Báo cáo Ban Bí thư vụ đường sắt Cát Linh-Hà Đông biết lỗ vẫn làm

© Tin Tức Việt NamTàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hà Nội sẽ báo cáo lên Ban Bí thư những vấn đề liên quan dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, qua 4 đời Bộ trưởng Bộ GTVT vẫn chưa xong, biết lỗ vẫn cứ làm. Ai sẽ phải nhận trách nhiệm sau một bảo tàng kinh nghiệm thất bại liên quan đến nhà thầu và vay vốn Trung Quốc này?

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Báo cáo lên Ban Bí thư

Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội vừa xây dựng dự thảo báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về tiến độ hoàn thành, bàn giao, vận hành cũng như nêu những khó khăn liên quan trực tiếp đến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Sau khi nghe báo cáo từ Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận: “Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông là dự án quan trọng cấp quốc gia, do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư. TP.Hà Nội có trách nhiệm liên quan trực tiếp đến việc tiếp nhận, khai thác vận hành hệ thống giao thông công cộng này”.

Vận hành thử liên động tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. - Sputnik Việt Nam
Cát Linh-Hà Đông: Bộ GTVT khó hy vọng ở Tổng thầu Trung Quốc

Thời gian qua, các cấp, Bộ, Ban, ngành đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, thành phố Hà Nội cũng chủ động liên lạc, trao đổi trực tiếp với Bộ GTVT về các nội dung liên quan đến công tác tiếp nhận, bàn giao dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. UBND TP. Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan thực hiện những công việc thuộc trách nhiệm của địa phương trong triển khai dự án.

Thành phố cho hay, tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề kỹ thuật, đăng kiểm, nghiệm thu và bàn giao do chưa có sự thống nhất giữa chủ đầu tư Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc. Theo đó, tiến độ bàn giao, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông liên tục bị chậm so với cam kết ban đầu của chủ đầu tư và tổng thầu.

Những khó khăn, vướng mắc hiện nay của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, để giải quyết vấn đề trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội xây dựng dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy để tiến hành báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo.

Cát Linh - Hà Đông: Biết lỗ vẫn làm

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông gửi cho Bộ GTVT. Trong đó, hàng loạt sai phạm trong quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng.

Theo kết quả kiểm toán, trong quá trình đầu tư dự án Cát Linh-Hà Đông bộc lộ nhiều ‘lỗ hổng’ khiến chủ đầu tư là Bộ GTVT liên tục phải điều chỉnh vốn tăng rất lớn, từ con số dự kiến tổng vốn đầu tư dự án ban đầu là 8.769 tỷ đồng lên thành 18.001 tỷ, tăng 205% so với vốn được duyệt.

Điều đáng nói là, khi Bộ GTVT quyết định điều chỉnh tăng vốn sự án vào thời điểm tháng 2.2016, Bộ này không hề báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn. Như vậy, theo Kiểm toán nhà nước, không thực hiện đúng Nghị quyết số 49 của Quốc Hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Dự án Cát Linh-Hà Đông: Thi công xong nhưng chưa thể bàn giao

Những vấn đề được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ còn liên quan đến công tác tuyển thiết kế kiến trúc dự án của chủ đầu tư (Bộ GTVT). Theo đó, Bộ không tổ chức thi tuyển thiết kế, bản vẽ cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu tuyến đường sắt, khi lập dự án không tính toán đến việc xử lý nền đất yếu dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung.

Đáng chú ý, lưu lượng hành khác sử dụng đường sắt Cát Linh-Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc (TEDI) giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT. Trên thực tế, những phân tích hiệu quả kinh tế từ khi lập dự án, ký hiệp định vay vốn năm 2008 đã không được chủ đầu tư là Bộ GTVT và Cục Đường sắt VN thẩm định, làm rõ. Trong những năm tiếp theo cũng chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả hơn.

Theo Kiểm toán Nhà nước, về hiệu quả kinh tế của dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên đường sắt Cát Linh- Hà Đông được kết luận mang lại hiệu quả kinh tế là hoàn toàn “thiếu chính xác”.

“Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả. Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.321 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế xã hội khi tăng vốn dự án. Hơn nữa, việc tăng vốn này chưa xác định cơ sở điều chỉnh tăng chi phí các hạng mục thiết bị, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ và chi phí chạy thử”, Tuổi trẻ trích kết quả Kiểm toán khẳng định.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xác định, làm rõ trách nhiệm với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án một số hạng mục xây lắp, vật tư, thiết bị còn nhiều sai sót, ký phụ lục hợp đồng số 11, thương thảo bổ sung 21,07 triệu USD chi phí xây dựng tăng thêm thiếu cơ sở pháp lý.

Cụ thể, KTNN khẳng định: “Đến hết tháng 6-2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng”.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Hứa và thất hứa: Bộ GTVT bất lực với nhà thầu Trung Quốc dự án Cát Linh- Hà Đông

Dự toán nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam về quản lý định mức đơn giá, quản lý hợp đồng EPC với số tiền khoảng 889 tỉ đồng, chưa xác nhận được số tiền 1.659 tỉ đồng chủ đầu tư đã rót vào dự án.

Còn điều đáng nói nữa là, đối với riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỉ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%).

“Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, Tuổi trẻ dẫn kết luận của Kiểm toán Nhà nước nêu.

“Đặc biệt, Bộ GTVT phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư”, Kiểm toán Nhà nước kết luận.

Nếu tính theo thời điểm, chịu trách nhiệm về những sai sót liên quan đến bộ trưởng và các thứ trưởng phụ trách dự án từ 2011-2016, dưới thời ông Đinh La Thăng và thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.

Với Cục Đường sắt Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đề nghị phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trong tạm phê duyệt dự toán gói thầu EPC, thẩm định, phê duyệt dự toán còn nhiều sai sót, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu giữa các nhà thầu TQ không đúng quy định.

Cụ thể, Cục Đường sắt Việt Nam đã từng đảm trách vai trò làm chủ đầu tư dự án cho đến năm 2014, nhưng đơn vị này chưa có kinh nghiệm quản lý, dẫn tới tiến độ từ khi khởi động đến năm 2014 rất ì ạch, trong khi tổng mức đầu tư lại tăng do hàng loạt sai sót trong tính đơn giá, bổ sung thiết kế.

Đến thời điểm tháng 8.2014, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt trước đó thuộc sự điều hành quản ký của Cục Đường sắt Việt Nam đã bị sáp nhập với Ban Quản lý các dự án đường sắt (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) thành Ban QLDA đường sắt và điều chuyển về Bộ quản lý trực tiếp sau hàng loạt yếu kém.

Cát Linh – Hà Đông và án hối lộ

Theo đó, nhân sự lãnh đạo Ban QLDA có nhiều thay đổi. Ông Trần Văn Lục giữ chức Giám đốc Ban QLDA đường sắt từ năm 2011 - 2014 (trước đó ông này là Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt của Tổng công ty đường sắt VN - VNR từ 2000 - 2009). Năm 2014, ông Lục cùng phó tổng giám đốc VNR bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn do liên quan đến nghi án nhận hối lộ của Công ty tư vấn giao thông JTC (Nhật Bản) tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông  - Sputnik Việt Nam
Dự án Cát Linh - Hà Đông tăng vốn hơn 200%, không báo cáo Thủ tướng để xin chủ trương của Quốc hội

Sau khi ông Trần Văn Lục bị khởi tố, ông Nguyễn Mạnh Hùng được Bộ GTVT bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Ban QLDA tháng 7.2014. Tuy nhiên, sau sự cố nghiêm trọng sập đà giáo khiến 1 người chết ngày 28.12.2014 tại dự án Cát Linh - Hà Đông, tối 29.12 Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký quyết định giáng chức ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ngày 6.1.2015, ông Lê Kim Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt cho tới đầu tháng 7.2017.

Trong văn bản mà Bộ GTVT trả lời cử tri gần đây, Bộ cho rằng việc chậm tiến độ, đội vốn khủng…tất cả chủ yếu thuộc về Tổng thầu Trung Quốc EPC, ngoài ra còn có trách nhiệm của Ban QLDA đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, ai, tập thể nào phải đứng ra nhận trách nhiệm theo từng giai đoạn, tững lĩnh vực cụ thể thì Bộ GTVT vẫn chưa làm rõ.

“Hiện Bộ GTVT vẫn đang thực hiện các kết luận theo yêu cầu của KTNN (báo cáo trước 30.9), gồm các kiến nghị xử lý tài chính và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến sai sót tại dự án Cát Linh - Hà Đông”, Thanh Niên cho hay.

Chọn Tổng thầu Trung Quốc EPC là sai lầm?

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, trong quá trình xét thầu, chủ đầu tư và tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ chưa làm rõ năng lực kinh nghiệm của Tổng thầu.

“Tổng thầu EPC chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Dự án tổng thể theo hình thức EPC, đồng thời chưa thực hiện đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong thiết kế. Công tác  quản lý điều hành của Tổng thầu Trung Quốc còn lúng túng và bất cập do cách thức triển khai dự án ở mỗi quốc gia khác nhau. Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung còn nhiều vướng mắc. Các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC chưa đầy đủ”, Bộ GTVT thừa nhận.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng vốn vay Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông chưa hiệu quả do phối hợp giải quyết những vướng mắc cơ chế tài chính dự án chậm.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay khoảng 669,6 triệu USD từ Trung Quốc.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá: “Việc vay vốn Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án nhưng phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỉ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án”.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Sputnik Việt Nam
Dự án Cát Linh-Hà Đông: Thi công xong nhưng chưa thể bàn giao

Chủ đầu tư là Bộ GTVT và Tổng thầu EPC đã nhiều lần “lỗi hẹn” đối với dự án Cát Linh- Hà Đông. Theo hợp đồng EPC thời gian hoàn thành, chạy thử, bàn giao dự án vào năm 2014, sau đó được điều chỉnh kéo dài tới tháng 9 - 2017. Đến nay, tháng 9.2019, công trình này vẫn chưa được bàn giao và đưa vào vận hành. Chủ đầu tư dự án cũng chưa xác định rõ được trách nhiệm của Tổng thầu về nhũng thiệt hại do việc chậm trễ kéo dài gây ra, qua đó xử lý theo quy định.

Ngày 30/5/2008, Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Chính phủ Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung giữa hai quốc gia để thi công chỉ 13 km đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Đáng chú ý, Bộ GTVT khi ấy là đơn vị thẩm định, phê duyệt cho Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) - đơn vị mà chính Bộ này cũng lên tiếng thừa nhận, chưa bao giờ thi công đường sắt, trúng thầu.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала