Đà Nẵng lấy ý kiến đặt tên đường mang tên hai giáo sĩ phương Tây

Cầu Rồng tại Đà Nẵng
Cầu Rồng tại Đà Nẵng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ủy Ban nhân dân (UBND) TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 12 năm 2019 của Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) thành phố.

Đặt tên đường để ghi nhớ người có công lao đóng góp cho đất nước

Ngày 7/10, theo dự án mà Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng đề xuất, cần đặt tên cho 137 tuyến đường (quận Cẩm Lệ 57 đường, Hải Châu 16 đường, Liên Chiểu 28 đường, Ngũ Hành Sơn 17 đường, Sơn Trà 10 đường, Thanh Khê 3 đường, Hòa Vang 6 đường); đặt tên cho 1 cây cầu; điều chỉnh và đăt tên mới cho 1 đường.

Trong danh sách đề xuất đặt tên đường lần này của Đà Nẵng đáng chú ý có 2 giáo sĩ (linh mục) Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes.

Ông Nguyễn Bá Thanh. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam sẽ có đường mang tên Nguyễn Bá Thanh?

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có công lao rất lớn trong quá trình tạo ra chữ Quốc ngữ.

Cụ thể, tên tuổi 2 vị giáo sĩ được đề nghị lấy ý kiến để đặt tên cho hai tuyến đường (7,5m và 10,5m) ở khu đông nam đài tưởng niệm thuộc quận Hải Châu.

Tuy được các nhà sử học, nghiên cứu văn hoá giới thiệu cho Sở nhưng khi lấy ý kiến người dân đã có một số cán bộ hưu trí nêu quan điểm không đồng ý với việc đặt tên đường mang tên hai giáo sĩ.

Mặc dù vậy, ông Hùng chia sẻ, các chuyên gia đều đánh giá cao công lao của những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, kể cả người Việt Nam và các giáo sĩ nước ngoài.

Ngoài ra, thành phố dự kiến đặt tên nhiều tuyến đường để ghi nhận và tôn vinh công lao của những người có nhiều đóng góp cho đất nước như Mẹ Suốt (1906-1968); Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều (1945-1972); nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003); nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông (1926-2010).

Những cống hiến của hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes

Giáo sĩ Dòng Tên Francisco De Pina (1585 - 1625) sinh tại thành phố Guarda thuộc Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong (Việt Nam) năm 1617 ngay sau Biến cố Cửa Hàn. Ông đã học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. 

Francisco De Pina đã biên soạn tài liệu về “Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt”, lập trường đào tạo phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha, chủ yếu phục vụ hoạt động truyền giáo. Giáo sĩ cũng đồng thời đã dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác như Alexandre De Rhodes (Pháp), Antonio de Fonte (Bồ Đào Nha) hay Girolarmo Majorica (Ý).

Sau này, trong lời tựa cuốn “Từ điển Annam-Bồ-Latinh/Dictionarium Annamiticum Lusitanum e Latinum” xuất bản năm 1651, Alexandre de Rhodes công khai thừa nhận vai trò số một của Francisco de Pina trong việc Latinh hóa tiếng Việt, khẳng định Francisco de Pina là “người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.

TPHCM - Sputnik Việt Nam
Đô thị Thủ Thiêm có tên đường nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

Alexandre De Rhodes (1593 – 1660) là một giáo sĩ xuất thân ở Avignon (miền Nam nước Pháp) trong một gia đình gốc Do Thái. Năm 1624, ông được cử đến Đàng Trong (Việt Nam), đến năm 1627, ông cùng một giáo sĩ Bồ Đào Nha là Marquez đến Đàng Ngoài thực hiện truyền đạo.

Năm 1630, ông bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài và phải về dạy học tại Áo Môn (căn cứ của Bồ Đào Nha ở Trung Quốc).

Năm 1640, Alexandre De Rhodes lại được cử vào Đàng Trong nhưng sau 7 tháng hoạt động thì bị chính quyền nhà Nguyễn trục xuất.

Sau nhiều lần qua lại, năm 1651, trên cơ sở thành tựu của Gaspar de Amaral, Cristophoro Borri, Antonio Barbosa cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả của các thầy giảng người Việt, ông đã hoàn thành quyển Tự điển Việt – Bồ – Latin, đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh.

Dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2019 nhấn mạnh:

“Có thể nói, cùng với Francisco de Pina, ông Alexandre De Rhodes là người có công lớn trong việc chế tác ra chữ Quốc ngữ. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ đã đóng góp quan trọng vào nền văn hóa dân tộc sau này”.

Tháng 12 tới, Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội thảo 100 năm tôn vinh chữ Quốc ngữ. 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала