Ý kiến chuyên gia Anh về đường sắt cao tốc Bắc-Nam

© AFP 2023 / StringerTàu cao tốc
Tàu cao tốc  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo chuyên gia về đường sắt cao tốc ở Anh, Việt Nam nên đầu tư vào đường cao tốc 350 km/h để trở thành nền kinh tế hiện đại phát triển mạnh mẽ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đầu tháng 7 gửi văn bản lên Thủ tướng về dự án đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam, lập luận rằng tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h; trong khi trước đó Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án tàu tốc độ 350 km/h với tổng vốn 58,7 tỷ USD. Sự chênh lệch giữa hai phương án đang gây ra tranh cãi. Ngày 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Ý kiến của chuyên gia

Đường sắt cao tốc  - Sputnik Việt Nam
Quá nhiều nhà thầu Trung Quốc muốn làm đường sắt cao tốc Bắc Nam

Giáo sư Anson Jack, chuyên gia về đường sắt cao tốc tại Đại học Birmingham, Anh, thành viên ban tư vấn của Hiệp hội Đường sắt cao tốc quốc tế, đặt trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, nói với VnExpress rằng Việt Nam nên thực hiện dự án nếu quốc gia có định hướng trở thành nền kinh tế hiện đại phát triển mạnh mẽ. Ông đánh giá đường sắt có vận tốc 350km/h sẽ giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển, hấp dẫn hơn hẳn so với đường hàng không. Ví dụ điển hình là đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc. 

"Việc xây đường cao tốc nối Hà Nội và TP HCM sẽ là một tuyên bố tích cực về niềm tin phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Xây dựng đường có vận tốc 200 km/h sẽ thể hiện khát vọng khiêm tốn hơn nhiều và không mang lại tác động lớn về kinh tế - xã hội", Jack nói. Chuyên gia Anh nhấn mạnh điều quan trọng là Việt Nam cần tìm nguồn vốn mà không ảnh hưởng đến nợ công. 

Những vấn đề cần được giải quyết

Ông liệt kê một số vấn đề chính Việt Nam cần cân nhắc trước khi quyết định xây đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Đường sắt tốc độ Nhật Bản - Sputnik Việt Nam
Doanh nghiệp muốn làm cao tốc Bắc Nam chuẩn tiến độ bậc nhất, 5 năm không lún

Đầu tiên, Việt Nam cần xác định mục tiêu tổng thể của dự án là gì, hay còn gọi là mục tiêu chiến lược. 

Theo Jack, có hai mục tiêu chính khi xây dựng đường sắt cao tốc, đó là nhằm phát triển kinh tế - xã hội hay hướng tới việc giảm lượng phát thải khí carbon từ đường bộ và hàng không. Đường sắt cao tốc có thể giúp một quốc gia tăng cường kết nối các địa phương để trở thành một điểm hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần xây dựng nền tảng kỹ thuật, giúp tăng khả năng dễ tiếp cận của các địa phương, giảm bất bình đẳng xã hội, giảm tắc nghẽn giao thông và đảm bảo an toàn giao thông. Ở Nhật Bản, hệ thống đường sắt cao tốc trong 55 năm qua chưa có tai nạn nào gây chết người. 

"Các bạn cần điều chỉnh để mục tiêu chiến lược đảm bảo giá vé ở mức người dân có thể chấp nhận được", Jack nói.

Về công nghệ, Việt Nam nên tính đến thiết kế tổng thể của hệ thống, chứ không chỉ chú tâm vào các phần riêng lẻ như cơ sở hạ tầng hay đầu máy. Jack cho hay các nước sở hữu công nghệ đường sắt cao tốc như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp hay Đức đều muốn tìm khách hàng, và mỗi nước sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Do đó Hà Nội cần xây dựng một hệ tiêu chuẩn của riêng mình, xem hệ thống đường sắt cao tốc của nước nào đáp ứng được.

Về chi phí đầu tư, chính phủ có thể áp dụng hình thức Đối tác công tư (PPP) để huy động vốn, sau đó nhà nước vận hành, hoặc cho phép các công ty tư nhân quản lý trong thời gian 20 năm hoặc 50 năm. Một quốc gia cần lường trước việc có nguy cơ vượt dự toán và có kế hoạch đối phó, "thay vì hoảng sợ".  Nếu một nước không đủ khả năng chi trả hoặc huy động vốn, có thể vay của nước khác. Trên thực tế, Ấn Độ đang vay đến 85% vốn của Nhật Bản để xây đường sắt cao tốc Mumbai - Ahmedabad dài hơn 500 km, không có lãi trong 15 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, dùng công nghệ của Nhật Bản, dự kiến hoàn thành vào 2023.

"Khi một nước làm đường sắt cao tốc với tài chính phụ thuộc vào nước khác, dự án có thể được tăng tốc hay bị gián đoạn nếu quan hệ với nước cho vay tốt đẹp hoặc xấu đi", Jack nói về rủi ro.

Tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam kết nối thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Người Việt tranh luận gay gắt về hai phương án đường sắt cao tốc

Mức vé có hấp dẫn với khách hàng cũng là một nhân tố rất quan trọng. Với những người sử dụng đường sắt cao tốc cho công việc, họ sẽ tính nó có hiệu quả hơn so với đi máy bay hay không. Còn với những người đi thăm người thân, đi du lịch, họ lại yêu thích giá rẻ. Tại Anh, ghế hạng sang trên tàu cao tốc nối London đến Paris (Pháp) có giá khoảng 350 USD mỗi chiều. Nhưng giá vé đặt trước nhiều ngày, kém tiện nghi hơn chỉ ở mức 50 USD. 

"Giá vé bao nhiêu tùy thuộc vào việc chính phủ có trợ giá hay thu đủ phí của hành khách. Điều đó phụ thuộc vào mục tiêu của một quốc gia khi làm đường cao tốc", Jack nói.

Trong quá trình xây dựng đường sắt cao tốc, Việt Nam cần có đội ngũ thông thạo địa hình cả trên mặt đất và dưới ngầm, tránh nguy cơ bị ngập lụt, thậm chí động đất. Nhân lực có đủ khả năng vận hành và duy trì hệ thống cần có sẵn trước khi dự án được hoàn thành. 

"Tôi cho rằng để có dự án đường sắt cao tốc thành công, cam kết chính trị, sự nhất quán với mục tiêu dài hạn là điều vô cùng quan trọng", Jack nói.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала