Tấm huân chương Liên Xô của chiến sĩ Hồng quân người Việt trong căn hộ ở Matxcơva

© ẢnhBà quả phụ Đặng Thị Loan trong nghi lễ nhận huân chương truy tặng ông Lý Phú San
Bà quả phụ Đặng Thị Loan trong nghi lễ nhận huân chương truy tặng ông Lý Phú San  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào 9 tháng 5, nhân dân Nga ghi nhớ món nợ ân nghĩa với tất cả những người đã bảo vệ quê hương trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chống phát-xít Đức, tôn vinh tất cả những ai đã góp công đánh bại kẻ thù. Trong số đó có bảy người Việt từng hiện diện ở Matxcơva vào thời điểm bắt đầu chiến tranh.

Ngay trong ngày thứ tư của cuộc chiến, những người con của đất mẹ Việt Nam đó đã bày tỏ nguyện vọng được phục vụ trong hàng ngũ Hồng quân. Sáu người đã chiến đấu trong thành phần Lữ đoàn xạ kích cơ giới đặc biệt (gọi tắt là OMSBON). Các chiến sĩ quốc tế này tham gia bảo vệ Matxcơva tại trận địa ngoại vi, ngày nay nằm giữa chặng đường từ sân bay Sheremetyevo về thủ đô, được đánh dấu bằng mô hình cột bê-tông chéo nhau của «hàng rào lông nhím» chống tăng thuở chiến sự xa xưa. Ngay từ thời Xô-viết,  vào dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng, với sự tham gia tích cực của Ban Việt ngữ Đài phát thanh Matxcơva bấy giờ - tiền thân của Sputnik hiện nay - đã xác minh được danh tính bốn người trong nhóm này: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất. Năm 1986, các chiến sĩ Hồng quân người Việt đó được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất của Liên Xô, danh tính của họ được khắc trên bảng vàng trong Bảo tàng Trung ương của Lực lượng Vũ trang Nga ở Matxcơva.

Bộ hiện vật của Bảo tàng Lực lượng Vũ trang TƯ Liên bang Nga đã bổ sung thêm họ tên của các chiến sĩ Hồng quân người Việt tham gia bảo vệ Matxcơva hồi mùa đông 1941-1942.
Tấm huân chương Liên Xô của chiến sĩ Hồng quân người Việt trong căn hộ ở Matxcơva - Sputnik Việt Nam
Bộ hiện vật của Bảo tàng Lực lượng Vũ trang TƯ Liên bang Nga đã bổ sung thêm họ tên của các chiến sĩ Hồng quân người Việt tham gia bảo vệ Matxcơva hồi mùa đông 1941-1942.

Họ tên hai chiến sĩ người Việt khác của OMSBON – Lý Văn Minh và Lý Tự Thông cũng được xác minh kịp trước khi ngừng trao các phần thưởng của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại vì Liên Xô tan rã.

Và còn thêm một người Việt nữa đã tham gia vào cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Liên Xô chống phát-xít Đức. Đó là Lý Phú San. Danh tính của ông cũng được ghi trân trọng trong Bảo tàng Quân đội Matxcơva. Lý Phú San là họ tên do vị lãnh tụ Việt Nam Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đặt cho khi còn ở Paris. Tên thật của ông Lý Phú San là Lê Tự Lạc, có tên nữa là Lê Phan Chăn. Trong số bảy chiến sĩ người Việt đặc biệt này, duy nhất có ông Lý Phú San còn sống sót đến ngày Chiến thắng.

© SputnikÔng Lý Phú San
Tấm huân chương Liên Xô của chiến sĩ Hồng quân người Việt trong căn hộ ở Matxcơva - Sputnik Việt Nam
Ông Lý Phú San

Vào đầu những năm 1930, Lý Phú San được tổ chức cách mạng gửi từ Paris sang Liên Xô để theo học Đại học Cộng sản Đông phương ở Matxcơva. Sau đó, ông làm việc một thời gian trong xưởng đường sắt ở thành phố Gomel, nơi ông từng qua đợt thực tập lao động khi còn là sinh viên. Năm 1937, ông trở lại Matxcơva và bắt đầu làm việc trong một bệnh viện thủ đô, thực hiện chức trách của một nhân viên y tế trẻ tuổi phụ giúp cho các y bác sĩ.

Khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin tòng quân. Nhưng vì lý do sức khỏe, ông đã không được toại nguyện ra mặt trận, mà ở lại phục vụ trong một quân y viện ở thủ đô. Nhân viên người Việt mảnh khảnh này tham gia việc chữa trị cho các thương binh Hồng quân và đã mấy lần hiến máu cứu sống các đồng đội Xô-viết. Lý Phú San cũng góp sức xây dựng các công trình phòng ngự ở ngoại ô Matxcơva. Nhiều đêm ông túc trực trên trạm gác phòng không, cùng mọi người dập tắt những đám cháy bùng lên do máy bay phát-xít ném bom.

Huân chương Chiến tranh Vệ quốc - Sputnik Việt Nam
Các chiến sĩ người Việt là những người cuối cùng được tặng huân chương Chiến tranh của Liên Xô
Đến đầu năm 1942, đội quân hung hãn của kẻ thù phát-xít đã bị đánh bật ra xa Matxcơva. Cùng trong thời gian này, tại Liên Xô đã tạo lập nền tảng công nghiệp hùng hậu, trước hết là ở các khu vực miền đông của đất nước cách xa tiền tuyến. Các xí nghiệp mới được xây dựng trên địa bàn này, những nhà máy từ miền tây Liên Xô cũng được di chuyển sơ tán về đây. Rất cần những bàn tay thợ. Lý Phú San được cử về miền đông, nơi đang là mặt trận lao động hàng đầu của đất nước Xô-viết. Ông nhận công tác tại Ural, trong một xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô, chuyên sản xuất vũ khí cho tiền tuyến. Cùng với tập thể công nhân Nga, người thợ Việt này đã chia sẻ mọi khó khăn gian khổ của đất nước Xô-viết trong giai đoạn đó.

Để tưởng thưởng vinh danh chiến thắng trước bọn phát-xít Đức, ông Lý Phú San đã được trao tặng huy chương «Vì thành tích lao động xuất sắc trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại». Từ đầu những năm 50, ông làm Giám đốc sân vận động Sverdlovsk, bây giờ là thành phố Ekaterinburg, nhiều lần được trao Bằng khen ghi nhận kết quả công tác tiên tiến. Sau khi Việt Nam được giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, Lý Phú San trở về Hà Nội, tìm lại người vợ hiền là bà Đặng Thị Loan. Ông tham gia xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì, công trình được thực hiện với sự giúp đỡ của phía Liên Xô. Sau đó, ông là nhân viên trong Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Ông Lý Phú San từ trần năm 1980, hưởng thọ 80 tuổi. Con gái ông là Lê Thị Phượng sang Matxcơva để bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Nga, ngôn ngữ thấm đượm tình yêu do người cha truyền lại. Năm 1992, chị Lê Thị Phượng mang di cốt của cha mình sang Matxcơva thờ phụng, rồi năm 2000 an táng song thân trong một nghĩa trang ở thủ đô Nga, mảnh đất mà ông Lý Phú San từng góp công sức bảo vệ khỏi bọn Đức Quốc xã.

Tấm huân chương Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại mà Nhà nước Liên Xô truy tặng ông Lý Phú San vào năm 1986 được chị Lê Thị Phượng và cháu ngoại cung kính đặt lên bàn thờ trong căn hộ ở Matxcơva.

Hàng năm vào lễ hội tưng bừng ngày 9 tháng 5, mẹ con chị Lê Thị Phượng đều chăm chú xem truyền hình, hào hứng theo dõi cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ và cảnh người dân Nga náo nức kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở những khu vực khác nhau của đất nước rộng lớn.

«Mỗi lần nhìn các cụ già CCB tóc bạc của cuộc chiến vĩ đại ấy, tôi đều thấy trào dâng lòng biết ơn sâu sắc. Và quả thật còn thoáng buồn vì không ai trong số những người Việt Nam tham gia chiến đấu chống phát-xít  Đức còn sống đến ngày nay. Giống như hàng triệu người dân Nga, những người Việt này đã hiến dâng cuộc đời vì lợi ích của những thế hệ mai sau, không chỉ của người Nga, mà cả của người Việt Nam nữa», - cháu ngoại của ông Lý Phú San nói với nhà báo.

Chị Lê Thị Phượng rưng rưng nhớ lại câu chuyện của người cha kể về sự khó khăn gian khổ mà nhân dân Nga phải chịu và đã vượt qua trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt chống nước Đức quốc xã. Cả những người lính Hồng quân ngoài tiền tuyến và những chiến sĩ lao động trên mặt trận hậu phương, mỗi người từ vị trí của mình đều góp sức cho Chiến thắng.

Các binh sĩ đang chuẩn bị một bệ phóng tên lửa Katyusha để khai hỏa - Sputnik Việt Nam
Hai cuộc chiến và hai lần chiến thắng

«Liên Xô đã mang đóng góp quyết định, công lao có ý nghĩa nhất vào việc kết thúc Thế chiến II, không chỉ ở châu Âu mà còn cả ở châu Á. Không thể phủ nhận hoặc hạ thấp mức đóng góp khổng lồ và sự hy sinh vô giá của Liên Xô. Chiến thắng của Hồng quân trước bọn phát-xít Đức và quân phiệt Nhật Bản mang tầm ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Cụ thể, chiến thắng này quyết định việc hoàn thành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Cũng như cha tôi, bản thân tôi coi nước Nga là Tổ quốc thứ hai của mình», - chị Lê Thị Phượng chia sẻ.

Nước Nga cũng là quê hương của cháu ngoại ông Lý Phú San. Chàng trai cao lớn 22 tuổi với dung mạo phảng phất những nét Á Đông này có họ tên là Lê Mikhail – họ Việt của ông ngoại, và Mikhail cũng là tên Nga của ông Lý Phú San lúc sinh thời.

«Tôi tự hào về ông mình. Ông là hình mẫu cho tôi noi theo trong cuộc sống, là tấm gương về nếp chăm chỉ, tinh thần lạc quan, kiên trì vượt khó. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Matxcơva, tôi theo học trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga. Hiện nay tôi đang học chương trình Cao học, chuyên môn là Quản lý rủi ro trong ngân hàng thương mại, cụ thể là quản lý nhằm giảm thiểu khả năng dẫn đến kết quả bất lợi trong khủng hoảng và bất ổn tài chính. Hiện nay đề tài này ngày càng có tính thời sự cấp thiết. Vừa đi học, tôi vừa làm việc tại một công ty chuyên về chuyển nhượng Leasing của Nga ở Matxcơva, áp dụng kiến ​​thức đã học được trong môi trường thực tế. Sau một năm nữa, tôi sẽ hoàn thành chương trình Thạc sĩ và dự định thành thạo môn lập trình cũng như tiếng Nhật và tiếng Trung. Đối với mẹ con tôi, ngày 9 tháng 5 không chỉ là lễ hội chung toàn Nga, mà còn là ngày lễ tôn vinh truyền thống gia đình», - công dân Nga Lê Mikhail cho biết.
© TTXVNNguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Tấm huân chương Liên Xô của chiến sĩ Hồng quân người Việt trong căn hộ ở Matxcơva - Sputnik Việt Nam
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Trong cuộc phỏng vấn của Ban Việt ngữ Đài phát thanh Matxcơva, cố Chủ tịch Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh từng phát biểu  như sau:

«Những người yêu nước Việt Nam đã vô cùng lo âu dõi theo hành động hiếu chiến tàn bạo của bọn phát-xít Hitler trên đất Liên Xô, lo âu trước mối đe dọa với vận mệnh thủ đô Matxcơva. Và thật vui mừng xiết bao khi chúng tôi được biết rằng quân dân Xô-viết đã đánh bật bọn xâm lược ra khỏi đất đai quê hương và giải phóng châu lục khỏi chủ nghĩa phát-xít! Chiến thắng này đã cổ vũ truyền xung lực cho chúng tôi vùng lên hoàn thành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám. Trong trận giao tranh lịch sử đối chọi với chủ nghĩa phát-xít Đức ở ngay cửa ngõ Matxcơva để bảo vệ thủ đô Liên Xô đã có nhóm các đồng chí người Việt tham gia. Thực tế đó phản ánh tình cảm mà tất cả những người yêu nước Việt Nam dành cho Liên Xô. Với cuộc chiến đấu thần thánh của những người anh em Xô-viết, chắc hẳn không một ai trong chúng tôi có thể bàng quan đứng bên ngoài».
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала