy tài năng; hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.

Có thể thấy điểm xuyên suốt của những ưu tiên đó chính là sự kết nối. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại hội nghị này thông qua cấp bộ trưởng, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN. Nhắc đến thông tin ngay trong ngày khai mạc hội nghị quan trọng này, Go-Jerk của Indonesia và Go-Viet khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng CMCN 4.0, Thủ tướng nhấn mạnh điều đó hứa hẹn sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp trong tương lai.

Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với lãnh đạo một số tập đoàn toàn cầu về tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam và triển vọng hợp tác. Tại đối thoại này, Thủ tướng cam kết Việt Nam kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện căn bản và tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, quyết tâm xây dựng Chính phủ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện nghiêm túc cam kết WTO và các FTA đã có hiệu lực.

Lãnh đạo một số tập đoàn toàn cầu như Apple, Google, Standard Chartered, Facebook, General Electrics, Hitachi, Thaibev, Temasek, Novatis, Bloomberg… đều đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi và khẳng định cam kết đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала