Cựu chủ tịch Ngân hàng MHB bị truy tố

© Ảnh : BizliveÔng Huỳnh Nam Dũng tại lễ ra mắt MHBS
Ông Huỳnh Nam Dũng tại lễ ra mắt MHBS - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, dàn lãnh đạo Ngân hàng MHB đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện hành vi trái luật, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, nld cho biết.

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long — MHB), Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng Giám đốc MHB), Bùi Thanh Hưng (nguyên Phó Tổng Giám đốc MHB), Lữ Thị Thanh Bình (Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán MHB — MHBS), Trương Thanh Liêm (nguyên Phó Giám đốc khối ngân hàng đầu tư) và 13 bị can khác về các tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Chỉ đạo để trục lợi

Theo cáo trạng mới nhất của VKSND Tối cao, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và động cơ vụ lợi, từ năm 2011 đến 2014, ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa đã thông qua việc họp hội đồng quản lý tài sản nợ — tài sản, có thống nhất chủ trương cho Sở Giao dịch MHB chuyển 4.975 tỉ đồng cho Công ty MHBS để hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ. Thực chất là MHBS đem số tiền này gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các chi nhánh MHB và mua bán trái phiếu Chính phủ của chính MHB.

Công ty MHBS đã sử dụng 3.357 tỉ đồng gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh trong hệ thống MHB hưởng lãi suất với tổng số tiền hơn 45 tỉ đồng.

Ngoài ra, dàn lãnh đạo MHB đã sử dụng 1.558 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, trong đó sử dụng 966 tỉ đồng ký các thỏa thuận hợp tác đầu tư môi giới mua bán trái phiếu Chính phủ trong chính MHB thông qua các công ty trung gian. Việc môi giới, mua bán trái phiếu Chính phủ quay vòng giữa MBH, MHBS và các công ty trung gian để các công ty này và MHBS được hưởng lợi dẫn đến MHB thiệt hại, đồng thời không có khả năng thanh toán 272 tỉ đồng tiền gốc. Tổng số tiền mà 2 hành vi này gây thiệt hại cho MHB là 349 tỉ đồng, trong đó Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Lữ Thị Thanh Bình là những người chịu trách nhiệm chính. Thông qua hành vi này, ông Dũng hưởng lợi 460 triệu đồng, những đồng phạm còn lại hưởng lợi từ 151 triệu đồng đến 930 triệu đồng.

Tự mua bán chứng khoán

Cũng trong thời gian này, Lữ Thị Thanh Bình đã chủ trương tận dụng giá mua bán chênh lệch trong ngày và giao dịch quay vòng giữa tài khoản tự doanh đã đăng ký và dùng tài khoản cá nhân để mua bán chứng khoán, tạo doanh thu cho MHBS.

Từ năm 2008 đến 2010, hội đồng đầu tư và ban tổng giám đốc MHBS đã họp, thống nhất mở tài khoản làm tài khoản tự doanh của MHBS để mua bán chứng khoán. Do đó, từ tháng 8-2008 đến tháng 12-2012, MHBS đã sử dụng nguồn vốn của công ty để giao dịch tự doanh trên 3 tài khoản, gây thiệt hại cho MHB 65,4 tỉ đồng. Thông qua hoạt động tự doanh này, bà Bình hưởng lợi 58 triệu đồng, những người khác hưởng lợi từ 14 triệu đồng đến 47 triệu đồng.

Theo kết luận của VKSND Tối cao, do MHB sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nên nguyên đơn dân sự trong vụ án này là BIDV. Tổng số tiền thiệt hại trong vụ án này là 414,7 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ gần 2,5 tỉ đồng do các bị can hưởng lợi cá nhân trong vụ án tự nguyện nộp lại. Hiện số tiền này Bộ Công an đã chuyển đến Cục Thi hành án dân sự TP HCM để thu hồi tài sản cho nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала