Làm gì để có dấu ấn Việt Nam tại vùng Viễn Đông của nước Nga?

© SputnikÔng Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế Việt Nam tại Viễn Đông
Ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế Việt Nam tại Viễn Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Đông 2018 trên đảo Russkiy, nhà báo của Sputnik Vietnam đã có dịp thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với các cán bộ đại diện Ngoại giao và Thương vụ của Việt Nam tại vùng Vladivostok.

Ông Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam và ông Nguyễn Hồng Thành chuyên gia kinh tế-thương mại đã chia sẻ suy nghĩ về hướng hợp tác của Việt Nam với vùng Viễn Đông của nước Nga.

Trong kỳ EEF lần trước, đại diện chi nhánh Thương vụ Việt Nam đưa ra nhận xét rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho tiềm năng hợp tác của Viễn Đông Nga và Việt Nam chưa được khai thác và phát triển xứng đáng là thực trạng thiếu thông tin về nhau. Vậy về chuyện này đã có biến chuyển gì chăng trong 3 năm qua, và vai trò tham mưu tư vấn của cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga như thế nào để khắc phục tồn tại? Việt Nam nên làm gì để tạo dấu ấn ở Viễn Đông Nga, đẩy mạnh hợp tác theo hướng hoặc ngành nào để khai thác và phát huy thế mạnh của hai bên?

Trả lời những câu hỏi trên của Sputnik Vietnam, ông Huỳnh Minh Chính Tổng Lãnh sự CHXHCN Việt Nam tại Viễn Đông nhắc đến những thuận lợi nền tảng để phát triển liên hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Viễn Đông Nga.

© SputnikÔng Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông trước quầy thông tin của Sputnik trong EEF-2018.
Ông Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông trước quầy thông tin của Sputnik trong EEF-2018. - Sputnik Việt Nam
Ông Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông trước quầy thông tin của Sputnik trong EEF-2018.

Đó là quan hệ hữu nghị truyền thống được thử thách và tôi luyện trong quá trình Việt Nam đấu tranh vì độc lập thống nhất và xây dựng, là quy chế đối tác chiến lược của hai nước trong thời kỳ mới. Viễn Đông, cửa ngõ của nước Nga khá gần Việt Nam và có nhiều ân nghĩa với nhân dân ta trong thời kỳ Liên Xô giúp Việt Nam kháng chiến chống xâm lược. Một thuận lợi nữa là hiệp định FTA của Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Và cụ thể nhất là chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước Nga dành cho địa phương này với những ưu đãi về thuế, chế độ bảo hiểm, giảm nhẹ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi chào mời các nhà đầu tư. Ông Tổng Lãnh sự rất tâm đắc và hoàn toàn nhất trí với quan điểm mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu ra tại EEF-2018 là trong quan hệ của Việt Nam với Viễn Đông cần có chuyển biến mới, nâng lên tầm vóc mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Sputnik Việt Nam
Nga-ASEAN nhìn từ Vladivostok: Viễn Đông là điểm tựa, Việt Nam là cầu nối và chất xúc tác

Ông Nguyễn Hồng Thành phụ trách Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông cho biết:

"Đồng hành với sự tham gia của các phái đoàn Việt Nam vào những kỳ Diễn đàn Kinh tế Đông vừa qua, cơ quan đại diện ngoại giao và kinh tế của Việt Nam ở Viễn Đông đã chú trọng nhấn vào những điểm thuận lợi đó để đẩy mạnh liên hệ hợp tác thương mại-kinh tế Việt-Nga tại địa phương này. Dù nguồn lực cán bộ còn hạn chế Tổng Lãnh sự quán và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tham mưu tư vấn cung cấp thông tin về thị trường sở tại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước thông qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tham mưu và hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó các Bộ ngành trong nước cũng thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình để đóng góp thu được kết quả bước đầu rất khả quan".

Mặc dù giai đoạn này nước Nga đang trong hoàn cảnh khó khăn vì cấm vận kinh tế nhưng ba năm trở lại đây kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Viễn Đông đều tăng trưởng tốt khoảng 20-25%, từ 70 triệu USD đã lên tới 100 triệu USD trong năm 2017.

Hoạt động giao thương của Việt Nam tại vùng này bắt đầu khởi sắc. Phải kể đến trước hết là Triển lãm hàng Việt Nam tại Vladivostok lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2017, rồi chương trình kết nối kinh doanh Hải Phòng — Primorye, tổ chức nhiều hội thảo và toạ đàm trao đổi thông tin thị trường song phương. Tập đoàn VietJet Air có kế hoạch mở đường bay thẳng Vladivosstok-Nha Trang. Nếu có tuyến bay thẳng như vậy, giao lưu thương mại-kinh tế, du lịch, đầu tư của Việt Nam sang vùng Viễn Đông Nga sẽ thêm thuận lợi và cho những kết quả mới.

Đặc biệt nổi bật là mới đây tập đoàn "TH True Milk" đã hoàn tất thủ tục đầu tư vào Viễn Đông, dự kiến xây dựng tổ hợp trang trại nuôi bò và nhà máy chế biến sữa với tổng vốn đầu tư khoảng 270 triệu USD.

"Như vậy là đến năm 2017, Việt Nam không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư nước ngoài mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực công-nông nghiệp Viễn Đông, xứng đáng được Chính phủ Nga và chính quyền địa phương đánh giá cao. Trong dự án của "TH True Milk" có điểm đáng chú ý nữa là tạo ra 500 chỗ làm việc mới cho cư dân địa phương, điều chắc chắn có tác dụng củng cố thiện cảm và tình hữu nghị của Viễn Đông với Việt Nam", — ông Huỳnh Minh Chính nhận xét.

Đây là tín hiệu rõ nét cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm và có hoạt động để thâm nhập khai thác vùng Viễn Đông đầy tiềm năng của Liên bang Nga.

Ông Huỳnh Minh Chính thông báo, theo chủ trương của Nhà nước Nga về phát triển kinh tế vùng Liên bang Viễn Đông, địa phương hiện có nhu cầu lớn về nhân lực lao động. Nắm bắt tình hình này, cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại Việt Nam tại Viễn Đông đã cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tham vấn để Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam cử phái đoàn sang nghiên cứu thị trường và xúc tiến đàm phán để đưa lao động Việt Nam sang khu vực này làm việc. Như vậy, rất có cơ sở để chờ đợi sự khởi sắc tốt đẹp hơn nữa trong giao lưu kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Nga trên địa bàn vùng duyên hải Primorye này.  

Ông Nguyễn Hồng Thành nêu ý kiến:

"Qua Diễn đàn Kinh tế Đông-2018, thấy rõ là phía Nga rất quan tâm phát triển liên hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với các nước châu Á — Thái Bình Dương ở địa bàn vùng Liên bang Viễn Đông. Đây chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh. Chúng tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam ta cũng nên mau lẹ nghiên cứu nắm bắt cơ hội kinh doanh với Viễn Đông để không chậm chân so với các nước khác, nhất là các nước thuộc khối ASEAN mà Việt Nam là thành viên tích cực, trong khi phía Nga cũng coi đối tác chiến lược Việt Nam như cây cầu nối để hội nhập liên kết rộng hơn vào khối liên minh này".  

© SputnikÔng Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế Việt Nam tại Viễn Đông
Ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế Việt Nam tại Viễn Đông - Sputnik Việt Nam
Ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế Việt Nam tại Viễn Đông

Vị đại diện Thương mại của Việt Nam ở Viễn Đông trăn trở rằng để thực sự đáp ứng toàn bộ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, rất cần có sự phối hợp linh hoạt và chủ động của chính các chủ thể doanh nghiệp trong nước.

"Rất mong các doanh nghiệp thông báo cho biết nguyện vọng và khả năng, trong khi chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin cập nhật về cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Viễn Đông như tình hình thị trường lao động, thị trường bán lẻ, thị trường bất động sản, nguồn tài nguyên, nguồn nguyên liệu thuỷ sản và các sản phẩm nông nghiệp sở tại", — ông nói. 

Phải làm sao tận dụng triển khai hiệu quả FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu và chính sách ưu đãi của Nhà nước Nga với chủ thể Liên bang này, để thực thi những cam kết hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin mới thống nhất đầu tháng qua, góp phần nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam. Là đại diện của Việt Nam tại địa phương có tầm quan trọng chiến lược này của Liên bang Nga, mong muốn lớn nhất của Tổng Lãnh sự quán và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông là hỗ trợ mang lại hiệu quả thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh sản xuất tại Viễn Đông.

Ông Huỳnh Minh Chính và ông Nguyễn Hồng Thành đều tin tưởng rằng với những thành quả bước đầu có tính đột phá hiện nay, rồi đây sẽ có dấu ấn Việt Nam đậm nét trong nền kinh tế của khu vực Viễn Đông Nga.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала