Hành trình xây Nhà hát Opera Sydney không 'xuôi chèo mát mái' của Australia

© Flickr / Ed Saunders Sydney Opera
Sydney Opera - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Kiến trúc sư từ chức giữa chừng, đội giá và chậm tiến độ là những vấn đề Australia gặp phải khi xây Nhà hát Opera Sydney, theo vnexpress.net.

"Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ cách Nhà hát Opera Sydney được xây dựng. Hòn ngọc của cảng Sydney đã được tạo nên trong các tranh cãi", nhà địa lý kinh tế Đan Mạch Bent Flyvbjerg nhận xét.

Ý tưởng về một trung tâm biểu diễn nghệ thuật chuyên dụng ở Sydney đã được thảo luận trong nhiều thập niên, nhưng giữa những năm 1950, ý tưởng này mới nhận được đủ sự ủng hộ chính trị để trở thành hiện thực. Australia khi đó có nền kinh tế phát chiển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi lượng người nhập cư sau Thế chiến II. Họ là một quốc gia lạc quan tìm cách thể hiện giá trị của mình trên bản đồ thế giới.

Người nhiệt tình thúc đẩy ý tưởng xây nhà hát opera là nhà soạn nhạc người Anh Eugene Goossens, chuyển đến Sydney năm 1947 để chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của thành phố này. Eugene đã có 20 năm kinh nghiệm làm nhạc trưởng cho dàn nhạc tại Mỹ, chuyên biểu diễn trong các hội trường lớn. Vì vậy, Goossens cho rằng cần có một công trình quy mô hơn để thay thế Tòa thị chính Sydney, nơi dàn nhạc của ông biểu diễn và cũng là nơi đa phần sự kiện văn hóa của thành phố diễn ra.

Goossens cảm thấy rằng Australia cần có điều kiện tốt hơn để tôn vinh âm nhạc và phục vụ người dân. Tham vọng của ông là có một phòng hòa nhạc cho dàn nhạc giao hưởng với âm thanh hoàn hảo và 3.500 chỗ ngồi, một phòng biểu diễn opera và một hội trường nhỏ hơn cho nhạc thính phòng. "Ông không hiểu vì sao một thành phố lớn như Sydney, nơi người dân có tình yêu mạnh mẽ với âm nhạc, lại không có những thứ này", Sydney Morning Herald đưa tin vào thời điểm đó.

Joseph Cahill, người từng là công nhân đường sắt trước khi gia nhập chính trị và trở thành thủ hiến bang New South Wales năm 1952, cũng tin rằng tất cả mọi người, bất kể tầng lớp hay xuất thân, đều có quyền thưởng thức âm nhạc. Cahill hứa xây dựng nhà hát opera cho Sydney và triệu tập một hội nghị để lên ý tưởng vào năm 1954.

Úc, Sydney - Sputnik Việt Nam
Nhà hát 1.508 tỷ vì dân: Sao không lấy ý kiến dân?

"Bang không thể không có cơ sở thích hợp cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng và tổ chức các hình thức giải trí nghệ thuật cao cấp nhất, tăng thêm nét đẹp và niềm vui cho cuộc sống, giúp phát triển và tạo dựng một cộng đồng tốt hơn, có gu thưởng thức hơn", Cahill nói.

Cahill phát động cuộc thi thiết kế quốc tế vào ngày 13/9/1955 và nhận được 233 bài thi của các kiến trúc sư từ 32 quốc gia. Tiêu chí thiết kế là phải có sảnh lớn với 3.000 chỗ ngồi và một hội trường nhỏ hơn cho 1.200 người. Nhà hát có thể được sử dụng để trình diễn opera, nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng, cũng như tổ chức các buổi họp quy mô lớn, các buổi thuyết trình, biểu diễn múa ba lê.

Người chiến thắng được công bố vào năm 1957 là nhà thiết kế Đan Mạch Jørn Utzon. Thực tế, bản thiết kế của ông ban đầu bị loại nhưng sau đó được một giám khảo cho đỗ "vớt" và cuối cùng giành giải nhất.

Ban giám khảo đánh giá bản vẽ "đơn giản đến mức trông chỉ như sơ đồ" nhưng họ đề cao tính sáng tạo của Utzon. "Chúng tôi xem đi xem lại bản vẽ và tin rằng nó có khả năng trở thành một trong những tòa nhà vĩ đại nhất của thế giới", bản đánh giá có đoạn viết. "Vì tính độc đáo này, nó rõ ràng là một thiết kế gây tranh cãi. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục".

© Ảnh : NSWBản vẽ thiết kế nhà hát mà Jørn Utzon gửi dự thi.
Bản vẽ thiết kế nhà hát mà Jørn Utzon gửi dự thi. - Sputnik Việt Nam
Bản vẽ thiết kế nhà hát mà Jørn Utzon gửi dự thi.

Nhà hát bắt đầu được xây dựng vào tháng 3/1959 với ước tính chi phí 7 triệu đô Australia và dự kiến hoàn thành vào tháng 1/1963. Tòa nhà được xây dựng theo ba giai đoạn: phần nền bên dưới, mái nhà "vỏ sò" và nội thất, theo Cphpost.

Chính phủ Australia muốn khởi công sớm hơn vì lo sợ sự ủng hộ của công chúng và nguồn tài chính sẽ giảm theo thời gian, nhưng Utzon khi đó vẫn chưa hoàn thành thiết kế cuối cùng. Đến năm 1961, hai năm sau khi khởi công, dự án đã bị chậm tiến độ một năm, nguyên nhân chủ yếu là một số phần của công trình đã được xây trước khi thiết kế được hoàn thành nên gây ra rối loạn.

Thiết kế trải qua ít nhất 12 lần thay đổi từ năm 1957 đến năm 1963, chủ yếu là do độ khó của việc xây dựng những mái nhà "vỏ sò". Trong khi Utzon và nhóm của ông làm việc cùng nhau suôn sẻ trong giai đoạn đầu, họ gặp rắc rối với chính quyền vì không thỏa mãn kỳ vọng về tiến độ. Năm 1965, lãnh đạo đối lập Robert Askin được bầu làm thủ hiến mới của New South Wales và kiểm soát dự án này sát sao hơn so với chính quyền bang cũ.

Người mẫu trên nền Nhà hát Opera Sydney vào tuần lễ thời trang Úc - Sputnik Việt Nam
‘Quá nóng vội thông qua chủ trương đầu tư nhà hát 1.500 tỷ đồng'

Askin yêu cầu Utzon đưa ra con số chi phí cuối cùng và ngày hoàn thành dự án vì công trình đã trễ tiến độ vài năm và vượt ngân sách. Chịu nhiều áp lực vì chính quyền bang mới, Utzon quyết định không tiếp tục tham gia vào dự án. Vào thời điểm đó, giai đoạn hai đã gần hoàn thành.

Sydney Morning Herald đã mỉa mai việc chậm tiến độ của công trình: "Không có kiến trúc sư nào trên thế giới được hưởng quyền tự do lớn hơn ông Utzon. Rất ít khách hàng kiên nhẫn hay hào phóng hơn người dân và chính quyền New South Wales". Tờ này sau đó nói rằng không nên đổ lỗi cho bên nào nhưng việc quá cầu toàn đã khiến Utzon mất quá nhiều thời gian để xây dựng công trình.

Trong khi đó, nhiều người đã biểu tình và tuần hành khắp thành phố để kêu gọi Utzon quay lại dự án. Tuy nhiên, kiến trúc sư này đã đóng cửa văn phòng tại Sydney và rời khỏi đất nước trong năm đó, thề sẽ không quay lại Australia.

Người thay thế Utzon là kiến trúc sư người Australia Peter Hall. Ông đã tạo ra nhiều thay đổi lớn cho nội thất của nhà hát, chủ yếu về chỗ ngồi và kết cấu để cho chất lượng âm thanh tốt nhất.

Nhà hát được hoàn thành vào năm 1973, chậm tiến độ so với dự kiến đúng 10 năm, chi phí bị đội lên đến hơn 100 triệu đô Australia, gấp 14 lần so với ước tính ban đầu. Utzon không được mời đến dự lễ khánh thành công trình này.

Sau vài thập niên không liên lạc, ban quản lý nhà hát nối lại quan hệ với Utzon vào cuối những năm 1990 và bổ nhiệm ông làm nhà tư vấn cho việc bảo trì tòa nhà. Họ cũng mở một phòng có tên Utzon để tôn vinh ông. Mặc dù kiến trúc sư chưa tận mắt đến xem nhà hát opera hoàn chỉnh trước khi qua đời vào năm 2008, ông thể hiện niềm vui về mối quan hệ được nối lại.

"Việc tôi được nhắc đến một cách tuyệt vời như vậy mang lại cho tôi niềm vui và sự hài lòng lớn nhất", Utzon viết. "Tôi nghĩ rằng với kiến trúc sư thì không có niềm vui nào lớn hơn thế".

Nhà địa lý kinh tế Đan Mạch Bent Flyvbjerg nhấn mạnh nhà hát là niềm tự hào của Australia nhưng gọi nó là "một trong những ví dụ tồi tệ nhất về cách lên kế hoạch cho dự án lớn".

"Với chi phí bị đội lên và ảnh hưởng đối với sự nghiệp của một bậc thầy không thể chối cãi của kiến trúc thế kỷ 20, Sydney cho chúng ta một bài học về những gì không nên làm", Flyvbjerg nói, nhắc đến việc danh tiếng của Utzon bị ảnh hưởng vì phải bỏ việc giữa chừng.

Cảnh lô trong Nhà hát Bolshoi ở Matxcơva - Sputnik Việt Nam
Sao phải vội vã? Nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm và việc minh bạch với dân

Nhà hát Opera Sydney đã trở thành một trong những tài sản quốc gia quý giá nhất của Australia, giúp nước này kiếm được 775 triệu đô Australia một năm nhờ bán vé và thúc đẩy tham quan, du lịch.

"Chi phí xây dựng công trình là khoản tiền bỏ ra xứng đáng", nhà kinh tế Saul Eslake nói. Trong khi các nhà kinh tế thường được xem là "những chiếc máy tính khô khan", họ không phản đối chi tiền cho nghệ thuật vì việc đó có thể làm phong phú thêm đời sống văn hóa cũng như có lợi cho nền kinh tế, ông đánh giá.

Theo Flyvbjerg, điều quan trọng là các dự án lớn phải có quá trình lập kế hoạch chặt chẽ và mô hình sử dụng chi tiết. Tuy nhiên, điều khó khăn là những người đứng đầu dự án thường ước tính quá cao hiệu quả của công trình và ước tính quá thấp chi phí cơ sở hạ tầng, nhằm làm cho dự án hiện lên dễ chịu hơn trong mắt người dân. Ông cảnh báo cách đánh giá như vậy có thể dẫn đến những sự trì hoãn và rối loạn tài chính, khiến nhiều người lo ngại về dự án, giống như trường hợp của nhà hát Sydney.

Flyvbjerg đề xuất đưa ra quy định rằng những người chịu trách nhiệm các dự án công phải bị trừng phạt nếu công trình bị đội kinh phí hoặc mất quá nhiều thời gian để hoàn thành. "Phải có hình phạt thì họ mới được tin tưởng rằng sẽ sử dụng tiền của người đóng thuế một cách khôn ngoan", ông nói.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала