Làm mạng xã hội Việt Nam để ‘kéo não’ người Việt ở lại trong nước

© Ảnh : Văn Điệp - TTXVNBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trả lời câu hỏi tại sao phải xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tất cả là để ‘kéo não’ người Việt ở lại trong nước.

Không thể để ‘bộ não’ người Việt ở nước ngoài

Trả lời chất vấn trước phiên làm việc thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin đã ví tình trạng Facebook, Google thống trị hiện nay giống như người Việt đang ‘để não ở nước ngoài’.

Facebook - Sputnik Việt Nam
Người Việt sẽ bỏ Facebook để dùng mạng xã hội made in Vietnam?

Sáng nay, 15/8, đặt câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) nêu vấn đề về mạng xã hội, quản lý sim rác và nhiều chủ đề nóng của ngành thông tin viễn thông hiện nay. Ông Vượt băn khoăn, mạng xã hội bây giờ không phải là thế giới ảo nữa, mà tất cả đều rất thật. Ngoài ra vấn nạn đánh bạc, lừa đảo qua mạng gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ, Ngành vào cuộc với nhiều sáng kiến, giải pháp ngăn chặn, triệt phá, nhiều vụ án nhưng hiện đây vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

“Xin Bộ trưởng cho biết kết quả nổi bật, ấn tượng nhất từ khi Bộ trưởng trả lời chất vấn đến nay? Từng là lãnh đạo một nhà mạng lớn, Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng sim rác không? Khi nào sẽ có mạng xã hội uy tín của Việt Nam thay thế trang mạng xã hội khác?”, Đại biểu Đinh Duy Vượt chất vấn người đứng đầu Bộ TT-TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng câu hỏi của Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai rất rộng trong khi thời gian có hạn, nên chỉ đi vào những vấn đề chính.

Việt Nam đang vận hành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia

Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin khẳng định, chúng ta muốn quản lý được thì đầu tiên phải nhìn thấy. Theo đó, trong hơn 1 năm qua, Bộ đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Cụ thể, trung tâm này có hai chức năng là giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát cả thông tin trên không gian mạng, báo chí điện tử, mạng xã hội.

Việt Nam lần đầu đăng cai cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lần đầu đăng cai cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu

“Khả năng xử lý tin của trung tâm là một ngày xử lý 100 triệu tin và có thể phân loại đánh giá được. Ví dụ tỉ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Trước đây thông tin tiêu cực trên mạng là trên 80%. Bây giờ chúng ta nhìn thấy, khắc phục thì thông tin tiêu cực dưới 10%”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Trả lời về vấn đề đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài khi các công ty này đều chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong khi họ chưa đóng thuế, chưa thực thi pháp luật, năm qua Bộ cũng đã tích cực hoạt động, quản lý những “gã khổng lồ” công nghệ thế giới theo đúng quy định, pháp luật Việt Nam.

“Kết quả ngày hôm nay như sau: đối với Facebook, trước đây nhà nước đưa ra yêu cầu thì họ thực hiện xung quanh 30%, bây giờ tỉ lệ thực hiện của Facebook là 70-75%. Youtube tuân thủ tốt hơn, trước 60%, bây giờ 80 - 85%, còn Apple, trước đây gần như không thực hiện, gần đây đã thực hiện 75% các yêu cầu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng thừa nhận, đây là câu chuyện lớn vẫn tiếp diễn nhiều năm nay. Hiện Bộ đã rà soát, tiến hành cắt bỏ những những sim không đủ thông tin người dùng, tuy nhiên khó mà kiểm soát hết lượng sim rất lớn đang nằm ở các kênh bán hàng, trôi nổi trên thị trường. Từ nay đến tháng 9/2019, Bộ TT-TT sẽ tập trung giải quyết tình trạng này bằng cách yêu cầu các nhà mạng phải mua lại hoặc thu hồi sim.

“Chế tài là giao trách nhiệm trực tiếp cho tổng giám đốc các công ty viễn thông, trong đó có một yêu cầu rất kiên quyết là nếu còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng ấy thì nhà mạng đó sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới” - Bộ trưởng TT-TT khẳng định.

Việt Nam nhất định sẽ xây dựng mạng xã hội của riêng mình

Về mục tiêu xây dựng mạng xã hội Made in Vietnam, người đứng đầu Bộ Truyền Thông và Thông tin ví tình trạng hiện nay giống như người Việt “để não của mình ở nước ngoài”:

“Tại sao phải xây dựng mạng xã hội Việt Nam? Nếu Việt Nam không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, đọc, suy nghĩ, mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài. Bây giờ thông tin họ thu thập được chỉ dùng quảng cáo, trong trường hợp họ có thể dùng vào những việc khác, có thể nguy hiểm tới an ninh”, ông Hùng phân tích.

Facebook - Sputnik Việt Nam
Sẽ có mạng xã hội “Made in Vietnam” thay thế Facebook?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước để mạng xã hội đó có số lượng người dùng tương đương với các nhà mạng nước ngoài, “để não người Việt phân tán đều, không có nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam”.

“Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Trong năm vừa qua tăng trưởng khoảng 30% - từ 50 triệu lên 65 triệu thuê bao. Trong khi đó, các mạng xã hội nước ngoài có tất cả  khoảng 90 triệu thuê bao. Với tốc độ tăng trưởng như vậy thì đến 2020, chậm nhất đến năm 2021, chúng ta sẽ đạt được tỉ lệ 50-50”, lãnh đạo Bộ TT-TT cam kết.

Cũng theo Bộ trưởng, thứ nhất, hiện có rất nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển mạng xã hội “nội”, made in Vietnam.

Ví dụ các mạng xã hội theo cách tiếp cận mới, chia sẻ lợi ích cho tất cả mọi người, cả những người tham gia chứ không chỉ làm lợi cho nhà mạng.

“Hiện nay, Facebook, cơ bản là hưởng hết giá trị của các nhà mạng”, ông Hùng khẳng định.

Thứ hai, các thuật toán quyết định “cuộc chơi” trên mạng xã hội để mở ra cơ hội cho chính người dùng.

Thứ ba, trong mạng xã hội mới hiện được nhiều nhà mạng Việt Nam giới thiệu, cung cấp, đã có sẵn trên nền tàng là bộ lọc để dọn rác trên không gian mạng.

“Hiện nay, các nhà mạng đều chịu trách nhiệm chính. 95% rác do các nhà mạng chặn, lọc, xử lý, 5% là do chính quyền phát hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Liệu mạng xã hội Việt Nam có thể đánh bại Facebook?

Các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam đã bắt đầu xây dựng các mạng xã hội mới nhằm loại bỏ sự thống trị của Facebook suốt thời gian qua. Hiện ước tính, Việt Nam có hơn 60 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 96 triệu dân.

Ngày 23 tháng 7, trong lần ra mắt mạng xã hội gia đình tại Hà Nội Gapo Technology, một đơn vị thuộc G-group có trụ sở tại Hà Nội đã tuyên bố:

Facebook logo - Sputnik Việt Nam
Facebook sẵn sàng trả cho báo chí 3 triệu USD mỗi năm để đăng tin thời sự trên mạng xã hội

“Chúng tôi tự tin có thể thu hút 50 triệu người dùng vào năm 2021”, CEO Hà Trung Kiên nói tại sự kiện.

Kể từ tháng 1, ba mạng xã hội đã được các công ty trong nước đưa ra. Mạng xã hội du lịch Hahalolo có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố nền tảng của mình vào ngày 10 tháng 6, đặt mục tiêu đầy tham vọng là 2 tỷ người dùng vào năm 2024. Không lâu sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel đã ra mắt mạng xã hội VCNET với mục tiêu “đấu tranh chống lại thông tin không chính xác và tin tức giả mạo”.

Tuy nhiên, nói về tham vọng của các nhà mạng Việt Nam trong mục tiêu đánh bật Facebook khỏi thị trường 96 triệu dân, nhiều chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ.

Sau tuyên bố mạnh miệng của Gapo, quyết đạt 50 triệu người sử dụng và cạnh tranh trực tiếp với Facebook, ông Vương Mạnh Sơn, Người sáng lập Viện Công nghệ Kỹ thuật Saigon (Saigon CTT) bình luận:

“Tuyên bố của Gapo quả là to tiếng, kiểu như “nổ” đáp lời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông! Gây bất ngờ lớn, xôn xao trong giới công nghệ thông tin. Một MXH mới bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019 mà đặt ra mục tiêu: “3 triệu người dùng năm 2019 và 50 triệu vào năm 2021”.

“Tôi đánh giá mục tiêu này là quá tham vọng so với sự phát triển và chiếm lĩnh thị phần nhiều năm của các MXH hàng đầu trên thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua tham khảo thống kê số lượng người dùng của các MXH trên thị trường hiện nay như sau: Facebook có 60 triệu người sử dụng, Youtube – 45 triệu, Instragram - 5,9 triệu, Zalo – 40 triệu, Mocha-Viettel - 4,5 triệu”, ông Sơn thẳng thắn.

Facebook - Sputnik Việt Nam
Việt Nam: Cán bộ, đảng viên ở đâu dùng Facebook, Zalo phải khai báo?

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Viện ISEAS - Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore cũng chia sẻ:

“Tôi không nghĩ Việt Nam sẽ có thể phát triển các nền tảng truyền thông xã hội khả thi có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Facebook hay Google ở thời điểm hiện tại. Chừng nào Facebook và Google vẫn còn tồn tại, các nền tảng truyền thông xã hội trong nước sẽ không phải là lựa chọn số một của người dùng Việt Nam”.

Trên thực tế, Việt Nam đã có rất nhiều mạng xã hội “nội địa” như Zalo, Mocha, Socbay.vn hay Biztime với tổng lượng người dùng khá lớn. Tuy nhiên, những mạng này hiện vẫn chưa đủ sức “đấu” với Facebook và chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần này.

Liệu với nỗ lực của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều bộ, ban, ngành liên quan, các mạng xã hội trong nước có vượt được Facebook và thuyết phục người dân an tâm, tin tưởng sử dụng nền tảng công nghệ made in Vietnam, chỉ quan tâm đến lợi ích dành cho người Việt Nam?

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала