ĐBQH 'bức xúc' việc coi ngân sách như tiền chùa, chi tiêu vô tội vạ

© Ảnh : Nguyễn Dân - TTXVNQuang cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ngày 29/10, thảo luận về dự toán phân bổ ngân sách Nhà nước và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Quốc hội, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra thực trạng coi ngân sách như “tiền chùa”, dẫn đến chi “hoành tráng”, chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích, dự án đầu tư công kém hiệu quả đè nặng lên ngân sách trả nợ, tp đưa tin.

Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng vừa xong đã hỏng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), "hiệu quả đầu tư công vẫn là một vấn đề hết sức lo lắng". Nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay có giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn được xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư bị đội vốn, bị chậm tiến độ. "Đầu tư kém hiệu quả và lãng phí còn thể hiện ở vô số các dự án đã không bảo đảm chất lượng, vừa hoàn thành xong đã phải sửa chữa, mà ví dụ gần đây nhất là dự án đường cao tốc Đà Nẵng — Quảng Ngãi trị giá hơn 34.000 tỷ đồng. Đây là sự lãng phí lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế — xã hội trong dài hạn nhưng chưa được tổng kết, quy đổi ra những tác động tiêu cực đến GDP", Chủ tịch VCCI nói.

© Ảnh : Đức Trung (MPI)Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Đề cập các dự án BT, BOT, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, đang có khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Ông Diến dẫn chứng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được công bố gần đây cho thấy, có đến 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu dù pháp luật có quy định cả hình thức đấu thầu công khai. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo các nguyên tắc của pháp luật.

"Không ít dự án BT đang bị biến tướng thành cuộc giao dịch ngầm theo cơ chế xin — cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công rất lớn", ông Diến nhận định.

© Ảnh : Thu Hằng/VietnamnetÔng Mai Sỹ Diến
Ông Mai Sỹ Diến - Sputnik Việt Nam
Ông Mai Sỹ Diến

Dẫn kết quả kiểm toán 30 dự án BT, trong đó Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, ông Diến khẳng định, việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách. "Vậy, có nên tiếp tục thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không. Phải chăng phải có thể chế mới để siết lại kẽ hở trong quản lý. Đề nghị Chính phủ cân nhắc và báo cáo Quốc hội", ông Diến nói.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đó là việc "coi ngân sách là tiền chùa". "Vì "tiền chùa" nên dẫn đến nhiều khoản chi sai mục đích, chi phục vụ bệnh thành tích, tổ chức lễ kỷ niệm "hoành tráng" và chi xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh", bà Hoa nói. Bà Hoa đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí, xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý ngân sách.

Ðầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa rõ

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), trong giai đoạn 2011-2015, tổng số dự án hoàn thành là 1.789; nếu tính đến hết năm 2018, số lượng sẽ là 6.290. Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo nào khẳng định tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực.

"Trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả? Hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời chính xác", bà Mai nói.

Theo bà Mai, khâu phân bổ nguồn lực đã được chú trọng, song khâu đánh giá hiệu quả sau đầu tư thực sự chưa được quan tâm. Ngay cả trong hệ thống văn bản pháp luật, các quy định chỉ mới tập trung ở phê duyệt, thẩm định, phân bổ; thiếu các quy định về trách nhiệm, hiệu quả sau đầu tư, đặc biệt là thiếu các quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra. Bà Mai đề nghị cần xây dựng tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, ngay từ khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư.

Đề cập tính hiệu quả trong việc đầu tư công, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là vấn đề lo lắng nhất và đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Mặc dù báo cáo của Chính phủ có nêu hệ số sử dụng vốn (ICOR) đã giảm từ 6,36% trong giai đoạn 2011 — 2014 xuống còn 6,11% giai đoạn 2015 — 2017, nhưng mức giảm là không đáng kể. "Việc phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn rất thấp", ông Lộc nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) băn khoăn về con số các dự án yếu kém, thua lỗ. Đầu nhiệm kỳ này, các cơ quan chức năng chỉ nêu ra 5 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, sau đó tăng dần thành 12 dự án. Đến tháng 10/2017, Bộ KH&ĐT lại công bố tình trạng đầu tư không hiệu quả trước nhiệm kỳ này không phải 12 dự án mà là 72 dự án, gây thất thoát 42 nghìn tỷ đồng, làm tăng gánh nặng ngân sách, nhiều dự án dang dở, chậm tiến độ.

© Ảnh : VNEĐại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)  - Sputnik Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

"Chúng ta cần thống kê rõ ràng, cụ thể, có bao nhiêu dự án đầu tư có hiệu quả, bao nhiêu đầu tư thua lỗ. Bao nhiêu dự án cần được xem xét, kiến nghị, điều tra, xem xét và truy tố", ông Phương nói.

Ông Phương đề nghị, Chính phủ cần phải xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp đầu tư công thời gian tới.

"Trong tình trạng lò đang nóng, cần phải xử lý nghiêm các vi phạm", ông đề nghị.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала