Quốc hội thông tin về nhân sự thay thế bà Kim Tiến, Luật Biểu tình và Biển Đông

© Ảnh : Phương Hoa - TTXVNTổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lên tiếng về nhân sự thay thế bà Nguyễn Thị Kim Tiến trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề đặt hàng hay lobby đại biểu, vì sao đến giờ Luật Biểu tình vẫn chưa được thông qua. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh lập trường bảo vệ chủ quyền Biển Đông cũng như lợi ích quốc gia dân tộc.

Ai sẽ thay thế bà Nguyễn Thị Kim Tiến?

Chiều 27.11, tại buổi họp báo thông tin kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã lên tiếng về một số vấn đề quan trọng như nhân sự thay thế Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến được phê chuẩn miễn nhiệm, có hay không chuyện “nhóm lợi ích” đặt hàng “lobby” đại biểu quốc hội hay vấn đề Luật Biểu tình của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Cụ thể, phóng viên đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc về việc Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin nhân sự thay thể để Quốc hội xem xét thông qua.

“Hiện Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm nhiệm nhiệm vụ Bộ trưởng Y tế thay cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến sau khi QH miễn nhiệm. Vậy ông Vũ Đức Đam sẽ đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Y tế đến khi nào? Và khi nào Bộ Y tế có Bộ trưởng mới?”, phóng viên nêu câu hỏi.

Giải đáp về vấn đề này, Tổng Thư Ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Quốc hội chỉ tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.Khi nào Thủ tướng chọn được người đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, “và Quốc hội phê chuẩn thì phê chuẩn thôi chứ Quốc hội không quyết định việc bầu nhân sự”.

“Vừa qua Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân phụ trách Bộ Y tế, đến khi nào có nhân sự và Chính phủ đề xuất sang thì Quốc hội sẽ phê chuẩn. Về thời gian cũng do Chính phủ chứ Quốc hội không quyết việc này. Các thành viên Chính phủ thì do Chính phủ đề xuất”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Trước đó, ngày 22.11, trong khuôn khổ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến với số phiếu 424/454 (chiếm 93%).

Việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế được thực hiện qua hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Quốc hội Việt Nam có quan tâm đến Luật Biểu tình?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo. - Sputnik Việt Nam
Vì sao Việt Nam chưa ban hành Luật Biểu tình?
Tại buổi họp báo chiều nay, phóng viên nêu câu hỏi, có ý kiến cho rằng, trong phiên thảo luận gần đây tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đang “né” hay lơ trách nhiệm với Luật Biểu tình và Luật về Hội (quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội), khi nào Ủy ban Pháp luật có thể trả lời cho cử tri và nhân dân về hai luật này. Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc quyết định trả lời luôn vấn đề này chứ không “đẩy qua” cho Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Không phải là Quốc hội không quan tâm đến Luật Biểu tình mà đến giờ này Chính phủ chưa trình sang”.

 Theo Tổng thư ký Quốc hội, hiện tại, Chính phủ vẫn đang chuẩn bị dự án luật này, khi nào Chính phủ hoàn thiện thấu đáo thì sẽ trình lên Quốc hội.

“Đến nay thì Chính phủ chưa báo cáo để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Có hay không nhóm lợi ích lobby, đặt hàng ĐBQH?

Cũng tại phiên họp báo chiều 27.11, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến nghi vấn, có hay không việc ĐBQH được “lobby, đặt hàng theo chủ đích của nhóm lợi ích nào đó”. Trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, rõ ràng chính trong các phiên thảo luận ở Quốc hội, có đại biểu liên tục nói về duy nhất một vấn đề, đồng thời cũng có hiện tượng phát biểu trùng lặp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội tiếp các Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao

Trước đó, trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng ĐBQH “đọc bài phát biểu của người khác”.

Bình luận về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, rất khó để xác định việc “lobby hay đặt hàng ĐBQH”.

“Nếu có phần mềm nào đó phân tích được thì tốt”, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc  nhận định.

Bên cạnh đó, ông cũng thông tin, đại biểu Quốc hội có quyền thuê chuyên gia nghiên cứu bài phát biểu trước hội trường và họ được cấp kinh phí cho việc này.

Còn về vấn đề trùng lặp nội dung phát biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải có thể do các ĐBQH cùng nghiên cứu hay quan tâm một vấn đề. Bên cạnh đó, có những vấn đề nổi cộm thì chuyện với gần 500 đại biểu việc trùng lặp là dễ hiểu.

“Có đại biểu nói trùng rồi thì xin rút, nhưng có người đã đăng ký và biết có cử tri theo dõi nên họ phát biểu bình thường. Theo tôi, cái đó không đặt vấn đề nặng nề quá, tôi khuyến khích đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu càng nhiều càng tốt, trùng nhau cũng không sao”, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.

Tuy nhiên, phóng viên vẫn nêu nghi vấn, dẫn chứng cựu đại biểu Nguyễn Anh Sơn từng phát hiện có bốn bài phát biểu của ĐBQH có những đoạn giống nhau y chang, kể cả “sai cũng sai giống nhau”.

Ông Nguyễn Anh Sơn khi ấy cho rằng, có những Bộ, ngành gửi bài phát biểu cho ĐBQH đọc. Ngoài ra, cũng có hiện tượng cử tri phản ánh có đại biểu tập trung quá nhiều vào một dự án, một chính sách hay khía cạnh có lợi cho Bộ, ngành hay địa phương nào đó. Việc này sẽ có ảnh hưởng xấu đến chất lượng thảo luận cũng như quyết định của Quốc hội.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình ĐBQH khi đi làm việc với bộ ngành qua trao đổi thì không thể không có chuyện đó, nhưng không vì thế mà làm lệch lạc chủ trương đúng đắn.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu vấn đề đại biểu đặt ra là đúng thì rất tốt, còn không thì Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo.

Biển Đông: Quốc hội Việt Nam kiên trì bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia

Trước đó cũng trong chiều 27.11, phát biểu trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổng kết kết quả 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả.

Theo đó, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.  - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định,  phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và bầu ông Hoàng Thanh Tùng làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

“Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết.

Đặc biệt, vấn đề Biển Đông cũng được Quốc hội và các đại biểu dành sự quan tâm, thảo luận, thống nhất quan điểm kiên định lập trường quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia của Việt Nam.

“Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình Biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh, kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề  về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, tiến hành chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều Bộ trưởng khác, đại diện chính phủ, ban, ngành tham gia trả lời chất vấn.

Đáng chú ý, Quốc hội đã xem xét, thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ban hành Nghị quyết phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Kết quả kỳ họp tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội giao. Tại kỳ họp này, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, dần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng chia sẻ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала