Vay vốn Trung Quốc, Việt Nam cần thận trọng

© AP Photo / Ng Han GuanQuốc kỳ Trung Quốc
Quốc kỳ Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam nên đa dạng dòng vốn, hướng đến dòng vốn của những quốc gia thân thiện, không có những toan tính ngoài lợi ích kinh tế, chuyên gia phân tích với báo Đất Việt.

Trong sự thấp thỏm chờ đợi đường sắt Cát Linh — Hà Đông chính thức vận hành và nỗi đắng cay về tuyến đường cao tốc hơn 30.000 tỷ đồng Đà Nẵng — Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng vẫn chưa nguôi ngoai, thì lại xuất hiện một mối lo ngại mới. Một tập đoàn của Trung Quốc mới đây đã đề xuất đầu tư trọn gói tuyến cao tốc Bắc — Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đề xuất được đưa ra khi Việt Nam luôn thua thiệt khi sử dụng nguồn vốn từ Trung Quốc.

Bà Phạm Chi Lan - Sputnik Việt Nam
Bà Phạm Chi Lan: "Tôi đề nghị không chấp nhận đề xuất của Tập đoàn Trung Quốc"

Hai hình thức được gợi ý là hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) do đơn vị tự thực hiện từ thiết kế, thi công và chính quyền giám sát các đơn vị này; phương án BTO (xây dựng — chuyển giao — kinh doanh), doanh nghiệp tư nhân sẽ đầu tư toàn bộ, sau đó chuyển giao cho chính quyền theo hướng mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án. Cả hai phương án trên đều không mang lại thêm sự đảm bảo nào. Đơn giản bởi khi mà mọi khâu từ vốn tới thi công đều thuộc về phía nhà đầu tư, còn năng lực giám sát của Việt Nam còn hạn chế, thì thiệt thòi là không thể tránh khỏi. Dù lạc quan tới đâu cũng không thể mơ người khác đầu tư chỉ vì lợi ích của mình.

Sẽ rất dễ dàng khi chỉ cần nói một tiếng Không. Điều này có thể xảy ra với một quốc gia đóng cửa với đầu tư nước ngoài. Điều này cũng có thể xảy ra với một đất nước có đủ tiềm lực về khoa học, công nghệ và đặc biệt là vốn. Tiếc là, điều này chưa thể xảy ra ở Việt Nam.

© Ảnh : Báo Giao thôngThi công cầm chừng tại ga Láng thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thi công cầm chừng tại ga Láng thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Thi công cầm chừng tại ga Láng thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Rõ ràng, chúng ta phải đối mặt với sự thật là chúng ta vẫn cần tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng. Thống kê của Bloomberg cho biết, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam chi 5,7% GDP cho cơ sở hạ tầng, cao nhất Đông Nam Á. Tới năm 2020, Việt Nam cần tới 480 tỷ USD cho mục tiêu này. Bài toán vay vốn buộc phải tính đến. Có thể điểm ra đây một số nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sự phát triển chậm lại của nền kinh tế châu Âu đã gợi ý cho các quốc gia như Đức, Pháp… hướng đầu tư sang cơ sở hạ tầng tại những nước đang phát triển, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Theo logic thông thường, câu hỏi còn lại là chúng ta nên vay của ai?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) - Sputnik Việt Nam
Tập đoàn Trung Quốc đề xuất làm cao tốc Bắc - Nam: "Chúng ta cần vốn nhưng không đánh đổi"
Đầu tiên, phải khẳng định, trái đắng không chỉ đến từ nguồn vốn vay Trung Quốc. Tuyến Metro số 1 của TP.HCM đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng sử dụng nguồn vốn vay từ Nhật Bản. Người đồng hành số 2 trong nỗ lực làm thay đổi diện mạo giao thông ở đầu tàu kinh tế lớn nhất nước là "đứa con chung" của Ngân hàng  Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đang không ở tình trạng tốt đẹp hơn. Còn có thể kể ra đây sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống, công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc. Không ai dám khẳng định, khi Việt Nam chọn được thêm nhà đầu tư, những rắc rối, lùm xùm dẫn đến thua thiệt sẽ chấm dứt. Có lẽ, chìa khóa của vấn đề không nằm ở việc vay của ai mà chúng ta sẽ vay những gì, vay theo điều kiện nào và giám sát việc sử dụng khoản vay ra sao.

Quả thật, chúng ta cần đầu tư nhưng lại thiếu năng lực. Phải thừa nhận đây là điều tất dĩ ngẫu ở một nền kinh tế non trẻ, xuất phát điểm lạc hậu, có sự phát triển tương đối khác biệt so với các thực thể tương ứng trên thế giới. Thế nhưng, chúng ta đã trưởng thành hơi chậm.

Sự thiếu thiện cảm với dòng vốn Trung Quốc xuất phát từ một thực tế rành rành, những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc có liên quan tới yếu tố Trung Quốc đa phần không thể hiện được hiệu quả, nếu không muốn nói là bết bát, chậm tiến độ, gây thất thoát lãng phí.

Dù thế, chưa thấy một sự rút kinh nghiệm sâu sắc nào, để chiếc xe phía sau không giẫm lên vết lầy của kẻ đi trước. Đúng là rất cần trình độ kỹ thuật để lựa chọn, kiểm định và giám sát các công trình, thiết bị nhập về, nhưng việc nhập cả những thứ máy móc đầu Ngô mình Sở, càng vận hành càng thua lỗ như đã xảy ra ở Nhà máy Đạm Ninh Bình thì phải nói là sự kỳ lạ xem ra chỉ có ở khu vực công. Trong trường hợp này, cơ cấu kinh tế đặc thù không mang lại sự phát triển như kỳ vọng. Sự thay đổi đã bắt đầu diễn ra và chúng ta có thể đặt hi vọng vào một nền kinh tế, trong đó khu vực tư nhân vừa là nòng cốt vừa là động lực.

© Ảnh : Báo MớiTuyến metro số 1 tại TP HCM
Tuyến metro số 1 tại TP HCM - Sputnik Việt Nam
Tuyến metro số 1 tại TP HCM

Thủ tướng Chính phủ Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-Ocha - Sputnik Việt Nam
Quan hệ Thái Lan-Trung Quốc và bài học “Mahathir” cho Bangkok?
Một gót chân Achilles khác là chúng ta dễ bị mơn trớn bởi những thuyết trình ngọt tai. Sẽ mất rất nhiều trang giấy để điểm tên những công trình trường học, nhà văn hóa… được xây dựng bằng nguồn vốn từ các dự án viện trợ có hoàn lại hiện đang để hoang hóa hoặc sử dụng không hết công năng.

Gần cận hơn, rất nhiều công trình đường giao thông, hạ tầng giao thông đã và đang được đốc thúc xây dựng dù người hưởng phần lợi ích là doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài. Bài ca của ‘sát thủ kinh tế' đã bị bóc mẽ ở mức độ toàn cầu nhưng vẫn có sức hút đối với một số quốc gia, chính bởi tư duy có dự án là có GDP.

Đối với một quốc gia chưa giàu lại đang mang gánh nợ công lên tới hơn 60% GDP, mỗi dự án sắp tới sẽ phải đưa lên cân tiểu ly đo đếm từng phần lợi ích. Điều này là khả thi khi cuộc chiến chống tệ tham nhũng đang bước vào guồng quay quyết liệt nhất. Đây là một nửa lời giải, nửa còn lại phải trông chờ vào năng lực giám sát của chính chúng ta.

quốc kỳ Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Việt Nam: Bài học quá đắt, quá đắng chỉ vì...tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc
Tưởng như, sẽ lại là một câu đố khó khăn. Khi trình độ phát triển của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp so với thế giới, sẽ rất khó để nhận diện và lật tẩy chiêu bài của những nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn rất nhiều. Thế nhưng, điều may mắn là chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Việc thuê bên thứ 3 tư vấn, giám sát là một nghiệp vụ phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Xem ra, chúng ta chỉ cần năng lực lựa chọn người tài và những công bộc thật sự có tâm.

Trở lại với vấn đề chọn hay không chọn nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, với những yếu kém hiện tại, thay vì đương đầu với nhà thương mại đại tài, với trình độ và thủ thuật khiến một nước phát triển như Đức cũng phải dè chừng, Việt Nam nên hướng đến dòng vốn của những quốc gia thân thiện, ít có những toan tính ngoài lợi ích kinh tế. Và ngay cả khi đó, vẫn rất cần sự bản lĩnh để biết nói lời từ chối những khoản đầu tư chưa cần thiết hoặc không phù hợp. Đích đến phù hợp là hạn chế phần thua thiệt, còn để có những lựa chọn tốt nhất, chúng ta phải biết rút ra bài học từ những vấp ngã đã qua.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала