Ấn Độ từ chối ký RCEP: Việt Nam sẽ phải gánh vác sứ mệnh khó khăn

© Ảnh : Thống Nhất – TTXVNThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ấn Độ thêm một lần nữa gây khó chịu cho Bắc Kinh khi không cùng 15 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây được coi là một thất bại với Trung Quốc. Triển vọng của RCEP cũng như những tác động đến kinh tế Việt Nam và các nước ASEAN như thế nào?

RCEP sẽ được ký vào năm 2020?

Theo Tuyên bố chung được đưa ra bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và nhiều hội nghị liên quan diễn ra tại Thái Lan, 15 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), không bao gồm Ấn Độ đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong Hiệp định gồm hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc hy vọng RCEP sẽ được ký kết và có hiệu lực sớm

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đã đánh giá cao sự đột phá trong tiến trình đàm phán RCEP, đồng thời cam kết sẽ ký văn kiện này vào năm 2020 để thúc đẩy giao dịch thương mại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và tự do hóa cho các hoạt động đầu tư.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, RCEP được ASEAN khởi xướng vào năm 2012 và là thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước hành viên ASEAN và 6 đối tác. Công cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được bắt đầu từ năm 2013. Mục tiêu ban đầu đặt ra nhắm vào việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa khu vực Đông Nam Á và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, việc kết thúc đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa.

“Sau gần 7 năm đàm phán, trong năm 2019 chúng tôi đã chứng kiến sự nỗ lực rất lớn của tất cả các bên, đặc biệt là tại phiên đàm phán lần thứ 28 tại Đà Nẵng vào tháng 9 vừa qua. Tôi rất vui mừng khi ngày hôm nay các nước đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn Hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để có thể đi đến thống nhất trong năm sau. Các nước cũng nhất trí sẽ sớm tiến hành rà soát pháp lý lời văn Hiệp định để triển khai các thủ tục ký kết trong năm 2020”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết khi trả lời TTXVN.

Các bên hy vọng rằng, là một hiệp hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.

Theo đó, hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình tăng trưởng và sự phát triển kinh tế giữa các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

RCEP tác động đến kinh tế Việt Nam thế nào?

Về tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đối với Việt Nam, trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ tháng 1.2018 và ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6.2019, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc chụp ảnh chung - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc và ASEAN làm ví dụ cho Ấn Độ về cách tiếp cận thực dụng tới RCEP
“Khi RCEP được ký kết và có hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN và 6 nước cộng thêm cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nhận định về triển vọng cho doanh nghiệp Việt Nam từ Hiệp định này, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin cho biết:

“RCEP là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đã tham gia. Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào RCEP bởi sẽ tạo ra một thị trường “khổng lồ”, với gần 50% dân số thế giới, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới”.

Theo đó, đây cũng là thị trường ấn tượng với mức độ phát triển kinh tế mạnh mẽ nên nhu cầu hàng hóa, sản xuất là rất lớn.

Theo bà Trang, đặc điểm của người tiêu dùng trong RCEP (16 nước) là một bộ phận không có nhiều đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm. Cụ thể, thị trường này có nhu cầu rất lớn về sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt - may, giày – dép, thời trang. Đối với thương mại và dịch vụ, RCEP có đàm phán mở cửa tốt hơn. Đặc biệt là đàm phán về thương mại điện tử, tạo đà cho sự phát triển của thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực khác.

© Ảnh : Thống Nhất – TTXVNThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3
Ấn Độ từ chối ký RCEP: Việt Nam sẽ phải gánh vác sứ mệnh khó khăn - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3

Trả lời câu hỏi RCEP khác gì so với những Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay mà Việt Nam đã ký kết, vị chuyên gia khẳng định:

“RCEP thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị, trong khi CPTPP chỉ dừng ở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cam kết. Ngoài ra, RCEP đàm phán mở cửa thị trường mua sắm công - mua sắm của Nhà nước”.

Theo bà Thu Trang, trong bất kỳ thị trường nào thì mua sắm của Nhà nước luôn cực kỳ lớn, tuy nhiên, đặc trưng của nhiều nước là lâu nay họ vẫn đóng của thị trường này để ưu tiên doanh nghiệp trong nước. Việc tham gia RCEP cho phép mở cửa thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rất lớn.

Bên cạnh đó, VCCI cũng kỳ vọng về cơ hội xuất, nhập khẩu từ RCEP. Ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng, thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại đồng thời giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ sản xuất.

“Hiện các nước tham gia RCEP đang cung cấp từ 80-90% nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam. Có thể nói Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực này để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Nếu RCEP được ký kết thì mức thuế xuất khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng có thể chỉ là từ 0-5%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu thì quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là quan trọng nhất. Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là từ Việt Nam”, đại diện VCCI khẳng định.

Triển vọng và cơ hội của RCEP là rất lớn, tuy nhiên, theo bà Trang, RCEP bao trùm toàn bộ chuỗi sản xuất một số loại hàng hóa của Việt Nam.

Đại diện VCCI lấy ví dụ như ở lĩnh vực dệt - may, CPTPP không có Trung Quốc tham gia, nên Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan do nguyên liệu dệt - may chủ yếu nhập từ Trung Quốc vì không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Nhưng với RCEP, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng được điều này.

Vì sao 16 quốc gia chưa ký kết được RCEP?

Ngày 4.11, Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 đã được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan cùng sự tham dự của các nhà lãnh đạo 16 nước đang tham gia đàm phán Hiệp định RCEP. Tuy nhiên, việc 16 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không đạt được thỏa thuận về ký kết hiệp định thương mại lịch sử trong năm nay được xem là điều rất đáng tiếc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại lễ công bố.  - Sputnik Việt Nam
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần 8

Nhiều chuyên gia kinh tế và quan hệ quốc tế nhận định rằng, không ký được RCEP là đòn giáng mạnh vào những quốc gia ủng hộ thương mại tự do và nhất là đối với Bắc Kinh, bởi Trung Quốc luôn có tham vọng mở rộng quan hệ đối tác trong khi bị chính quyền Mỹ “kìm hãm” đã phát triển kinh tế bằng chiến tranh thương mại.

Dù có được sự đồng thuận của 15/16 quốc gia đối với RCEP nhưng Ấn Độ lại từ chối ký kết với quan điểm ngược lại. Theo đó, tất cả các quốc gia thành viên RCEP trừ Ấn Độ có ý định tiến hành các quy trình pháp lý cần thiết để ký hiệp định vào năm 2020, đồng thời làm việc với Ấn Độ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 01.11, các nhà đàm phán đã không đạt được thỏa thuận, nhưng các phái đoàn tham gia đàm phán đã chọn cách tiếp tục thảo luận về các vấn đề còn lại trước khi Hội nghị Cấp cao RCEP diễn ra vào ngày 4.11.

Tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị khẳng định 15 quốc gia kết thúc đàm phán, duy chỉ còn Ấn Độ còn tiếp tục thảo luận. Những cuộc đàm phán không chính thức bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã bộc lộ khoảng trống rất khó thu hẹp để đạt được 100% sự đồng thuận khi ký kết RCEP.

Lý giải về quyết định từ chối ký kết RCEP của Ấn Độ, nhiều chuyên gia cho rằng, nước này hiện đang thể hiện lập trường hết sức cứng rắn. Quốc gia Nam Á này muốn có nhiều biện pháp bảo hộ hơn trong hiệp định do thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, và từ chối nhượng bộ. Thái độ trái ngược của New Delhi đã gây khó chịu cho Bắc Kinh, bên đã từng đề xuất các nước tiếp tục đưa RCEP trở thành hiện thực mà không có Ấn Độ.

Thượng đỉnh ASEAN - Sputnik Việt Nam
Việt Nam bắt đầu làm Chủ tịch ASEAN

Phát biểu chia sẻ về quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết:

“Đàm phán RCEP có thể nói là một trong những cuộc đàm phán thương mại phức tạp. Ngay từ trước khi bắt đầu đàm phán, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Tuy nhiên, cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó. Ngoài ra, bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt”.

Lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước trong khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong đàm phán Hiệp định RCEP.

“Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia”, ông Trần Tuấn Anh nhận định.
“Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала