65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhìn lại sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam

© AP Photo trận Điện Biên Phủ
 trận Điện Biên Phủ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
“Chính cơ quan tình báo quân sự Liên Xô (GRU) đã cung cấp thông tin để tái kiểm những phán đoán của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam về tình hình chiến sự tại Điện Biên Phủ và xác định đó là những phán đoán đúng đắn”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự bình luận với Sputnik về sự giúp đỡ của Liên Xô trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tròn 65 năm trước, vào ngày 07-05-1954 Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).

Trong chiến công đó có sự giúp đỡ quân sự hiệu quả và ý nghĩa của Trung Quốc và Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay). Nhưng thường về sự giúp đỡ của Trung Quốc được nhắc tới nhiều hơn, còn về sự giúp đỡ của Liên Xô ít được biết tới. Hôm nay, nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng “lừng lẫy địa cầu” này Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự, Đại tá Nguyễn Minh Tâm về vấn đề trên. Câu chuyện xoay quanh sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

© AFP 2023 / VNABộ đội Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ
65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhìn lại sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Bộ đội Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ

Sputnik: Thưa Ông Nguyễn Minh Tâm, sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp bắt đầu từ khi nào?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Ngay sau khi Liên Xô công nhận Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất cho nhân dân Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt nam Dân chủ Cộng hòa ở cấp đại sứ (cấp cao nhất) vào ngày 18-1-1950, viện trợ cho Việt Nam kháng chiến chống Pháp là một trong những chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô. Ngày 3-2-1950, sau chuyến đi thăm Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh sang Moskva để dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo các nước Trung Quốc và Liên Xô.

Dự cuộc họp ba bên ở Moskva ngày 5-3-1950 có Chủ tịch Liên Xô I. V. Stalin, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Liên Xô giúp trang bị cho Việt Nam 10 sư đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo cao xạ. Sau cuộc họp, đồng chí I. V. Stalin đồng ý với yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, I. V. Stalin cũng đề xuất phân công vai trò giữa Liên Xô và Trung Quốc: “Vì cuộc kháng chiến của các đồng chí Việt Nam đang ở vào giai đoạn cấp bách, quyết định và vì Trung Quốc ở gần Việt Nam hơn nên Trung Quốc trực tiếp giúp Việt Nam những vũ khí và vật tư mà Việt Nam đang cần thiết nhất bằng cách lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc để chuyển cho Việt Nam. Sau đó, Liên Xô sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho Trung Quốc số hàng hóa đó”. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ “tạm ứng” viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam, còn Liên Xô sẽ hoàn trả cho Trung Quốc những hàng viện trợ đó theo đúng số lượng và chủng loại. 

Tướng De Castries bị bắt tại Điện Biên Phủ. - Sputnik Việt Nam
Nhân tố góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động Địa cầu" của Việt Nam

Thực hiện theo thỏa thuận nói trên, ngày 13-4-1950, Trung Quốc chuyển giao chuyến hàng đầu tiên cho Việt Nam tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trong đó vũ khí bộ binh bao gồm 1.990 súng trường và 27 trung liên Mỹ, 43 trung liên Anh, 29 trung liên và 24 đại liên Trung Quốc. Cuối tháng 4/1950, Trung đoàn bộ binh 88 và 102 thuộc Đại đoàn 308 theo đường Hà Giang hành quân sang Vân Nam, Trung Quốc để tiếp nhận vũ khí viện trợ và huấn luyện. Trung đoàn bộ binh 209 và Tiểu đoàn pháo binh 410 của Đại đoàn 308 cũng đi theo đường Cao Bằng qua Hoa Đồng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để tiếp nhận vũ khí được viện trợ.

Sputnik: Theo tư liệu của Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam thì “Từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, trong số 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp, Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, thì toàn bộ pháo cao xạ 37 ly-76 khẩu, toàn bộ 14 dàn hỏa tiễn H6, toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ô-tô vận tải 685 chiếc trên tổng số 745 chiếc là của Liên Xô. Ðặc biệt, trong đợt ba của chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định bổ sung 12 dàn hỏa tiễn H6 (trong tổng số 14 dàn) do Liên Xô viện trợ tham gia chiến đấu, trực tiếp tác chiến tại khu vực bắc Him Lam. Hỏa tiễn H6 đã phát huy uy lực, khiến đối phương vô cùng sợ hãi, hoảng loạn, góp phần nhanh chóng làm cho quân đội Pháp suy sụp tinh thần, tê liệt ý chí chiến đấu”. Có thể khẳng định sự giúp đỡ này là rất quan trọng?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Việc Liên Xô viện trợ cho Việt Nam những vũ khí, trang bị quân sự và các hàng hóa khác cho Việt Nam kể từ năm 1950 với khối lượng 21.517 tấn có tổng trị giá hơn 54 triệu ruble (thời giá năm 1954) có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự:

- Trước năm 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam hầu như không có trọng pháo cỡ nòng trên 75 mm. Năm 1950, Việt Minh chỉ có 2 khẩu pháo M2A1 cỡ nòng 105 mm cùng một số ít sơn pháo 75 mm và súng cối 81 mm là chiến lợi phẩm thu được của thực dân Pháp nhưng không có kính ngắm quang học. Còn đạn dược thì có thể đếm từng viên. Vũ khí có hỏa lực mạnh nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đó chỉ là súng Bazoka tự chế theo mẫu súng chống tăng của Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc Liên Xô trang bị cho Việt Nam 1 trung đoàn lựu pháo 105mm và các tiểu đoàn súng cối cỡ lớn kèm theo đủ cơ số đạn dược và sức kéo đã làm chuyển hóa hoàn toàn số lượng và chất lượng hỏa lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên chiến trường. Với hỏa lực đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có thể mở các chiến dịch lớn từ cấp trung đoàn đến cấp sư đoàn. 

chiến tranh ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Nga công bố hồ sơ mới Hệ thống phòng không Việt Nam

- Trước năm 1954, quân đội thực dân Pháp hầu như chiếm ưu thế tuyệt đối trên không phận Đông Dương. Vì vậy, việc Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn phòng không hỗn hợp gồm 72 khẩu pháo phòng không cữ nòng 36 mm và 72 súng máy phòng không cỡ nòng 12,7 mm (tất cả đều do Liên Xô sản xuất) đã tước đi độc quyền trên không của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, bắn rơi 62 máy bay, triệt hạ con đường tiếp vận hậu cần cuối cùng của thực dân Pháp cho “con nhím” Điện Biên Phủ.

- Vũ khí bộ binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước năm 1950 phổ biến là súng trường với đủ các chủng loại hỗn tạp. Từ súng trường “Mosin Nagan” của Nga đến súng trường “Thất Cửu” của Trung Quốc, súng trường “Muscton” của Pháp, súng trường “Chiêu Hòa” của Nhật Bản, súng trường “Remington” của Anh ..v… Số lượng súng máy rất ít, chủ yếu là chiến lợi phẩm thu được của địch. Từ năm 1950, trong đội hình chiến đấu của cấp trung đội bộ binh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xuất hiện nhiều súng tiểu liên K-50 của Trung Quốc viện trợ (sản xuất theo mẫu tiểu liên PPSh-41 của Liên Xô, sử dụng băng đạn cong). Đặc biệt là ở các đơn vị hỏa lực cấp đại đội và tiểu đoàn đã có nhiều súng đại liên Maksim do Liên Xô viện trợ. Hỏa lực súng máy được tăng cường đã giúp tăng thêm sức mạnh tấn công cũng như phòng thủ của các đơn vị bộ binh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Việc Liên Xô (thông qua Trung Quốc) viện trợ cho Việt nam 685 chiếc ô tô GAZ-63 hài cầu (trên tổng số 745 xe) đã cải thiện đáng kể sức vận chuyển hậu cần cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nếu chỉ tính tải trọng tối thiểu là 4,5 tấn/xe thì một xe GAZ-63 đã có sức vạn chuyển tương đương với 100 dân công hoặc 25 xe đạp thồ.

Vậy cho nên, có thể kết luận rằng, trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, ngoài ý chí chiến đấu cũng như kỹ năng tác chiến của người lính là yếu tố quyết định, thì sự hiện đại của vũ khí tạo nên mật độ và cường độ hỏa lực là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên chiến thắng. Vì vậy, những vũ khí, khí tài mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Bộ đội Việt Nam cắm cờ trên cứ điểm của Pháp. Trận Điện Biên Phủ, năm 1954 - Sputnik Việt Nam
"Hỏa tiễn Stalingrad" trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sputnik: Ông có thể cho biết, Liên Xô đã trợ giúp xây dựng lực lượng phòng không và cơ giới như thế nào cho chiến dịch Điện Biên Phủ? 

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên Xô không viện trợ lực lượng cơ giới đột kích cho Quân đội Nhân dân Việt Nam như xe tăng, xe bọc thép bởi đó là các vũ khí có tính năng kỹ thuật cao, đòi hỏi phải có thời gian để huấn luyện các kíp lái cũng như thiết lập hệ thống bảo đảm kỹ thuật hậu cần và đặc biệt là nhiên liệu. Trong tình hình chiến trường đang có những chuyển biến cấp bách như ở Đông Dương nửa cuối năm 1953 và nửa đầu năm 1954 thì điều đó gần như bất khả thi. Do đó, Liên Xô chỉ viện trợ phương tiện vận tải là thứ mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đang rất cần, bởi các xe tải GAZ-63 hài cầu ngoài tính năng vận tải còn có tính năng kéo pháo rất tốt. Hơn nữa, chiến trường Điện Biên Phủ dù có chiều dài hơn 20 km, rộng đến 8 km nhưng cũng vẫn là quá hẹp để sử dụng xe tăng, xe bọc thép trong các cuộc đột kích. Thực tế cho thấy 10/12 xe tăng M-24 của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. 2 chiếc còn lại bị bắt sống nguyên vẹn.

Ngược lại, pháo cao xạ lại là loại khí tài rất cần thiết để Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng để xóa bỏ quyền làm chủ trên không của Không quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ. Việc huấn luyện để sử dụng những vũ khí này có thể Hỏa lực pháo cao xạ 37 mm (tầm trung) và súng máy phòng không 12,7 mm (tầm thấp) đã thực sự là cơn ác mộng của các phi công Pháp và cả phi công Mỹ khi phải bay trên cánh đồng Mường Thanh.

Sputnik: Thưa ông, vậy chúng ta có thể đánh giá khách quan như thế nào về sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô trong chiến dịch Điện biên Phủ?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam về vật chất là tương đương nhau. Nhưng ngoài những vũ khí, khí tài mà Liên Xô và Trung Quốc đã hiệp lực với nhau để chuyển đến cho Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có một thứ vũ khí vô hình khác là thông tin tình báo. Qua hệ thống tình báo của mình, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có được những thông tin cơ bản về “Kế hoạch Navarre” nhằm bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng của Đại tướng Henry Navarre, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi tiết cụ thể cần được xác minh. Đặc biệt là sự chuyển hướng của Henry Navarre từ chiến lược tiến công sang chiến lược phòng thủ - phản công vào nửa cuối năm 1953, khi Henry Navarre quyết định thiết lập “con nhím” Điện Biên Phủ để chặn đường tiến quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Bắc Lào, biến Điện Biên Phủ thành chiến trường chính ở Đông Dương với những lực lượng mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp khi đó. Chính cơ quan tình báo quân sự Liên Xô GRU đã cung cấp thông tin để tái kiểm những phán đoán của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam về vấn đề này và xác định đó là những phán đoán đúng đắn. Trên cơ sở đó, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định huy động 4 đại đoàn chủ lực mạnh nhất của mình (308, 312, 316 và 351) cũng một lực lượng hậu cần tiếp vận khổng lồ lên chiến trường Điện Biên Phủ để giáng một đòn quyết định, bẻ gãy “mũi giáo” của quân đội Viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương.

© AFP 2023 / VNA Bộ đội Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ
65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhìn lại sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Bộ đội Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ

Sputnik:  Vậy vì sao về sự trợ gíúp quân sự của Liên Xô ít được nhắc tới hơn, ít được biết tới hơn?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Việc những hành động hợp tác, giúp đỡ của Liên Xô đối với Quân đội Nhân dân Việt nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ít được nhắc đến bởi mấy lý do:

- Một là, Việt Nam khi đó đang có sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc để chuẩn bị đối phó với âm mưu của Mỹ sớm muộn hất cẳng thực dân Pháp và can thiệp sâu hơn vào Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra điều này vào năm 1950 khi Mỹ đưa tàu sân bay đến Sài Gòn và những thông tin tình báo do GRU của Liên Xô cung cấp về mức độ viện trợ quân sự ngày càng lớn của Mỹ cho Pháp trong những năm cuối của cuộc “Chiến tranh Đông Dương”.

- Hai là, đối với Liên Xô, Việt Nam chưa có được vị thế lớn trên bàn cờ chiến lược của Liên Xô trong thập niên 1950. Trong những năm đó, Liên Xô còn đang lo củng cố khối đồng minh ở Đông Âu để đối đầu với khối NATO (do Mỹ và các nước Tây Âu lập ra năm 1949) để chống lại Liên Xô và các nước Đông Âu mới thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Ba là, do những thỏa thuận ở Moskva ngày 4-3-1950 giữa Liên Xô và Trung Quốc khi đó đang trong trạng thái đoàn kết chặt chẽ. Theo đó, Trung Quốc chịu trách nhiệm phụ trách phong trào xã hội chủ nghĩa ở Triều Tiên, ở Việt Nam và Đông Nam Á nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ, Pháp, Anh và các nước đế quốc phương Tây.

- Bốn là, về điều kiện địa lý, Liên Xô không có đường biên giới chung với Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó chưa hề có một cảng biển nào. Mọi viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam đều phải dùng đường bộ qua Trung Quốc.

- Năm là, cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) về bản chất vẫn là một cuộc chiến tranh thông thường cho nên Liên Xô thấy chỉ cần viện trợ cho Việt Nam những vũ khí thông thường của lục quân. Điều này thì Trung Quốc cũng có thể làm được bởi ngoài viện trợ quân sự của Liên Xô, Trung Quốc còn thu được rất nhiều vũ khí khí tài quân sự thông thường mà Mỹ đã trang bị cho quân đội Tưởng Giới Thạch sau đại thắng năm 1949. Chúng ta có thể thấy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh một số lượng rất lớn xe vận tải GAZ-63 do Liên Xô viện trợ cũng có hơn 100 xe vận tải các loại GMC và DOS chiến lợi phẩm mà Trung Quốc thu được từ việc đánh bại quân đội Tưởng Giới Thạch.

Sputnik: Xin chân thành cảm ơn ông vì những thông tin rất thú vị.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала