Sáng nay, tòa tuyên vụ đại án Phạm Công Danh và đồng phạm

© Ảnh : Thành Chung - TTXVN Bị cáo Phạm Công Danh (áo xanh đứng giữa) tại phiên tòa ngày 12/12/2018
Bị cáo Phạm Công Danh (áo xanh đứng giữa) tại phiên tòa ngày 12/12/2018 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ngày 25/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên xét xử đại án gây thiệt hại trên 6.126 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB, theo phapluatnet.

Sau một tuần xét xử, hôm nay ngày 25/12, phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM được mở theo đơn kháng cáo về mặt dân sự của bị án Phạm Công Danh (SN 1964, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB); Phan Thành Mai (cựu Tổng Giám đốc VNCB) và một số bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, các nguyên đơn dân sự là ngân hàng CB và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng kháng cáo. Các bị cáo, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam kháng cáo không đồng ý trả lại 4.500 tỷ đồng cho Phạm Công Danh theo án sơ thẩm đã tuyên. 

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) kháng cáo không đồng ý với nhận định của cấp sơ thẩm, cho rằng hơn 1.170 tỷ đồng từ BIDV sở Giao dịch II, gần 460 tỷ đồng từ BIDV chi nhánh Hải Vân là vật chứng của vụ án nên tuyên thu hồi để trả lại cho Ngân hàng VNCB. Ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cũng kháng cáo không đồng ý trả hơn 190 tỷ đồng cho Ngân hàng VNCB.

VKSND Cấp cao kháng nghị  bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với 4 bị cáo: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh (cả 4 bị cáo đều bị tuyên 3 năm tù cho hưởng án treo) là trái với quy định pháp luật.

Đồng thời VKS cũng kháng nghị liên quan đến nội dung thu hồi khoản tiền 4.500 tỷ đồng từ VNCB để trả lại và khấu trừ hậu quả cho bị cáo Phạm Công Danh.

Trước đó, sau gần 2 tuần xét xử, chiều 6/8/2018, TAND TP.HCM đã tuyên án với 46 bị cáo trong vụ án này về cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB) 20 năm tù, tổng hợp với bản án 30 năm tù trong giai đoạn 1 của đại án này, buộc Danh chấp hành mức án là 30 năm tù.

Cùng tội danh trên, bị cáo Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng TMCP Thương Tín — Sacombank) bị tuyên phạt mức án 4 năm tù giam.

Các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB); Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn); Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang); Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban Kiểm soát VNCB); Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính tập đoàn Thiên Thanh) bị tuyên phạt tổng cộng các mức án từ 11 — 30 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận các mức án từ 2 năm tù treo đến 12 năm tù giam.

Bản án sơ thẩm cũng tuyên thu hồi hàng ngàn tỷ đồng từ những nguồn mà bị cáo Danh dùng hơn 6.126 tỷ đồng vay được để chi trả. Buộc BIDV bồi hoàn tổng cộng cho CB trên 1.600 tỷ đồng; Buộc Sacombank hoàn trả trên 36 tỷ đồng cho CB để khắc phục hậu quả vụ án.

Buộc bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank) phải hoàn trả cho CB số tiền 600 tỷ đồng; Ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) trả lại cho CB 194 tỷ đồng; Buộc công ty Hải Tiến bồi hoàn cho CB hơn 430 tỷ đồng… Phần còn lại, bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm hoàn trả.

Về 4.500 tỷ đồng bị cáo Danh dùng từ hành vi phạm tội chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB, HĐXX xử buộc CB phải trả lại số tiền này cho bị cáo Danh.

Sáng nay, tại phiên tòa thúc thẩm, VKS cho biết, đối với kháng cáo cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ án do hành vi vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn và các cá nhân điều hành tại Ngân hàng Đại Tín một phần có sự yếu kém của Ngân hàng Đại Tín nhưng đây không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ án.

Về ý kiến tách vụ án ra thành hai giai đoạn làm hình phạt đối với các bị cáo nặng hơn, VKS cho rằng vụ án trong hai giai đoạn tuy cùng gây thiệt hại cho VNCB, nhưng giai đoạn 1 là vụ án xử lý hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay để rút tiền trực tiếp của VNCB ra sử dụng, còn vụ án này xử lý hành vi cố ý làm trái trong việc sử dụng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh trái pháp luật.
 
Đây là các vụ án độc lập xử lý các hành vi độc lập, không phải cùng một quyết định khởi tố vụ án rồi tách ra thành hai vụ án khác nhau nên không làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Về các kháng cáo của một số bị cáo xin hưởng án treo, giảm nhẹ hình phạt hay áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, VKS cho rằng hậu quả từ hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, mức án ở cấp sơ thẩm là tương xứng với hành vi phạm tội nên không có cơ sở xem xét. Tuy nhiên, bị cáo Trần Hiệp — người cung cấp hồ sơ đang bị bệnh ung thư giai đoạn 4 nên đề nghị HĐXX xem xét.

Về hình phạt án treo của 4 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, VKS cho rằng trong đại án VNCB giai đoạn 1 (xét xử năm 2016), 4 bị cáo này đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được áp dụng án treo là vi phạm Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán nên đề nghị không cho 4 bị cáo này hưởng án treo.

Đối với số tiền 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh dùng tên một số cá nhân chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng nguồn gốc số tiền này là từ hành vi sai phạm nên không có cơ sở buộc Ngân hàng VNCB trả lại cho Danh. Số tiền 4.500 tỷ đồng cũng không phải là vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đề nghị sửa án theo hướng không thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng. Đối với số tiền khắc phục hậu quả hơn 6.000 tỷ đồng của vụ án, đề nghị HĐXX xem xét theo quy định của pháp luật để đảm bảo khắc phục tối đa hậu quả. 

Trong trường hợp giữ nguyên án sơ thẩm thu hồi theo quan điểm của Danh đã vay và sử dụng thì đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao làm rõ hậu quả của việc thu hồi số tiền hơn 1.600 tỷ đồng của BIDV cũng như làm rõ trách nhiệm của những người phê duyệt quyết định cho vay đối với khoản tiền nêu trên.


Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала