Vì danh dự của Việt Nam, phải gỡ được ‘thẻ vàng’ EU

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Xuất khẩu thủy sản sang EU không có ý nghĩa nhiều về kinh tế nhưng là danh dự của Việt Nam. Thông qua việc xóa được thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước khác một cách hiên ngang.

Xóa thẻ vàng EU để thủy sản Việt Nam hiên ngang đi các nước khác

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường hôm nay ngày 6.11, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã đặt câu hỏi, đề nghị Chính phủ đưa ra chính sách, giải pháp đột phá để cơ cấu lại, phát triển bền vững ngành thủy sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” từ EU.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tại Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.  - Sputnik Việt Nam
Thủy sản Việt Nam gỡ "thẻ vàng" của EC như thế nào?

Trả lời các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc lại quy định, chế tài mà thị trường này vẫn áp dụng đó là, Liên minh châu Âu (EU) có Luật IUU chung cho 28 nước thành viên và tất cả các quốc gia khác khi muốn xuất khẩu thủy sản đến EU. Định chế này nghiêm cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo, khai báo không đúng, để bảo vệ tài nguyên biển, đại dương phát triển bền vững.

Chế tài này chính thức có hiệu lực từ năm 2011. Từ đó đến nay, 25 quốc gia bị rút thẻ, trong đó có 2 cấp: thẻ vàng và thẻ đỏ. Nếu rút thẻ vàng có nghĩa tất cả những hải sản của nước đó xuất sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, trong khi trước đó kiểm soát có xác suất. Còn nếu bị thẻ đỏ nghĩa là 28 nước thành viên trong EU sẽ không nhập hải sản của quốc gia đó nữa.

“Việt Nam trước đây do hạn chế về tiềm năng, năng lực khai thác ngư trường... nên có những sai phạm trong đánh bắt. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý, khai báo sản phẩm không đúng yêu cầu… Do đó, ngày 23/10/2017, EU chính thức rút thẻ vàng với Việt Nam. Từ đó đến nay, chúng ta đã tập trung nỗ lực các chương trình hành động để xóa thẻ vàng EU”, Vietnam+/ TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
“Chúng ta phải xác định rằng EU kiến nghị 9 nội dung để xóa thẻ vàng EU cũng trùng với lợi ích của Việt Nam, phải tái cơ cấu lại nghề cá tự phát thành nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Việc này không chỉ thực hiện cho những năm tới mà còn lâu dài cho con cháu, đảm bảo hiệu quả cho những ngư dân tham gia hoạt động này”,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.

Bộ trưởng cho hay, qua 2 năm triển khai các biện pháp, hiện Việt Nam được ghi nhận không còn vi phạm hành vi khai thác trái phép trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương và các quốc đảo. Tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía Nam vẫn còn. Cụ thể, năm 2019 có 113 vụ, gồm hơn 180 ngư dân của 8 tỉnh, thành tại Việt Nam vi phạm.

 Thị trường EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.  - Sputnik Việt Nam
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thắng lớn?

Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên; trong đó, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như: nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên là 2.019/2.618 tàu cá (77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét là 4.996/28.923 tàu cá (17,3%) và nhóm tàu dưới 15 mét là 77 tàu cá.

“Việc thực hiện các bước khác từ công tác tổ chức quản lý, ghi nhận của doanh nghiệp, của ngư dân chưa tốt. Tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát trên các tuyến biển đã cho thành lập kiểm ngư ở địa phương, nhưng trên thực tiễn hiện nay mới có 2 tỉnh thành lập. Do đó, khâu kiểm soát của ba đới từ đới bờ, đới lộng và đới khơi hiện nay tuy có mấy lực lượng tham gia nhưng chưa đạt hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn thừa nhận.

Theo lời đồng chí Bộ trưởng, hôm nay 6.11, EU đã cử một phái đoàn sang kiểm tra lần thứ hai đối với Việt Nam. Việt Nam cũng nêu quan điểm rõ ràng, những khuyến nghị từ phía EU trùng với hướng phấn đấu của Việt Nam, giúp phát triển nghề cá bền vững.

“Hàng triệu ngư dân, 96.606 tàu đánh bắt cá, với hơn 2.000 tàu lớn, phạm vi hoạt động rộng như thế không thể nào một sớm một chiều yêu cầu làm đồng loạt. Chúng ta phải đồng lòng, tiếp tục quyết liệt từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, ngư dân để xử lý dứt điểm vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Vị Tư lệnh ngành đề nghị các địa phương như Cà Mau, Phú Yên, Bình Định quyết tâm, quyết liệt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các doanh nghiệp, bà con ngư dân vì quyền lợi lâu dài và vì thương hiệu Việt Nam phải chung tay thực hiện thật tốt.

“Xuất khẩu hải sản sang EU chỉ có giá trị mấy trăm triệu USD, không có ý nghĩa quá lớn về kinh tế. Nhưng đây là danh dự của Việt Nam. Thông qua việc xóa được thẻ vàng EU, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Hay như vừa rồi Hoa Kỳ công nhận chất lượng cá tra và cũng vì lợi ích lâu dài của con cháu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Rà soát lại quy hoạch và chính sách hỗ trợ thủy sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Đồng chí Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đại diện Chính phủ Việt Nam, trước hết, phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đồng thời gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với điều kiện phát triển thủy sản của từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.

EU - Sputnik Việt Nam
Việt Nam gỡ “thẻ vàng” của EU: Tăng kiểm soát tại cảng và xử lý trên biển
Đặc biệt, ngành thực hiện gắn tái cơ cấu với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.

“Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển, coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản trong giai đoạn tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật Quy hoạch trên cơ sở tái cơ cấu ngành thủy sản. Phải đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng biển Quốc gia để báo cáo Quốc hội; đồng thời tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

© Ảnh : Nguyễn Thành - TTXVNĐội tàu cá của tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác hải sản.
Vì danh dự của Việt Nam, phải gỡ được ‘thẻ vàng’ EU - Sputnik Việt Nam
Đội tàu cá của tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác hải sản.

Với những cơ sở nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập Quy hoạch các vùng kinh tế, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó, xác định rõ các quy hoạch cần tích hợp vào quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh như quy hoạch hạ tầng thủy sản, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản cả trên biển.

Theo đồng chí Trịnh Đình Dũng, các Bộ, ngành cũng cần rà soát lại các cơ chế chính sách hiện có để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành thủy sản.

Giải quyết tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến một nội dung quan trọng khác là phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản; đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu kiểm tra cảng cá Quy Nhơn. - Sputnik Việt Nam
EC sẽ sớm gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam

Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Ủy ban châu Âu ra “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, và 28 địa phương ven biển để triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt. Hiện tại, 7 địa phương còn có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

“Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo thẻ đỏ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản, nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân”, đồng chí Phó Thủ tướng lưu ý.

Chốt lại vấn đề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các ĐBQH tại các địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố ven biển hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân; cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thủy sản Việt Nam.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала